29/03/2024 lúc 13:56 (GMT+7)
Breaking News

Bộ GTVT: Có dấu hiệu nhà thầu thi công cầm chừng, chờ giá xuống

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, biến động về giá vật liệu xây dựng gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn như các dự án xây đường cao tốc, dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, 9/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực GTVT.

Bão giá vật liệu xây dựng, bao giờ có thể giải quyết?

Trả lời trước câu hỏi của Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội về giải pháp giải quyết khó khăn biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã họp với Bộ Xây dựng, báo cáo Chính phủ cùng tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở công trường.

Theo quy định báo giá vật liệu, nhiên liệu ở địa phương từ 1-3 tháng, có 37 địa phương thông báo hàng tháng; các địa phương còn lại báo 3 tháng/1 lần. Bộ GTVT đề nghị tập trung thông báo 1 tháng/1 lần để kịp thời cập nhật tình hình biến động giá.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, ảnh hưởng của biến động giá vật liệu gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công

Về vấn đề biến động giá vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, giá nguyên vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn như các dự án xây đường cao tốc, dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Thể, những dự án lớn đều đã ký hợp đồng có điều khoản về việc biến động giá. Nếu các địa phương thông báo kịp thời thì hoàn toàn có thể điều chỉnh. Nhưng có 1 thực tế giá biến động nhanh nhưng cơ chế chậm nên ít nhiều ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhà thầu. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu cùng các bộ ngành tham mưu chính phủ, cùng các địa phương, bộ ngành xử lý phù hợp.

Bộ trưởng GTVT cũng khẳng định việc mời các cơ quan công an, kiểm toán, thanh tra tham gia ngay từ đầu khi triển khai dự án sẽ không tăng thêm áp lực khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như tiến độ thi công của dự án.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, Tư lệnh ngành GTVT cho biết, khi triển khai cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1, kiểm toán, các cơ quan vào vào cuộc, giúp giám sát từ khâu lập dự án, thiết kế, tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện của nhà thầu.

“Các cơ quan này chỉ làm việc với Bộ GTVT, còn Bộ có trách nhiệm điều hành với các nhà thầu. Do đó chúng tôi nghĩ rằng, việc có sự tham gia của các cơ quan bộ ngành như vậy sẽ đảm bảo tính công khai minh bạch, giúp công việc tốt hơn”, Bộ trưởng Thể nói.

Nghiên cứu dùng cát biển để làm đường cao tốc

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Nam Sinh, đoàn An Giang về giải pháp nâng cao năng lực quản lý các dự án và đảm bảo các nguồn cung ứng vật tư cho các công trình, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 12 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, cố gắng cuối năm nay sẽ khởi công. Do ảnh hưởng của việc thiếu nguyên vật liệu xây dựng nên sẽ rất khó khăn cho các địa phương khi triển khai dự án.

Bộ GTVT nghiên cứu dùng cát biển san lấp một phần nền đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh hoạ

Về vấn đề vật tư, Bộ GTVT đã rút kinh nghiệm bài học từ giai đoạn 1, hiện các dự án ở miền Trung và miền Đông Nam Bộ, Bộ GTVT đã lập bộ hồ sơ đánh giá kỹ các mỏ vật liệu, cả ở những khu vực chưa có mỏ vật liệu cũng yêu cầu tư vấn điều tra, khảo sát, bổ sung đưa vào quy hoạch của địa phương để đưa về các mỏ dọc theo tuyến cao tốc được triển khai.

Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT sẽ báo cáo với Chính phủ làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, những tỉnh có trữ lượng mỏ cát tốt nhất hỗ trợ cho các dự án khác từ Cần Thơ về Cà Mau là những khu vực không có cát sông.

Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu cát biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo đánh giá có trữ lượng lên đến 1 tỷ khối, hiện các tiêu chuẩn về hạt, kích thước đảm bảo tuy nhiên, vẫn đang thực hiện các đánh giá về tác động môi trường.

Để đảm bảo các nguồn cung ứng vật tư cho các công trình, các địa phương phải có sự đoàn kết thống nhất với nhau, An Giang, Đồng Tháp phải hỗ trợ các tỉnh về mỏ cát, còn các tỉnh ở ven biển sẽ hỗ trợ An Giang, Đồng Tháp về cát biển để sao cho sử dụng cát biển nhiều, cát sông ít để hoàn thành các dự án lớn.

Nguyễn Lâm