22/01/2025 lúc 14:43 (GMT+7)
Breaking News

Tinh thần yêu nước của quân dân ta là động lực góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là thêm một dịp để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam, tri ân những cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã đóng góp sức người, sức của, đã hy sinh quên mình cho độc lập, tự do, cho danh dự của Tổ quốc, cho phẩm giá của con người.

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp thu tàn dư chế độ thực dân phong kiến với kinh tế tiêu điều, xơ xác, tuyệt đại đa số người dân mù chữ, nghèo đói do bị bóc lột dã man đến tận xương tủy. Khoảng hai triệu người Việt Nam chết đói là những con số khủng khiếp nói lên tội ác tày trời của những kẻ xâm lược và chế độ áp bức, bóc lột. Trong bối cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, khoảng 20 triệu người Việt Nam lại phải đối đầu với một tên thực dân xâm lược thuộc loại hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Về phía ta, theo số liệu của Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, năm 1953 sản xuất lương thực từ Liên khu IV trở ra, về lúa đạt 2.757.700 tấn, về hoa màu đạt 650.850 tấn; về công nghiệp quốc phòng, chỉ tính vũ khí, đạn dược do các xưởng quân giới từ Liên khu IV trở ra sản xuất trong thời gian từ 1951 đến 1954 được 1.310 tấn. Về lực lượng, cũng theo Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam có 4 đại đoàn bộ binh, 1e công binh, 1 đại đoàn công pháo (có 1e 105mm, e sơn pháo 4c, 3d cao xạ 37mm)(1). Tiềm năng, tính hiện đại về kinh tế, về quân sự của ta không thể sánh với tiềm năng, tính hiện đại về kinh tế, về quân sự của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Nhưng kết cục là dân tộc Việt Nam đã chiến thắng, mà là chiến thắng vô cùng vẻ vang, được cả nhân loại tiến bộ ngợi ca. Chiến thắng toàn cục nói chung, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng là mốc son chói lọi, đánh dấu sự tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ, đồng thời hùng hồn khẳng định phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao mạnh mẽ từ châu Á, châu Phi đến các nước châu Mỹ la tinh... Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vị thế của Việt Nam lên cao hơn bao giờ hết, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tin tưởng, niềm tự hào của cả nhân loại tiến bộ yêu hòa bình.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị đã nêu lên 6 bài học kinh nghiệm, trong đó có những bài học như: Đường lối kháng chiến độc lập và tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng; Lấy nhỏ đánh lớn, phát huy sức mạnh của phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh toàn dân; Động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc xây dựng căn cứ địa - hậu phương v.v... Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng không nằm ngoài 6 bài học kinh nghiệm đó. Mỗi bài học kinh nghiệm có vị trí, vai trò riêng, đồng thời có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, càng làm nổi bật yếu tố con người, từ chủ trương của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sự đóng góp, chiến đấu, hy sinh quên mình của mỗi người dân trong tập thể quân và dân Việt Nam anh hùng.

Hình ảnh quân và dân anh hùng đã phần nào được tái hiện trong bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” (đăng trên trang nhất Báo Nhân dân, số ra ngày 11/5/1954): “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt còn ôm/ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện/ Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đinh chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”. Họ là những người đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Họ đã có mặt trong 4 đại đoàn bộ binh của quân đội ta, trong đại đoàn công pháo, trong trung đoàn công binh... Họ cũng có mặt trong khoảng 33.500 thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến phục vụ chiến đấu với gần 5 triệu ngày công, sử dụng khoảng 2 vạn xe đạp thồ, hơn 2500 chiếc thuyền, hàng nghìn con ngựa để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, mở đường, phá bom, sửa đường ra tiền tuyến(2). Họ có thể trực tiếp ra mặt trận, họ có thể ở hậu phương để thực hiện chủ trương “kháng chiến, kiến quốc”, nhưng họ đều có chung một ý chí, một khát vọng, một phẩm chất cao đẹp nhất đến mức có những nét chỉ riêng có ở người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là tinh thần yêu nước.

Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời các vua Hùng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu... cho đến các triều đại sau này như Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê... cho đến thời đại Hồ Chí Minh, suy đến cùng cũng là lịch sử phát triển tinh thần yêu nước của các thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay. Công cuộc trường kỳ, bền bỉ chinh phụ thiên tai, đặc biệt là công cuộc chiến đấu chống xâm lăng thường mạnh hơn ta nhiều lần về vật chất vô cùng gian khổ, đầy thử thách khốc liệt, nhiều hy sinh anh dũng đã hun đúc nên lòng yêu nước của người Việt Nam mà chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khái quát một cách đặc biệt sâu sắc như vậy: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(3). Vì vậy. đối với người Việt Nam, tinh thần yêu nước không chỉ là một trạng thái tâm lý, một sắc thái tình cảm, mà là một giá trị cao nhất trong bảng giá trị, một chân lý, một phẩm chất đặc biệt, một thước đo sự gắn bó máu thịt giữa mỗi cá nhân, cộng đồng với vận mệnh của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước là thành tố quan trọng nhất tạo nên nền tảng tinh thần, tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc Việt Nam với một bản sắc riêng, thành truyền thống tốt đẹp cần phải giữ gìn, phát huy trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Vai trò của tinh thần yêu nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam: “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (4). Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, vai trò của tinh thần yêu nước đã được phát huy đến đỉnh cao mới, trở thành động lực, vũ khí tinh thần mạnh hơn sắt thép của kẻ thù. Tinh thần yêu nước không dừng lại ở những khái niệm chung chung, mà được cụ thể hóa vô cùng sinh động vào suy nghĩ, hành động của quân và dân ta từ hậu phương đến tiền tuyến, từ người Kinh đến đồng bào dân tộc thiểu số, từ phụ nữ đến thanh niên, thiếu nhi, hay các cụ già, thành mẫu số chung để liên kết các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thể hiện hùng hồn ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hay khẩu hiệu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”...

Tinh thần yêu nước biểu hiện rõ nhất, đầy đủ nhất và in đậm dấu ấn bản sắc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại ở những anh Bộ đội Cụ Hồ, ở những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là qua 32 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã chiến đấu, đã hy sinh, đã lập chiến công vang dội trong chiến dịch lịch sử này. Họ có thể là cán bộ lãnh đạo, có thể chỉ là một người lính bình thường, nhưng họ giống nhau ở tuổi đời còn khá trẻ và tinh thần chiến đấu dũng cảm phi thường. Khẩu đội trưởng pháo phòng không 37mm Tô Vĩnh Diện trong đêm ngày 01/2/1954 đã lao tới lấy thân chèn vào bánh pháo để khẩu pháo quý giá của quân đội không lao xuống vực. Tấm gương hy sinh của người khẩu đội trưởng 26 tuổi ấy đã đi vào lịch sử như một huyền thoại của thế kỷ XX. Trong trận đánh cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954, từ các lỗ châu mai của các lô cốt, địch bắn ra như vãi đạn để cản bộ đội ta. Đồng chí Phan Đình Giót mặc dù bị thương nhưng không về tuyến sau mà vẫn ở lại cùng đồng đội chiến đấu. Đồng chí Phan Đình Giót đã cố gắng nhích dần người lên và lấy thân mình lấp lỗ châu mai lô cốt số 3, dập tắt hỏa lực địch để bộ đội ta lao lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam rất kiên cố và hoả lực mạnh của địch. Anh hùng Phan Đình Giót hy sinh ở độ tuổi 32 và với hành động phi thường thể hiện khí phách anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng rất quan trọng đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Người lính trẻ 23 tuổi Bế Văn Đàn trong trận đánh rất ác liệt tại Mường Pồn, mặc dù đã bị thương nhưng vẫn không ngần ngại đặt hai chân khẩu súng lên vai mình để cho đồng đội có vị trí thuận lợi bắn về phía kẻ thù. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh còn tiếp tục bị thương và anh dũng hy sinh. Chàng trai dân tộc Nùng Phùng Văn Khầu trận đánh nào cũng dũng cảm, mưu trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tham gia chiến đấu bảo vệ đồi E những ngày ác liệt, khẩu đội sơn pháo 75mm của đồng chí Phùng Văn Khẩu đã tiêu diệt 4 lô cốt, 5 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu đại liên, 1 kho đạn và nhiều sinh lực địch. Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Dỵ, đại đội trưởng Đại đội 811 (thuộc Đại đoàn 316) đã có sáng kiến xây dựng trận địa liên hoàn với nhiều ngách, hào trục và rào dây thép gai xung quanh trận địa đồi C1 để giảm tổn thất cho bộ đội ta. Câu nói nổi tiếng của đồng chí Lê Văn Dỵ “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” sau 70 năm vẫn còn truyền cảm hứng và thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Người lính trẻ Trần Can được giao nhiệm vụ cắm lá cờ do Bác Hồ trao cho bộ đội ta lên lô cốt Him Lam. Trong trận đánh điểm cao 507, đồng chí cùng đồng đội đánh trả nhiều đợt phản kính của địch. Mặc dù bị thương nhưng đồng chí kiên quyết không rời trận địa, chỉ huy đồng đội chiến đấu suốt đêm để tạo lợi thế cho quân ta tiến vào trung tâm Mường Thanh. Người lính trẻ anh hùng đã hy sinh anh dũng vào đúng ngày 7/5/1954 khi quân và dân ta toàn thắng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Không thể kể hết được sự thông minh, sáng tạo, mưu trí, những hành động chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên cường, không sợ hy sinh thân mình của những anh hùng Dương Quảng Châu, Bùi Đình Cư, Hoàng Khắc Dược, Đặng Đình Hồ, Trần Đình Hùng, Chu Văn Khâm, Tạ Quốc Luật, Đinh Văn Mẫu, Chu Văn Mùi, Hà Văn Nọa, Hoàng Văn Nô, Đặng Đức Song, Nguyễn Văn Ty, Phan Tư, Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Tiến Thụ, Hoàng Đăng Vinh v.v... Những anh hùng ấy cùng với hàng chục nghìn người lính  tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có người đã anh dũng hy sinh quên mình, người người là thương binh, bệnh binh đã trở thành biểu tượng tiêu biểu nhất cho một dân tộc anh hùng chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Bên cạnh những người nông dân mặc áo lính, tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ còn có khoảng 20.000 thanh niên xung phong và hàng vạn dân công hỏa tuyến tham gia khôi phục, mở hơn 4.500km đường giao thông, sửa chữa cầu, đường, phá bom, vận tải vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu. Nhiều địa điểm được ví như “yết hầu” trên các tuyến lửa, địch bắn phá suốt ngày đêm rất ác liệt nhưng vẫn không thể không ngăn được ý chí kiên cường của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến. Những chàng trai, cô gái với những chiếc búa, cuốc, xẻng…  thô sơ cùng đôi bàn tay chai sạn bám trụ ngày đêm ở ngã ba Cò Nòi, Đèo Chẹn, Suối Rút, Lũng Lô, Pha Đin... có thể hy sinh nhưng con đường ra mặt trận phải thông suốt để xe ta ra tiền tuyến. Hàng vạn dân công hỏa tuyến với khoảng 20.000 xe đạp thồ vượt đèo, băng rừng, bất chấp mưa bom, bão đạn chở hàng ra mặt trận. Nhiều người đã lập được những chiến công phi thường. Chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (quê ở Phú Thọ) đã chở được hơn 300 kg hàng, gấp hơn 6 lần số lượng một chiếc xe đạp thồ bình thường. Họ đã sống, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hiến dâng cả tuổi trẻ, vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, không ai nghĩ cho riêng mình, đặt sự thắng lợi của chiến dịch, của cuộc kháng chiến, của vận mệnh dân tộc lên trên hết thảy. Tinh thần yêu nước từ tình cảm, tâm lý thành lẽ sống của họ, biểu hiện thành hành động phi thường trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Tinh thần yêu nước trở thành sức mạnh để đoàn kết muôn người như một, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, giai cấp.... góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ các địa bàn khác nhau nhất là ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc… đã đóng góp sức người, sức của to lớn góp phần vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch. Các anh hùng Hàng Văn Nô, Bế Văn Đàn, Lộc Văn Trọng (dân tộc Tày), Phùng Văn Khầu (dân tộc Nùng), Đinh Văn Mẫu (dân tộc Mường)...là những ví dụ tiêu biểu. Với truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, hàng nghìn chị em phụ nữ bất chấp gian khổ, hiểm nguy, trèo đèo, lội suối hăng hái tham gia các đội thanh niên xung phong mở đường, sửa đường, vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm, tải thương, chăm sóc thương binh… Có chị thức cả tháng trời để ngày đêm hướng dẫn các đoàn thuyền vận tải của ta đi - đến an toàn. Có chị bị bom napan làm cháy tóc vẫn lao vào cứu các hòm đạn mà gian khổ vô cùng quân, dân ta mới vận chuyển được ra mặt trận. Nhiều nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Có rất nhiều yếu tố được xem là động lực góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng trong tương quan lực lượng lúc bấy giờ giữa ta và địch, chính tinh thần yêu nước của quân, dân ta đã tạo nên nguồn sức mạnh vô địch của chính nghĩa mà kẻ thù không thể khuất phục được bằng bom đạn, bằng cái chết, bằng âm mưu thủ đoạn cho dù thâm độc đến đâu. Đặc biệt, tinh thần yêu nước lại được soi sáng bởi đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đặc sắc, đúng đắn, sáng suốt mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, nên càng tăng thêm bội phần sức mạnh, củng cố bản sắc dân tộc, để có thể phân biệt được tinh thần yêu nước của người Việt Nam với tinh thần yêu nước của các dân tộc khác. Yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại kết hợp chặt chẽ tâm lý dân tộc giúp cho tinh thần yêu nước của người Việt Nam từ xưa đến nay không bao giờ có yếu tố cực đoan ngay cả khi phải đối mặt với kẻ thù tàn bạo. Cách chúng ta đối xử khoan dung với hàng vạn binh lính Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ là một ví dụ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã dự báo tình hình thế giới và trong nước những năm sắp tới (5). Nhiều thời cơ lớn và khó khăn, thách thức chưa từng có đan xen, song thời cơ vẫn là đặc điểm chủ đạo. Để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”6. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là thêm một dịp để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam, tri ân những cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã đóng góp sức người, sức của, đã hy sinh quên mình cho độc lập, tự do, cho danh dự của Tổ quốc, cho phẩm giá của con người. Trong bối cảnh hiện nay, cần gắn việc khơi dậy tinh thần yêu nước với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, bởi đây chính là giải pháp tạo ra chiều sâu, tính bền vững của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị - nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến sự sống còn của chế độ. Khi tinh thần yêu nước thực sự thấm sâu vào từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, thành tiêu chí và thước đo phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì chắc chắn sẽ ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang là căn bạo bệnh cần phải chữa trị tích cực, kịp thời. Vì vậy, phải đổi mới nội dung và hình thức giáo dục tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Về nội dung, chú trọng đề cập những hy sinh to lớn, chiến thắng lịch sử mang tầm thời đại của quân và dân ta. Về hình thức, tăng cường tổ chức hoạt động về nguồn, chiếu phim, triển lãm ảnh, gặp gỡ, tri ân những nhân chứng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có nhiều điểm nhấn trong hệ thống chính trị ở tất cả các địa phương. Đặc biệt quan tâm giáo dục tinh thần yêu nước trong giới trẻ. Con số nhức nhối khoảng 70% tội phạm và tệ nạn xã hội nằm trong lứa tuổi thanh, thiếu nhi cảnh báo một sự thật là hiệu quả giáo dục tinh thần yêu nước nhiều khi chưa được như chúng ta mong đợi. Tổ chức Đoàn, Hội, Đội phải tạo ra được những phong trào hành động cách mạng thật nhiều “lửa”, có sức lôi cuốn, thôi thúc nhiệt huyết của thanh, thiếu nhi. Nếu có hàng chục triệu “chiến sĩ Điện Biên” trẻ tuổi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cùng sự đồng sức, đồng lòng của cả dân tộc thì chắc chắn mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra sẽ thành công sớm hơn trong thực tiễn. 

TS. Nguyễn Văn Thắng 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

...