23/12/2024 lúc 22:06 (GMT+7)
Breaking News

Bia căm thù ở Nhơn Trạch, Đồng Nai

VNHN - Đến ngày 17/7 mỗi năm tại xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đều tổ chức lễ tưởng niệm trên 500 thường dân, hầu hết là nông dân bị chết dưới bom đạn của ngụy quân vào cuối năm 1964. Dịp này, trước Bia tưởng niệm, nhiều nhân chứng là các cựu chiến binh, cựu tù chính trị, đã thuật lại vụ thảm sát kinh hoàng đó. Có người không cầm được nước mắt khi nhớ lại dòng sông ngày ấy ngập ngụa máu và xác người, còn kinh hoàng hơn cả vụ thảm sát Mỹ Lai- Quảng Ngãi…

VNHN - Đến ngày 17/7 mỗi năm tại xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đều tổ chức lễ tưởng niệm trên 500 thường dân, hầu hết là nông dân bị chết dưới bom đạn của ngụy quân vào cuối năm 1964. Dịp này, trước Bia tưởng niệm, nhiều nhân chứng là các cựu chiến binh, cựu tù chính trị, đã thuật lại vụ thảm sát kinh hoàng đó. Có người không cầm được nước mắt khi nhớ lại dòng sông ngày ấy ngập ngụa máu và xác người, còn kinh hoàng hơn cả vụ thảm sát Mỹ Lai- Quảng Ngãi…

Nhân chứng kẻ mất người còn

Tiếp xúc với người dân và các cụ già là nhân chứng sống, nghe họ kể lại mới thấy kinh hoàng và căm phẫn dâng lên lòng ngực….

Khúc sông năm xưa.

Theo chân những cụ già chúng tôi đến bên bờ sông ở ngã ba Giồng Sắn. Ông Nguyễn Văn Năm - 85 tuổi, một cựu tù chính trị là một trong những người chứng kiến vụ thảm sát, bồi hồi đứng lặng. Rồi theo hướng chỉ dẫn của ông. Chúng tôi đến bên bờ sông Giòng Sắn lặng lẽ chảy hiền hòa…. Vài chiếc võ lãi và ghe thuyền chở trái cây chạy ngang qua, xé làn nước trong vắt kéo theo những vệt dài luồng nước chữ V trên khúc sông tuyệt đẹp. ông Năm nghẹn nghào: “Người dân ở xã Phú Đông gọi Bia Căm Thù thay cho Bia Tưởng niệm, được dời từ ngã ba Giồng Sắn (Hương lộ 19) đến đường Giồng Sắn vào năm 2004, thuộc ấp bến Đình, xã Phú Đông, Nhơn Trạch. Bia được khởi xây ngày 25/10/2004 và xong ngày 30/04/2005. Ngay từ trước năm 1975, người dân đã lén dựng tấm bia này bên kia sông, ngay tại nơi xảy ra cuộc thảm sát. Tấm bia đã nằm phơi mình mấy mươi năm trên dòng sông ở ngã ba Giồng Sắn. Đây là nơi ghe thuyền của người dân miền Tây lên hướng Ông Mai, ghé vào chờ nước lên để về Cầu Cháy, Phú Đông, Phước Lý, Đại Phước… và từ hướng Ông Kèo ghé vào để đi về Đồng Nai, Nhà Bè. Ghe thuyền hàng ngày tấp nập ghé vào Giồng Sắn để mua bán rau quả, cá khô, dừa khô và thu mua tro trấu”.

Di tích lịch sử địa điểm vụ thảm sát (ảnh: Internet)

Toàn cảnh thảm sát

Ông Nguyễn Văn Năm kể lại: “Lúc đó là tháng lúa đang lớn từ tháng 10 - 12/1964 (trên tấm bia cũng không ghi ngày tháng xảy ra vụ thảm sát), người dân từ các xã đổ về giăng câu, lượm củi, cắm câu… chờ lúa chín. Hôm ấy, khoảng 3-4 giờ chiều, chiếc “đầm già” của ngụy quân chao lượn nhiều lần trinh sát trên ngã ba sông rồi sau đó máy bay ồ ạt đến thả bom và pháo kích. Tiếng bom đạn, tiếng gầm rú của máy bay làm kinh động cả một vùng sông nước. Một số người dân ở xa cả cây số đã hoảng loạn di tản. Tôi lúc ấy còn trẻ, đã cùng với thanh niên trong làng chạy về hướng Giồng Sắn để cứu người. Một cảnh kinh hoàng, thương tâm diễn ra trước mắt, thây người nằm la liệt trên bờ, dưới nước. Cả một ngã ba sông đỏ như dòng sông máu. Ghe, thuyền tan nát, chiếc chìm chiếc nổi. Có gia đình sáu người từ Tây Ninh lên buôn bán bị trúng bom chết cả, xác của họ lớp nằm trên thuyền, lớp nằm úp trên bờ sông. Tiếng kêu khóc vang động cả vùng. Lúc đầu thanh niên trai tráng vừa khóc vừa vớt xác người đem lên bờ cho người khác chôn cất. Đến lúc rã rời, kiệt sức thì nỗi căm thù dâng lên thay cho nước mắt của họ. Cho đến hết ngày hôm sau mọi người mới chấm dứt việc tìm kiếm xác người. Số người chết là 536 người. Trong đó, không ít gia đình có truyền thống cách mạng đã tử vong. Từ ngay sau ngày thảm sát đó, rất nhiều trai tráng của mười mấy xã thuộc huyện Nhơn Trạch đã âm thầm lên đường đến với cách mạng.”…..

Ông Nguyễn Văn Vè - năm đó mới 19 tuổi (hiện ông 72 tuổi) trầm ngâm khi chúng tôi hỏi chuyện: “Lúc xảy ra thảm sát ông đang ở phía bên kia Cát Lái (quận 2 bây giờ), nghe bom đạn nổ, mọi người xôn xao, nghi ngại. Người nhà phía bên ngoại của ông Vè không cho ông về Phú Đông. Sáng hôm sau, khi về tới ngã ba Giồng Sắn, ông vẫn còn thấy nhiều xác chết không toàn thây, trôi vật vờ bên bờ sông màu đỏ đục. Ông không cầm được nước mắt, phóng mình xuống sông trợ giúp các trai làng vớt xác người….”.

Nhìn giòng sông êm ả gợn muôn con sóng lăn tăn. Nhìn những chiếc ghe thuyền chất đầy tro trấu và trái cây đang xuôi ngược thanh bình… khó mà hình dung được nơi đây từng đỏ cả một dòng sông máu và nước mắt.

Di tích ngã ba Giòng Sắn, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai (ảnh: Internet)

Trong khuôn viên bia căm thù vẫn còn lác đác những người dân, đến thắp hương khấn nguyện trong ánh nắng chiều nhàn nhạt. Trước khi chia tay Ông Nguyễn Biện, 64 tuổi, khẳng định: Hôm ấy là ngày 27/9/1964, vào lúc 16 giờ. Ông còn nhớ vì vào ngày, giờ ấy, ông Biện đang xé tờ lịch để làm giấy viết thư cho người chị ở tận Sa Đéc, thì nghe bom nổ. Ấn tượng chết chóc và bom đạn ám ảnh ông đến gần suốt cuộc đời.

Được biết hằng năm vào dịp 27/7 và những ngày giáp Tết Nguyên Đán UBND huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai và các cấp địa phương cùng nhiều người dân các xã tổ chức lễ truy điệu tường niệm các nạn nhân xấu số tại Bia Căm Thù. Có thể nói đây là một vụ thảm sát kinh hoàng mà cho đến nay vẫn còn ít người biết đến.

Hồng Nhung