VNHNO-Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
Ảnh minh họa
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông (Nghị định số 25) được Chính phủ ban hành ngày 06/4/2011, có hiệu lực từ ngày 01/6/2011 là văn bản quy phạm pháp luật hết sức quan trọng, góp phần cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý về viễn thông, tạo cơ sở để triển khai thực thi hiệu quả Luật Viễn thông. Trong 07 năm thi hành Nghị định, lĩnh vực viễn thông tiếp tục phát triển vững chắc, cơ bản duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạ tầng viễn thông được đầu tư mở rộng, dịch vụ viễn thông, Internet được phổ cập rộng rãi đến mọi người dân.
Là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện Nghị định, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã thường xuyên theo dõi rà soát, đánh giá việc thực thi các quy định của Nghị định, kịp thời kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Trong năm 2015, Bộ TTTT đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 25 liên quan đến các quy định về đầu tư, kinh doanh, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới. Tiếp theo đó, trong năm 2016, Bộ TTTT đã nghiên cứu và trình Chính phủ theo thủ tục rút gọn để ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25 quy định về đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và chấn chỉnh công tác quản lý thuê bao di động, góp phần giải quyết vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác.
Tuy nhiên, những lần sửa đổi, bổ sung nêu trên chưa có điều kiện để đề cập và giải quyết những hạn chế, bất cập của Nghị định 25 được ghi nhận trong quá trình thực thi thời gian qua. Do vậy, hiện nay việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông là rất cần thiết
Những điểm mới của dự thảo Nghị định
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung có những điểm mới cơ bản sau đây: Bổ sung quy định về quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Theo đó, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về xác định thị trường viễn thông liên quan trong kinh doanh dịch vụ viễn thông đảm bảo phù hợp với Luật cạnh tranh và các quy định pháp luật về viễn thông (khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị định). Bổ sung danh mục các thị trường viễn thông liên quan cần xem xét quản lý cạnh tranh (Khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị định).
Bổ sung hướng dẫn cụ thể về việc xác định doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường. Ngoài việc xác định theo thị phần doanh thu dịch vụ viễn thông, bổ sung hướng dẫn thêm các tiêu chí xác định doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể trong lĩnh vực viễn thông bao gồm năng lực tài chính, năng lực công nghệ, mạng lưới, kênh phân phối (Khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định).
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép viễn thông như sau: Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 22 Nghị định số 25 về đảm bảo thực hiện giấy phép viễn thông để thực thi xử phạt doanh nghiệp vi phạm về cam kết thực hiện giấy phép, phù hợp với pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính (khoản 4 Điều 1 Dự thảo Nghị định). Bổ sung mẫu đơn xin cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng quy định tại Điều 26 Nghị định số 25.
Đồng thời dự thảo cũng bổ sung Điều 33a về thu hồi kho số viễn thông trong trường hợp không nộp lệ phí phân bổ, phí sử dụng kho số viễn thông: Quy định về thời điểm được hiểu là tổ chức, doanh nghiệp không nộp lệ phí phân bổ, phí sử dụng kho số viễn thông; quy định trình tự thực hiện thu hồi số thuê bao viễn thông; quy định trình tự thực hiện thu hồi mã, số viễn thông khác ngoài số thuê bao viễn thông; trách nhiệm của Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thu hồi kho số viễn thông; quy định trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi mã, số viễn thông khi quyết định thu hồi mã, số viễn thông có hiệu lực.
VPCP