Sáng tạo với nhiều giải pháp linh hoạt được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, đến thời điểm này, các nỗ lực phát triển đối tượng tham gia, tăng thu, giảm nợ BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Cao Bằng đã tiến sát mục tiêu đề ra. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội nhập, ông Nguyễn Tiến Hưng- Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng, cho biết:
Được biết, BHXH tỉnh Cao Bằng trong năm 2021đã thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, bởi đặc điểm điều kiện kinh tế- xã hội địa phương cũng như do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các DN cũng như việc làm, thu nhập của NLĐ. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, trên địa bàn tỉnh có thêm 22 xã, thị trấn không còn thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, do vậy số người tham gia BHYT giảm trên 41.800 người… Những yếu tố trên ảnh hưởng rất lớn đến công tác phát triển người tham gia, thu, thu nợ BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành, địa phương cũng như sự nỗ lực của toàn thể CCVC trong đơn vị, BHXH tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực hoạt động.
Tính đến ngày 20/12/2021, BHXH tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021 được BHXH Việt Nam giao. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, số tăng trưởng người tham gia BHXH tự nguyện ở mức cao và Cao Bằng là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện cao nhất trên toàn quốc so với lực lượng lao động trong độ tuổi (hiện nay chiếm khoảng 5%), cao hơn 4% so với mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra.
Đồng thời, đã giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 615.000 lượt người. Dự kiến, chi phí KCB BHYT năm 2021 tại tỉnh cơ bản cân đối dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Riêng đối với thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP, tính đến ngày 18/11, BHXH tỉnh Cao Bằng đã giải quyết và chi hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp cho 100% số NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp và trên 96,3% số NLĐ đang bảo lưu thời gian tham gia BH thất nghiệp. Qua đó, giúp BHXH tỉnh Cao Bằng là một trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện nhiệm vụ này.
Ông Nguyễn Tiến Hưng- Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng
* PV: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của Cao Bằng vẫn đạt kết quả rất ấn tượng. Vậy BHXH tỉnh đã áp dụng những giải pháp nào để đạt được kết quả này?
- Ông Nguyễn Tiến Hưng: Xác định được những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện nên chúng tôi đã triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi đặc biệt quan tâm chú trọng công tác tham mưu ban hành văn bản để tổ chức thực hiện. Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh cũng như giao chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thành phố; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ thị này.
Kịp thời tham mưu cho BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp tỉnh và cấp huyện ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo đó, các thành viên BCĐ trực tiếp đi nắm bắt, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa bàn được phân công phụ trách triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với đặc thù có tới 95% dân số là người DTTS, BHXH tỉnh đã chuyển thể các nội dung tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT để phát trên sóng phát thanh bằng tiếng dân tộc (Tày, Nùng, Mông, Dao); biên dịch tờ gấp về chính sách BHXH tự nguyện sang chữ viết của dân tộc Mông. Đồng thời, chú trọng phối hợp với các Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng và người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình để người dân hiểu, tin tưởng và tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tập trung tuyên truyền trực tiếp, phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội phát động phong trào thi đua tuyên truyền, vận động hội viên và người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện.
Hoạt động nghiệp vụ tại BHXH tỉnh Cao Bằng
* Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Cao Bằng cũng tiến rất sát mục tiêu thu, thu nợ BHXH, BHYT. Vậy công tác thu, thu nợ trong năm nay đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, phải khẳng định dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới công tác thu và thu nợ BHXH, BHYT. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực trọng tâm được BHXH tỉnh triển khai quyết liệt, với nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp thực tiễn, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng thói quen cho các chủ SDLĐ trong việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và thành lập Tổ thu nợ của BHXH tỉnh và BHXH huyện để đôn đốc, thu hồi nợ đối với các đơn vị nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT; kết hợp với việc rà soát số NLĐ chưa tham gia. Đồng thời, thường xuyên báo cáo tình trạng trốn đóng, nợ đọng của các đơn vị với cấp ủy, chính quyền; thông báo công khai danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, thanh tra, kiểm tra cũng là một giải pháp mũi nhọn giúp giảm đáng kể số nợ trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với những DN cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT. Thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị SDLĐ phải tuân thủ nghiêm pháp luật BHXH, chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau thanh tra.
* Trân trọng cảm ơn ông!