21/01/2025 lúc 11:14 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Tài chính: Tăng cường phát triển thị trường chứng khoán và bảo hiểm

Tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính năm 2021, Bộ Tài chính đã có báo cáo công tác phát triển thị trường vốn năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính năm 2021, Bộ Tài chính đã có báo cáo công tác phát triển thị trường vốn năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo.

Tăng cường phát triển thị trường chứng khoán và bảo hiểm

Duy trì tăng trưởng trong bối cảnh COVID-19

Theo báo cáo, trong năm 2021, với bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ giúp phát triển thị trường vốn ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường tài chính ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, giữa thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), tiếp theo đà phát triển của những năm trước, năm 2021, TTCK phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Quốc hội về phát triển thị trường tài chính trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Tính đến ngày 17/12/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.658 nghìn tỷ đồng, tăng 44,7% so với cuối năm 2020, tương đương 121,7% GDP. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.211 tỷ đồng/phiên, tăng 253,2% so với bình quân năm trước.

Đến cuối tháng 11/2021, thị trường có 761 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 890 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 1.727 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với cuối năm 2020. Khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm tăng 76% so với bình quân năm trước, giá trị giao dịch bình quân tăng 245% so với bình quân năm trước.

Đối với thị trường TPCP, tính đến 20/12/2021, khối lượng huy động TPCP là 313.243 tỷ đồng, bằng 89,5% kế hoạch huy động năm 2021 (350.000 tỷ đồng) và bằng 83,98% kế hoạch điều chỉnh (373.000 tỷ đồng); Đã phát hành 100% TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 91,62% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,90 năm, giảm 0,04 năm so với cuối năm 2020.

Đối với thị trường bảo hiểm, tính đến 2021, thị trường bảo hiểm có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 24 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm)  và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Tính trong năm 2021, tổng tài sản của các DNBH ước đạt 710.002 tỷ đồng (tăng 23,86% so với năm 2020); Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 152.484 tỷ đồng (tăng 19,34% so với năm 2020); Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 214.958 tỷ đồng (tăng 15,59% so với năm 2020).

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.561 tỷ đồng (tăng 1,68% so với năm 2020). Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 577.069 tỷ đồng (tăng 22,24% so với năm 2020).

Nâng cao an toàn, công khai, minh bạch toàn thị trường

Theo Bộ Tài chính, để triển khai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phát triển thị trường vốn cần được triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát từ hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển toàn diện các cấu phần thị trường, đa dạng sản phẩm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ thị trường đến tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới để phát triển thị trường vốn đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế là:

Tập trung tổ chức triển khai Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 để vận hành thị trường vốn, TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch; đồng thời, hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và các văn bản hướng dẫn để phát triển thị trường bảo hiểm bền vững; Việc triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho giai đoạn sau năm 2021...

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trên thị trường TPDN để thị trường phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu, yêu cầu việc có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu, hướng dẫn cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi giao dịch TPDN riêng lẻ, bổ sung quy định đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN và chuẩn hóa quy định về chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

Nhằm tăng cường quản lý hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ về TPDN của các công ty chứng khoán, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu: Xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Hướng dẫn về hoạt động tư vấn hồ sơ phát hành TPDN riêng lẻ cua công ty chứng khoán, hoạt động đăng ký, lưu ký trái phiếu phát hành riêng lẻ của các tổ chức cung cấp dịch vụ lưu ký và bảo lãnh, đại ký phát hành TPDN riêng lẻ; Bổ sung quy định hạn chế việc nắm giữ và bán lại TPDN riêng lẻ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thông qua việc nâng cao hệ số rủi ro thị trường đối với hạng mục đầu tư là TPDN riêng lẻ, nghiên cứu quy định để hạn chế rủi ro của công ty chứng khoán trong việc đầu tư và phân phối TPDN.

Đối với thị trường bảo hiểm, để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; Nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo an toàn hệ thống; phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm, các nhiệm vụ tập trung vào:

Thứ nhất, công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm: Khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm mới. Có cơ chế chính sách khuyến khích các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí. Đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0.

Thứ hai, công tác đảm bảo an toàn tài chính doanh nghiệp: Tiếp tục giám sát, theo dõi, đôn đốc DNBH chưa đảm bảo biên khả năng thanh toán, nguồn vốn chủ sở hữu thực hiện các giải pháp để đảm bảo đáp ứng quy định pháp luật.

Thứ ba, tăng cường công tác giám sát từ xa, thanh tra và kiểm tra tại chỗ: Tiếp tục tăng cường thực hiện đánh giá DNBH, DNMGBH theo định kỳ, kịp thời phát hiện sai phạm để có phương án xử lý; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch đã đề ra.