20/12/2024 lúc 13:37 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Giáo dục & Đào tạo: Thống nhất khai giảng năm học ngày 5/9

VNHN - Bộ GD-ĐT chính thức thống nhất khai giảng năm học 2020-2021 trong cả nước là ngày 5/9. Các trường không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, mà chỉ tập trung học sinh để chuẩn bị các điều kiện và ổn định nề nếp.

VNHN - Vừa qua, ngày 30/6 Bộ GD-ĐT chính thức thống nhất khai giảng năm học 2020-2021 trong cả nước là ngày 5/9. Các trường không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, mà chỉ tập trung học sinh để chuẩn bị các điều kiện và ổn định nề nếp.

Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trả lời báo chí. (Nguồn: Internet)

Học sinh tập trung vào ngày 1/9.

Tại cuộc họp báo hôm 30/6, ông Trần Quang Nam (chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Cụ thể, cả nước sẽ thống nhất tổ chức khai giảng năm học vào ngày 5/9 như truyền thống lâu nay. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình. Vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay), dành 2 tuần để dự phòng và tăng thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ cho học sinh và giáo viên.

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT chia sẻ về việc tập trung muộn hơn mọi năm. (Nguồn: Internet)

Trước băn khoăn của các bậc phụ huynh, về vấn đề các em học sinh bị ảnh hưởng bởi việc tập trung muộn hơn mọi năm. Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT – nhấn mạnh “Tôi khẳng định là không ảnh hưởng gì. Năm nay, học sinh lớp 1 học chương trình mới, học 2 buổi/ngày, mỗi ngày 7 tiết. Khoảng thời gian sau học chính khóa là thời gian để giáo viên hoàn thành các phần việc của mình".

Song song đó, khung kế hoạch thời gian năm học sau khi được Bộ ban hành sẽ áp dụng cho các năm học tới, không riêng gì năm học 2020-2021, để tăng thời gian trải nghiệm hè cho các em học sinh. Đối với các trường tư thục, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13 (về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục) cho phù hợp hơn.

Đổi mới xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tinh giản, tích hợp

Đặc biệt, từ năm học tới Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường trung học đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tinh giản, tích hợp nội dung chương trình theo các chủ đề dạy học, áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học theo hướng tăng thực hành, trải nghiệm, mở rộng các hoạt động bên ngoài không gian lớp học.

Từ đó, việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng đa dạng hơn, không nhất thiết chỉ có một hình thức làm bài kiểm tra trên giấy. Đây cũng là một hướng đi có thể giúp các nhà trường tiết kiệm được thời gian, dành thêm quỹ thời gian cho học sinh tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng lực, phẩm chất.

Không bố trí dạy cho giáo viên không đạt chuẩn.

Được biết, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho việc tập huấn việc chuẩn bị của giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Giải đáp thắc mắc của các bậc phụ huynh, về việc liệu Bộ GD-ĐT có gấp gáp khi giữ nguyên tiến độ triển khai chương trình mới ở lớp 1 không. Ông Thái Văn Tài Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT khẳng định: "Nếu giáo viên không tham gia tập huấn hoặc tham gia không đầy đủ, giáo viên có tham gia tập huấn nhưng khi làm bài test để đánh giá kết quả tập huấn không đạt sẽ chưa bố trí dạy lớp 1 trong năm học tới". Các bậc phụ huynh có thể yên tâm về chất lượng dạy học cũng như phương thức đổi mới của nhà trường.

Giáo viên phải đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo. (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các địa phương bố trí dư số giáo viên tham gia tập huấn để có thể sàng lọc, giữ lại những người đảm bảo yêu cầu, ưu tiên bố trí dạy lớp 1 trong năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mới này.

Năm 2019-2020, do ảnh hưởng của Covid-19, 22 triệu học sinh cả nước phải nghỉ học 3 tháng, thời gian kết thúc năm học muộn một tháng rưỡi, trước 15/7. Do thời gian nghỉ hè của học sinh bị rút ngắn, việc tựu trường muộn hơn mọi năm cũng một phần đáp ứng nguyện vọng của đa số các bậc phụ huynh, mong muốn con tựu trường muộn để có thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị tốt hơn cho năm học mới./.