19/01/2025 lúc 01:23 (GMT+7)
Breaking News

Bộ GTVT chỉ định thầu cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2

Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ GTVT được chỉ định thầu cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 trong 2 năm 2022 và 2023. Đồng thời, các mỏ khai thác khoáng sản phục vụ Dự án sẽ được nâng công suất nhằm đảm bảo nguồn nguyên vật liệu thi công.

Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ GTVT được chỉ định thầu cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 trong 2 năm 2022 và 2023. Đồng thời, các mỏ khai thác khoáng sản phục vụ Dự án sẽ được nâng công suất nhằm đảm bảo nguồn nguyên vật liệu thi công.

Bộ GTVT chỉ định thầu trong năm 2022 và 2023

Bộ GTVT chỉ định thầu trong năm 2022 và 2023

Chính phủ vừa đưa ra Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Nghị quyết, Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần theo quy định pháp luật về đầu tư công; đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng). Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi thực hiện chỉ định thầu.

Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định việc chỉ định thầu không làm giảm chi phí đầu tư nhưng sẽ rút ngắn được 6-9 tháng trong giai đoạn chọn nhà thầu so với đấu thầu. Rút ngắn được thời gian trong chọn nhà thầu sẽ có thêm thời gian tập trung cho thi công, xây lắp.

"Chỉ định thầu nhưng chúng tôi ban hành hồ sơ có tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn. Ai đáp ứng được yêu cầu thì được đưa vào danh sách xem xét tuyển chọn. Do đó, chỉ định thầu có chất lượng không kém hình thức đấu thầu nhưng rút ngắn được thời gian, đảm bảo được yêu cầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Về việc chỉ định thầu tư vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định ngành giao thông có bài học từ dự án cải tạo và nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài nên tự tin việc chỉ định thầu tư vấn không ảnh hưởng gì đến dự án.
“Chúng ta chỉ định thầu nhưng đưa ra ‘hàng rào kỹ thuật’ đó là hồ sơ yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các tư vấn. Tư vấn nào đáp ứng được sẽ đưa vào danh sách để lựa chọn và ngược lại... Nên tôi khẳng định chỉ định tư vấn không thua đấu thầu mà còn rút ngắn thời gian và đảm bảo các yêu cầu về tiến độ,” Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Khẳng định các đơn vị Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước đang bám sát với Bộ Giao thông Vận tải từ khâu lập dự án, đấu thầu đến thi công để đảm bảo chất lượng các công trình, ông Thể quả quyết: “Không có đơn vị nào dám làm ẩu, vì cho dù dự án hoàn thành sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm.”

Ngoài ra, tại Nghị quyết này Chính phủ cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị Dự án.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến), cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Các địa phương tổ chức ngay việc rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ triển khai giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư. Đồng thời, phối hợp với Bộ GTVT tải xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của Dự án.
Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án.

Nâng công suất khai thác mỏ khoáng sản lên không quá 50%

Nâng công suất khai thác mỏ khoáng sản lên không quá 50%

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133, Chính phủ áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhằm nâng hiệu quả khai thác.

Cụ thể, các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho Dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu mọi trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho Dự án, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

UBND cấp tỉnh chỉ cho phép nâng công suất khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công Dự án. Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công Dự án. Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí.

Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan.