22/12/2024 lúc 23:12 (GMT+7)
Breaking News

Bình Định tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 59/TB-VPCP ngày 28/2/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Định và tiếp tục phát huy "tinh thần Tây Sơn", "hào khí Tây Sơn", Tỉnh đã đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định đã đạt được trong thời gian qua; đặc biệt là tinh thần tự lực, tự cường và có cách làm hay, hiệu quả trong phát triển hạ tầng (trong đó có đầu tư xây dựng và quy hoạch phát triển hai bên tuyến đường ven biển), phát triển mô hình hợp tác công tư tại bệnh viện tỉnh Bình Định và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Đây là điểm sáng cần được tiếp tục thúc đẩy, phát huy và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, nhân rộng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bình Định còn một số tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chưa tự cân đối được chi thường xuyên. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi còn hạn chế, quy mô nhỏ. Phát triển du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm còn chậm...

Phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tỉnh Bình Định chú trọng công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh; quy hoạch phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn, chiến lược và tư duy đổi mới; vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa hóa giải được các điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, thách thức, hạn chế. Khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quý II năm 2023; nghiên cứu quy hoạch phát triển khu vực Bắc Phú Yên - Nam Bình Định.

Tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, không dàn trải; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, kinh tế biển; khai thác lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.

Phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích các ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển... Xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP. Phát triển ngành thủy sản hiện đại, hiệu quả, bền vững, trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao và khai thác cá ngừ đại dương; hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác xa bờ, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tỉnh Bình Định đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại có tiềm năng, thế mạnh (vận tải biển, logictics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...). Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, chiến lược làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của địa phương. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo dạy nghề, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến; cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh.

Bảo tồn, phát huy mạnh mẽ bản sắc, giá trị di sản văn hóa, truyền thống lịch sử và con người Bình Định; đẩy mạnh số hóa di sản văn hóa; triển khai xây dựng đề án phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng. Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, đối tượng yếu thế; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.

Thanh Khê