VNHN - Đài NHK ngày 26/6 có bài nhận định Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thu hút sự chú ý của dư luận về việc ASEAN có thể thống nhất trong việc đưa ra thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc hay không.
NHK viết, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động trên Biển Đông, trong khi các nước ASEAN bận chống dịch bệnh Covid-19, liệu ASEAN có thể đưa ra thông điệp cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không là vấn đề mà dư luận Nhật Bản hết sức quan tâm.
Indonesia xác nhận gửi công hàm lên LHQ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại phiên họp, hàng loạt chủ đề được các bên đề cập như việc đối phó với Covid-19, ứng phó với những thiệt hại về kinh tế do Covid-19 gây ra và vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một số thành viên ASEAN.
Việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên Biển Đông, như lập khu hành chính mới trên các đảo mà Trung Quốc đang triển khai xây dựng căn cứ quân sự, cũng như triển khai tàu khảo sát tới vùng biển Malaysia là những vấn đề rất quan ngại.
Thời gian qua, Trung Quốc cũng liên tục có các hoạt động trên Biển Đông trong thời điểm ASEAN bận chống dịch. Ngày 18/4, Trung Quốc đã thành lập 2 khu hành chính mới trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Theo cáo buộc của Việt Nam, Trung Quốc đã nhiều lần dùng tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, đồng thời tịch thu toàn bộ số thủy sản và phương tiện đánh bắt cá của tàu cá Việt Nam khi những tàu này đang đánh bắt cá trên Biển Đông.
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, tàu khảo sát Hải Dương của Trung Quốc hồi cuối tháng 4/2020 cũng đã từng tiến hành hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Những hành vi này của Trung Quốc không những đẩy căng thẳng với Việt Nam lên cao mà còn làm cả những nước ASEAN từng có quan điểm muốn tránh né đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh do có quan hệ mật thiết về kinh tế nay cũng có thái độ không tin tưởng Trung Quốc. Đây là nét mới nổi bật trong thời gian qua.
Philippines từng đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ, ngày 2/6 cũng đã tuyên bố hoãn quyết định này và thể hiện thái độ coi trọng quan hệ với Mỹ hơn trước đây. Bộ Quốc phòng Philippines hôm 9/6 cũng đã khánh thành một bến neo đậu cho tàu quân sự trên đảo Thị Tứ (Pagasa) hiện đang do Philippines kiểm soát trên Biển Đông. Lễ khánh thành này có sự xuất hiện của các quan chức quân sự hàng đầu Philippines và được công khai với báo giới. Philippines còn tiết lộ nước này có kế hoạch xây dựng một đường băng trên đảo để cho máy bay quân sự cất - hạ cánh.
Trong khi đó, Indonesia mới đây cũng gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết, Việt Nam rất cảnh giác với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Sơn nhận định, việc Trung Quốc triển khai các hành động chưa từng thấy trong những năm qua, ví dụ như thành lập khu hành chính mới, là nhằm lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông và xác lập vị thế có lợi về chiến lược trên vùng biển này.
Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, xác định rằng hòa bình và ổn định trên Biển Đông chính là lợi ích chung của ASEAN, do vậy, Việt Nam cho rằng, sự hợp tác của các nước thành viên ASEAN là không thể thiếu được.