Trước tình hình dịch Covid -19 ở trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt dịp áp tết, tại các khu vực giáp ranh, cửa khẩu, cảng biển, đường mòn lối mở, hoạt động phòng, chống dịch Covid -19 của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đang được tăng cường triển khai. Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Nghệ An cho biết.
Khu vực biên giới người dân có tập quán làm rẫy lúa
Những ngày này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, đang tích cực chỉ đạo các lực lượng, nhất là Bộ đội Biên phòng tăng cường hơn nữa các biện pháp về siết chặt hoạt động kiểm soát, xuất nhập cảnh, chốt chặn các đường mòn, lối mở trước nguy cơ bùng phát dịch Covid làn sóng thứ 2 sẽ nguy hiểm hơn. Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng Biên phòng Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh giáp biên với 3 tỉnh của Lào là Hủa-phăn, Xiêng-khoảng và Bô-li-khăm-xay, chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào đang tạm đóng các cửa khẩu chính, chỉ cho phép hoạt động vận tải hàng hóa theo quy định. Ngoài ra vẫn tạo điều kiện cho công dân hai nước xuất nhập cảnh nếu đủ điều kiện cho phép của ngành chức năng về chống dịch Covid -19 của hai nước. Tính từ ngày 23/3 đến nay, các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu đã làm thủ tục nhập cảnh, phối hợp đưa đi cách ly tại các trung tâm cách ly tập trung gần 2000 người và gần 100 phương tiện. Riêng tháng 12/2020, lực lượng Biên phòng Nghệ An đã làm thủ tục nhập cảnh và đưa cách ly 219 người, trong đó phát hiện 9 vụ gồm 16 người nhập cảnh trái phép, 1 vụ 3 người xuất cảnh trái phép.
Tuần tra đường mòn lối mở
Trung tá Trần Văn Khoa bày tỏ: Từ đầu năm đến nay, anh em đã phát hiện hàng chục vụ nhập cảnh trái phép, đã đưa đi cách ly và xử lý theo quy định. “Đây là đường biên giới, ngay dưới suối là chia đôi, bên này Việt Nam, bên kia là Lào. Đây là Nặm Cắn, suối Nặm Cắn. Bên kia biên giới là bản Đin-đăm của Lào, cách đây khoảng 4 đến 5 cây số. Bên Lào cũng lập trạm phối kết hợp nhưng chủ yếu là bên ta, ta giữ chặt từng nào thì các đối tượng ở bên Lào sẽ không dám sang bên này, họ mà sang đây thì đã có anh em bộ đội biên phòng chốt vừa làm nhiệm vụ ngăn ngừa dịch Covid vừa làm nhiệm vụ kép. Không chỉ ở chốt này mà các chốt khác cũng như vậy”.
Chốt số 4 của Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Quốc tế Nậm Cắn
Trung tá Nguyễn Hồng Đức, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nặm Cắn cho biết, Đồn quản lý 30km đường biên, có cột 8 mốc, từ mốc 402 đến 409 trên địa bàn 2 xã Nậm Cắn và xã Tạ Cả; vùng này có 4 dân tộc sinh sống là Mông, Thái, Khơ Mú và Kinh. Các chốt trên tuyến biên giới của Đồn thường trực 24/24 giờ vừa ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép vừa đấu tranh các hoạt động vi phạm pháp luật khác. Mới đây, Đồn đã xử lý 25 vụ 38 đối tượng xuất nhập biên trái phép, đã bàn giao cho các trung tâm của tỉnh cách ly 14 ngày, sau đó sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng trong ngày hôm qua, Đồn đã tiếp nhận 82 sinh viên Lào, 8 công dân Việt Nam và 1 trường hợp vi phạm xuất nhập cảnh trái phép, đã đưa đi cách li tại huyện Nghĩa Đàn. Nhiệm vụ của Đồn hiện nay là tăng cường chốt chặn trên tuyến biên giới nhằm ngăn chặn các hành vi xuất nhập cảnh trái phép; thứ hai nữa tiếp tục tuyên truyền cho quần chúng nhân dân trên địa bàn nhận thức và nâng cao hiểu biết về công tác phòng chống dịch Covid theo hướng dẫn và chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp; thứ ba là tiếp nhận, vận chuyển cách ly đối với công dân Việt Nam nhập cảnh và sinh viên Lào nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Nặm Cắn, thực hiện theo quy định, quyết định, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, quyết không để các trường hợp có nguy cơ cao xâm nhập vào nội địa. Trung tá Nguyễn Hồng Đức nhấn mạnh.
Sau giờ tuần tra
Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nặm Cắn, cho biết, trong khu vực biên phòng quản lý, đồng bào Mông trước đây có tập quán vào rừng phát rãy trồng cây thuốc phiện thì nay đã bỏ hẳn để chuyển sang chăn nuôi bò vỗ béo. Hiện nay xã Năm Cắn có 70% số hộ chuyên trồng cỏ nuôi bò. Có việc làm mới, người dân thu nhập ổn định nên không có người vi phạm pháp luật. Có cuộc sống ổn định, no ấm, người dân đã cùng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ biên giới, cung cấp nguồn tin, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm, giúp bộ đội biên phòng kịp thời xử lý các đối tượng vượt biên trái phép theo quy định của pháp luật.
Làm việc với ông Lỳ Bá Thái, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn, ông cho biết, Kỳ Sơn là huyện nghèo, rừng núi hiểm trở, ít đất bằng để sản xuất lương thực, vì vậy, tình hình di dịch cư sang Lào vẫn còn, mỗi năm Kỳ Sơn vẫn có khoảng 5 đến 7 hộ rời quê hương. Mặc dù Kỳ Sơn đã có đường ô tô vào đến trung tâm các xã, nhưng khó khăn nhất vẫn là đường hành lang biên giới dọc Quốc lộ 7B đến các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Khe Kiền. Tuy vậy huyện luôn biến nguy cơ, thành cơ hội để phát triển. Hàng năm huyện ra quy chế phối hợp bộ đội biên phòng làm tốt công tác bảo vệ an ninh biên giới. Nhờ phối hợp tốt mà trong giai đoạn chống dịch, người dân đã phát giác giúp lực lượng chức năng tiếp nhận hàng trăm trường hợp từ Lào về, kịp thời đưa đi cách ly. “Chúng tôi chỉ đạo cấp ủy chính quyền địa phương các xã, bố trí lực lượng công an xã, rồi dân quân xã tham gia, phân công lực lượng thường xuyên túc trực với các đồn biên phòng. Bên cạnh đó huy động toàn bộ bà con nhân dân ủng hộ gạo, cơm, rồi rau củ quả, đưa đến các chốt biên phòng để hỗ trợ các đồng chí làm nhiệm vụ chốt biên giới.” Ông Lỳ Bá Thái cho biết.
Trồng thêm rau trên chốt
Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cho biết, từ nay đến Tết Nguyên Đán, tình hình sẽ diễn biến phức tạp hơn vì lượng người qua lại biên giới sẽ tăng, đặc biệt người Việt ở nước ngoài về tết và người nước ngoài về nước cũng tăng. Để chủ động phòng, chống sự lây lan dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Nghệ An đã phân công từng đồng chí chỉ huy trực tiếp chỉ đạo các mảng, mũi, tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, trực tiếp đi kiểm tra các địa bàn, các điểm chốt trên biên giới, đồng thời chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn, duy trì có hiệu quả công tác tuần tra, chốt chặn, làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid -19 vừa đảm bảo an ninh biên giới. “Bên cạnh đó, kịp thời tăng cường lực lượng, đặc biệt điều động các đơn vị tuyến sau lên chốt, đồng thời quan tâm tốt hơn về chế độ chính sách cho anh em để anh em yên tâm bám chốt, cũng như tổ chức các đợt đảo quân để giải quyết các trường hợp nghỉ bù hoặc nghỉ vào dịp tết, đảm bảo quân số luôn sẵn sàng. Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ xác lập các vụ án, chuyên án để đấu tranh ngăn chặn các đường dây môi giới, đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép”- Đại tá Trần Hải Bình cho biết thêm./.