Thời gian lý tưởng để tới thăm Cù Lao Câu là từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm. Lúc này biển êm sóng lắng, có nhiều tàu thuyền ra đảo, khí hậu trong lành, mát mẻ. 6 tháng còn lại ít ai ra đảo vì biển động, có gió mùa bắc khô cằn, khắc nghiệt.
“Thiên đường đá” mê hoặc
Cù Lao Câu là hòn đảo nhỏ ở xã Phước Thể (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km về phía đông bắc. Đảo cách đất liền điểm gần nhất khoảng 9km, dài 1,5km, nơi rộng nhất chưa đầy 800m, chỗ mỏm đá cao nhất cách mặt nước biển chừng 8m.
Bao quanh Cù Lao Câu là những khối đá hình thù kỳ quái.
Gọi đảo này là Cù Lao Câu vì trên đảo có nhiều rau chân vịt. Nhưng người dân địa phương hay đọc trại thành Cù Lao Cau. Ngoài những cái tên đó, đảo cũng được gọi là Hòn Câu, nhưng phổ biến nhất vẫn là tên “Cù Lao Câu”.
Hầu hết người dân miền Bắc còn khá lạ lẫm với cái tên “Cù Lao Câu”. Còn đối với người miền Nam thì đây chính là điểm dừng chân phổ biến, ưa thích cho những ai có máu phiêu lưu và đam mê khám phá thiên nhiên hoang sơ.
Bởi nằm giữa những thành phố du lịch biển nổi tiếng như Cà Ná, Phan Thiết, lại chưa phát triển mạnh về dịch vụ du lịch nên Cù Lao Câu không phải lựa chọn ưu tiên của du khách cho những chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng đây lại chính là lợi thế làm nên sức hút cho hòn đảo nhỏ xinh xắn này. Cù Lao Câu là điểm đến mong ước cho những kẻ phiêu du thích tìm tòi, khám phá, tự trải nghiểm và tránh xa đám đông du khách.
Được báo chí ca ngợi với những mỹ từ như “thiên đường vắng bóng người”, “viên ngọc thô giữa đại dương xanh thẳm”, “vương quốc đá đẹp mê hồn”, “đảo thiên đường”…, sức hút của Cù Lao Câu nhờ vào sự hoang vắng, thanh bình. Chưa bị con người tác động, đảo vẫn giữ được nét hoang sơ, trong lành như thuở ban đầu.
Có lẽ, ấn tượng ban đầu về Cù Lao Câu không phải nước biển trong vắt soi rõ cả đáy cát lấp lánh, cũng chẳng là bờ cát mịn màng, mặt biển lặng sóng bởi trên khắp Việt Nam không thiếu những hòn đảo như thế. Mà ấn tượng nhất là đá, và đá.
Có hàng chục nghìn khối đá nằm la liệt, bao quanh đảo với đủ hình thù kỳ lạ và màu sắc khác nhau. Từ xa, bãi đá trông như những tác phẩm điêu khắc tài tình của thiên nhiên. Có chỗ, đá xếp chồng lên nhau như bức tường thành vững chãi. Nhờ những khối đá to, nhỏ đẹp kỳ ảo ấy, Cù Lao Câu mới có những bãi biển lặng sóng, cát trắng mịn màng.
Từ đất liền, du khách có thể dễ dàng trông thấy đảo Cù Lao Câu nổi giữa mặt biển xanh trong thêm phần quyến rũ. Với dáng hình thoai thoải, Cù Lao Câu chẳng khác nào một chiến hạm đồ sộ và hùng dũng đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng biển, vùng trời quê hương. Còn mỗi tảng đá nằm rải rác quanh đảo, trên bờ cát, giữa đại dương lại giống như mỗi người lính đang canh gác, dốc tâm sức làm tròn nhiệm vụ của mình.
Có nơi đá xếp chồng lên nhau như bức tường thành.
Từng ngày rồi từng đêm, không biết đã qua bao năm đón sóng, mỗi tảng đá được mài nhẵn đi những góc cạnh sắc nhọn, xù xì. Như con người trải tháng năm không còn bốc đồng, kiêu ngạo thể hiện “cái tôi” như khi còn trẻ, mà đương đầu với sóng gió cuộc đời bằng sự bình thản, nội lực thâm trầm và kinh nghiệm sống tích góp được. Những khối, những tảng đá ở Cù Lao Câu cũng vững chãi, kiên cường theo cách như thế, trong giai điệu dạt dào thương yêu của tiếng sóng vỗ.
Trải nghiệm trên hoang đảo
Vì nằm cách bờ không xa (khoảng 9km), lại có thể dễ dàng tiếp cận từ nhiều điểm như: bến đò thị trấn Liên Hương, cảng cá xã Phước Thể, xã Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Tân, xã Bình Thạnh hoặc Cà Ná (Bình Thuận)… nên trảo nghiệm làm Robinson trên hoang đảo như Cù Lao Câu chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
Tùy theo nơi xuất phát ở đất liền, tàu cá hoặc cano sẽ mất 45 - 60 phút để đưa du khách đặt chân lên hòn đảo xanh trong như ngọc ấy. Do không có bến tàu dân sự, chỉ có bến tàu quân sự (rất cao, tàu bình thường không cập bờ được) nên tàu sẽ dừng cách bờ một quãng. Từ đây, du khách được chở bằng ghe hoặc thuyền thúng (còn gọi là mủng) để vào bờ.
Hành trình này tuy ngắn ngủi nhưng cũng rất thú vị. Trên ghe, du khách sẽ ngửi rõ hương mằn mặn, tanh nồng của biển, của cá theo gió đưa lại. Thậm chí, còn thấy thấp thoáng cảnh ngư dân đang tắm tiên giữa non nước mây trời.
Gọi Cù Lao Câu là hoang đảo không phải cách nói quá, bởi trên đảo hầu như không có người ở, chỉ vài hộ gia đình nhỏ sinh sống, mua bán. Vậy nên khung cảnh nơi đây vẫn rất hoang sơ và môi trường cực kỳ trong lành, sạch sẽ.
Chỉ cần một ngày cũng đủ để du khách thỏa mãn khi được đắm mình trong thiên nhiên nguyên sơ và tìm hiểu thảm động thực vật phong phú trên đảo. Chắc chắn, chẳng có trải nghiệm nào bình yên hơn khi được bơi lội, thư giãn giữa làn nước xanh trong biêng biếc, lặn ngắm san hô, câu cá. Hay vừa thưởng thức tiệc nướng trên bờ, vừa tận hưởng niềm hạnh phúc vô bờ khi được là một phần của bức tranh thiên nhiên thơ mộng, có bãi biển xinh đẹp nằm bên triền cát dài mịn màng, uốn lượn, có những cơn gió mát rượi từ đại dương ùa vào…
Nếu một ngày là chưa đủ, thì hãy ở lại nhiều ngày để trải nghiệm của giác làm Robinson. Nhưng vì Cù Lao Câu nằm dưới sự kiểm soát của bộ đội biên phòng nên mọi kế hoạch, hoạt động trên đảo đều cần phải xin phép. Đừng ngần ngại, vì nếu được phép, những người lính còn rất nhiệt tình hướng dẫn bạn tham quan, khám phá hòn đảo, thậm chí còn chia cho bạn chút nước ngọt vốn rất quý hiếm ở nơi xa đất liền.
Hãy tự chuẩn bị đồ ăn vì trên đảo không có bất cứ dịch vụ du lịch nào, trừ một quán giải khát nho nhỏ. Câu cá, bắt còng nấu cháo, cắm trại qua đêm, mở tiệc nướng trên biển với những hải sản tự tay bạn bắt được… sẽ để lại những trải nghiệm khó quên về những ngày ngao du, phiêu bạt cùng biển trời.
Một điểm bạn cần nhớ là trên đảo có nhiều rắn độc, do đó bạn không nên đi vào những bụi cây mà nên đi theo lối mòn. Ngoài ra, Cù Lao Câu sẽ để cho bạn những trải nghiệm không tiền bạc nào mua được. Từ lúc ánh mình binh gọi ngày mới cho đến khi hoàng hôn tắt nắng, và cả khi màn đêm bao trùm, vạn vật yên tính. Lúc này quanh bạn chỉ có âm thanh của biển cả, của gió, của cây cối lao xao và cảm giác yên bình tuyệt đối.
Giữa biển cả bao la và giữa thiên nhiên đầy mê hoặc nơi đây lại càng cảm nhận sự mênh mông của biển trời và sự sâu lắng mang tính triết học của cuộc sống nhân sinh. Đứng trước biển, sống giữa thiên nhiên, con người cảm thấy mình giao hòa và càng cảm thấy trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường biển, gìn giữ môi trường biển và cảnh quan đẹp đẽ cho hôm nay và mai sau.