Bộ Tài chính vừa có thông cáo báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 11/2021 và triển khai Chương trình công tác tháng 12/2021 của Bộ Tài chính. Trong đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm.
Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật khẩn trương chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường để kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định. Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh.
Xem xét hồ sơ công ty đại chúng, hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định. Thực hiện giám sát hoạt động các công ty đại chúng (thời hạn, sai sót, chênh lệch số liệu,… trong báo cáo tài chính, đơn thư, phản ánh của báo chí), giám sát việc duy trì hoạt động của tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng lộ trình và quy định pháp luật. Thực hiện công tác hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khắc phục khó khăn, tuân thủ đúng quy định về pháp luật chứng khoán. Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.
Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện chính sách, xây dựng báo cáo tổng kết giai đoạn 2019-2021 đối với Chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, Quyết định 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng lên kế hoạch về thực hiện dự toán NSNN và công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán NSNN năm 2022 cho các Bộ, ngành, cơ quan TW và các địa phương Tiếp tục hoàn thiện, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSTW để bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 136/TB-VPCP ngày 23/11/2021. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình phục hồi kinh tế...
Đối với công tác quản lý tài sản công, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước; Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP...
Về công tác điều hành ngân quỹ và huy động vốn, quản lý chặt chẽ nợ công, Bộ Tài chính chỉ đạo: Tổ chức điều hành ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN; Tổ chức đàm phán, ký kết hiệp định vay nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh công tác rút vốn vay và thực hiện trả nợ nước ngoài đầy đủ, đúng hạn.
Đặc việt về công tác quản lý giá, bình ổn thị trường, Bộ Tài chính chỉ đạo: Chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để có phương án điều hành giá xăng dầu theo định kỳ; Phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành; Trình Bộ tham gia ý kiến về cơ chế chính sách về giá và thẩm định giá theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương; Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: sách giáo khoa, than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm...; Tiếp tục triển khai tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường, hàng tháng cập nhật kịch bản điều hành giá... Bám sát diễn biến tình hình giá cả trên thị trường, nhất là công tác quản lý giá trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán để có biện pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả.