06/05/2024 lúc 22:25 (GMT+7)
Breaking News

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí phản ánh được dòng chảy chung của xã hội

VNHN – Đó là lời phát biểu của Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ khai giảng khoá học "Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí" do Cục báo chí và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quản lý thông tin và truyền thông tổ chức vào sáng nay 13/11.

VNHN – Đó là lời phát biểu của Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ khai giảng khoá học "Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí" do Cục báo chí và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quản lý thông tin và truyền thông tổ chức vào sáng nay 13/11.

Tham dự Lễ khai giảng có Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục báo chí cùng 130 học viên là lãnh đạo các cơ quan báo chí phía Bắc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ khai giảng. Ảnh: Việt Hùng/Báo TN&MT.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Báo chí phải phản ánh được dòng chảy chung của xã hội. Trong dòng chảy chung của xã hội, Việt Nam ở tốp đầu các nước đang phát triển, nhưng chúng ta cũng còn không ít tồn tại. Trên mỗi ấn phẩm báo chí phải có cả nững bài báo phản ánh những vấn đề tích cực và tiêu cực, tuy nhiên các cơ quan báo chí phải cân nhắc từng thời điểm để quyết định đăng tài bài viết về vấn đề tiêu cực và tích cực nhiều hay ít".

Các học viên trong buổi Lễ khai giảng sáng nay. Ảnh: Việt Hùng/Báo TN&MT.

Để phân tích về con số 30%, 20% và 10% trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo Bộ trưởng, cái xấu xuất hiện với tỷ lệ 30% trên mặt báo nghĩa là cái xấu trở thành cái chính của xã hội; biểu hiện cái xấu có xu hướng trở thành cái chính trong xã hội khi cái xấu chiếm 20%; chiếm 10% tuy không phải là cái chính nhưng cũng đủ sức tác động đến con người.

Đồng nghĩa với việc, các cơ quan báo chí phải đảm bảo biểu dương cái tốt, định hướng công chúng để tăng niềm tin vào xã hội.

"Báo chí muốn sống tốt phải giữ gìn thương hiệu của mình, nếu không giữ được thương hiệu sẽ mất hết". Ở mỗi cơ quan báo chí, không nên chạy đua với cái nhanh của mạng xã hội mà phải khẳng định cái riêng của mình bằng sự chính xác, phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy. 

Đồng thời, đội ngũ nhà báo, phóng viên phải đạt đủ trình độ, bản lĩnh vì "không thể trao con dao sắc cho một đứa trẻ lên ba", bởi báo chí có thể là một con dao 2 lưỡi.

Khoá "Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí" diễn ra trong 2 tuần học với 7 chuyên đề: Chiến lược và kế hoạch phát triển cơ quan báo chí; Quản lý nhà nước về báo chí; Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động báo chí; Quản lý và điều hành cơ quan báo chí, tác nghiệp báo chí trong môi trường công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuyên đề kỹ năng quản lý nhân lực trong cơ quan báo chí; kỹ năng quản lý tài chính trong cơ quan báo chí. Chuyên đề cuối cùng là Quan hệ công chúng và quản trị thương hiệu./.