Bến Tre là vùng trọng điểm giống cây trồng cho cả nước, đặc biệt là giống cây ăn trái và giống dừa. Giai đoạn 2021-2025 và đến định hướng đến năm 2030, Bến Tre đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại.
Tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Bến Tre có hệ sinh thái gồm mặn, ngọt, lợ phù hợp với sự đa dạng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Bến Tre có hai thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển, trong đó kinh tế vườn tiêu biểu với cây dừa là loài cây đóng vai trò chủ lực. Với hơn 73.000 ha, cây ăn trái trên 29.000 ha và trên 30.000 ha lúa chuyên canh và lúa mùa vụ. Đây có thể được coi là điều kiện lý tưởng để nông dân Bến Tre hướng đến những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Nông dân Bến Tre thu hoạch lúa Thu Đông. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Nông dân tỉnh Bến Tre đã và đang từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Người dân đã cân nhắc, thận trọng hơn trong việc lựa chọn đối tượng, quy mô, thời điểm sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm, quản lý môi trường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa hạn mặn và phòng chống dịch bệnh. Việc áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được người dân quan tâm thực hiện trên nhiều loại cây trồng, thủy sản, cây ăn trái, chăn nuôi heo,…
Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được chứng nhận hoặc đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu. Được thị trường chấp nhận khá tốt, tạo được thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm nông nghiệp Bến Tre. Trong thời gian tới, Bến Tre xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với ứng dụng công nghệ cao và chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Tỉnh tiếp tục xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất các chuỗi đạt 1 tỷ USD cho cây dừa, 1 tỷ USD về tôm, 500 triệu USD về bò, cây giống và hoa cảnh 500 triệu USD. Xây dựng thí điểm các vùng nguyên liệu tập trung với quy mô từ 22 – 22.000 ha nhóm sản phẩm dừa. 1500 – 2200 ha nhóm sản phẩm quả. 300 ha nhóm sản phẩm cây giống và hoa cảnh. 450 ha nhóm sản phẩm tôm trong tổng số 4000 ha nuôi tôm công nghệ ca. Trong đó, có 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương.
Sử dụng phương tiện bay không người lái phun thuốc diệt sâu mới gây hại cho cây dừa. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Ngoài ra, Bến Tre sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng rút ngắn chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả phân phối lợi ích giữa các tác nhân. Cơ bản tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản. Chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi.
Đặc biệt, tới đây tỉnh còn chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu nông sản, phấn đấu đến năm 2025 tất cả 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm đặc thù của địa phương khi đưa ra thị trường phải được truy xuất nguồn gốc hoặc chứng nhận chỉ dẫn địa lý.