Trong bài viết trên tờ National Interest, hai tác giả Stefano Graziosi và James Jay Carafano* cho rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn chuyển giao nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định của châu Âu cho Đức và Pháp. Tuy nhiên, Washington và Berlin có vẻ sẽ ngày càng khó làm việc với nhau.
Nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Angela Merkel dài đến mấy rồi cũng sắp đến hồi kết. Nước Đức sẽ tổ chức bầu cử để chọn ra lãnh đạo và chính phủ mới vào tháng Chín năm nay. Lúc đó, di sản của bà Merkel về mối quan hệ cân bằng giữa Đức với Mỹ-Nga-Trung sẽ bị thử thách.
Đang có dự đoán rằng sẽ nổi lên một chính phủ liên minh bao gồm cả đảng Xanh. Kết quả này sẽ tạo ra sự kết hợp của các bên “đồng sàng dị mộng” với một sự đồng thuận mong manh cùng sự xáo trộn khó hiểu giữa các ưu tiên đối nội và đối ngoại.
Mỹ sẽ thất vọng trong việc chuyển giao nhiệm vụ gắn kết xuyên Đại Tây Dương cho một nước Đức nhiều mâu thuẫn? (Nguồn: Getty)
Mỹ-Đức khó làm việc cùng nhau
Trong bối cảnh trên, kế hoạch chuyển giao nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định của châu Âu cho Berlin và Paris của Tổng thống Joe Biden sẽ được giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, Washington và Berlin ngày càng khó làm việc chung với nhau.
Điều này có thể khiến Mỹ mất nhiều công sức hơn trước, để giữ cho cộng đồng xuyên Đại Tây Dương có được một sự ổn định lâu dài trong cuộc cạnh tranh cường quốc gay gắt như hiện nay.
Dưới thời của Thủ tướng Angela Merkel, nước Đức đã phải chật vật tìm kiếm một chính sách thực tế để đối phó với ý đồ của Trung Quốc nhằm thâm nhập vào nội bộ xuyên Đại Tây Dương mà không tổn hại đến quyền lợi của Berlin.
Ngay từ đầu, Berlin là đối tác thương mại châu Âu quan trọng nhất của Bắc Kinh. Bà Merkel là người ủng hộ chủ yếu cho Hiệp định Toàn diện về Đầu tư Trung Quốc-EU, một thỏa thuận gây tranh cãi đã bị Mỹ và nhiều nước châu Âu phản đối.
Vào tháng trước, Ủy viên thương mại EU đã thông báo việc phê chuẩn Hiệp định bị đình trệ do Trung Quốc trừng phạt nhiều đại sứ, chính khách và nhiều học viện, trường học của châu Âu nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của EU đối với các quan chức ở Tân Cương.
Bà Merkel cũng mềm mỏng trong vấn đề công nghệ 5G của Trung Quốc, bất chấp làn sóng quan ngại về an ninh mà Mỹ và nhiều nước khởi xướng.
Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Đức đã đưa ra dự luật yêu cầu các công ty liên quan đến việc xây dựng kết nối 5G đảm bảo rằng trang thiết bị của các công ty này không được sử dụng cho mục đích gián điệp và khủng bố.
Dự luật bị nhiều người cho rằng là quá "nương tay" với những “nhà diều hâu Trung Quốc” vốn đã thúc đẩy một đạo luật cho phép chính quyền Bắc Kinh mạnh tay ngăn chặn những công ty cung cấp công nghệ 5G “không đáng tin cậy”.
Trong khi đó, công ty vận tải tàu biển khổng lồ Cosco của Trung Quốc đã đàm phán với công ty hậu cần và vận tải của Đức Hamburger Hafen und Logistik AG để có thị phần tại một trong những cổng container ở cảng Hamburg, một động thái nhận được sự đồng thuận của chính phủ Đức. Sự kiện này cũng đã góp phần bùng lên làn sóng tranh cãi.
Tuy nhiên, tại Hội nghị G7 vừa qua, bà Merkel đã cẩn trọng phản đối quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, chủ yếu do Mỹ thúc đẩy.
Động thái cân bằng quan hệ của Thủ tướng Đức Angela Merkel không dừng lại ở Trung Quốc. Bà Merkel còn mạnh mẽ ủng hộ việc hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga và bày tỏ sự quan tâm khi muốn cùng Moscow sản xuất vaccine Sputnik V.
Gần đây, bà cũng kêu gọi cuộc hội đàm trực tiếp giữa Nga và EU, một động thái bị các nước châu Âu khước từ.
Nội bộ bất đồng
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel đã có sự bất đồng.
Điều này đã thể hiện rất rõ trong suốt cuộc tranh cử cho chức chủ tịch đảng. Cựu Nghị sĩ châu Âu Friedrich Merz, người ủng hộ nhiệt thành của NATO, đã kêu gọi củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương và theo hướng cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Nhờ lời kêu gọi trên, ông Merz đã nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất từ vòng đầu trong cuộc đua ba chặng đến chức chủ tịch đảng. Ông chỉ thua ở vòng thứ hai với tỷ lệ bỏ phiếu ở khoảng cách ngắn.
Trong khi đó, ông Armin Laschet, người chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua cho chức chủ tịch đảng và là đại diện để tranh cử chức Thủ tướng sắp tới, cũng đang tìm cách đi theo phong cách lãnh đạo của bà Merkel.
“Tôi ủng hộ chiến lược của chính phủ về Trung Quốc”, ông Laschet nói trong cuộc phỏng vấn với Financial Times gần đây. “Chúng ta phải bàn bạc về các mối quan tâm (vấn đề nhân quyền), nhưng không cần phải đảo ngược chính sách về Trung Quốc”.
Ngoài ra, trong một hội nghị do Liên đoàn các Ngành Công nghiệp Đức tổ chức, ông Laschet nói rằng ông muốn một cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Nga.
Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cũng có xu hướng mềm mỏng với Trung Quốc. Ông Olaf Scholz, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Đức, hiện đang là ứng viên cho chức Thủ tướng sắp tới của đảng này. Ông Scholz ủng hộ việc hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số.
Một thành viên quan trọng khác của SPD là Ngoại trưởng Heiko Maas gần đây đã nói rằng “Trong nội bộ châu Âu, chúng ta đang mô tả Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và đối thủ có tính hệ thống cùng một lúc”. Ông cũng nói thêm rằng, “chúng ta cần các kênh trao đổi cứng rắn, bền vững với Bắc Kinh. Việc phân tách với Bắc Kinh là cách thức sai lầm”.
Tuy nhiên, một số đảng đối lập lại có quan điểm khác. Ứng viên đảng Xanh, bà Annalena Baerbock, hiện đang đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò, đã kêu gọi gây thêm áp lực lên Nga và phản đối dự án đường ống dẫn dầu của Dòng chảy phương Bắc 2. Bà cũng là một người thường có những lời chỉ trích gay gắt đối với Bắc Kinh.
Lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh cũng được thể hiện ở nhiều thành viên Đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Mỹ sẽ là bên thua cuộc?
Hiện vẫn chưa thể nói chắc chắn về các tác động địa chính trị của cuộc bầu cử liên bang ở Đức sắp tới. Hai kịch bản có khả năng xảy ra nhất là: một đại liên minh bao gồm CDU, đảng Xanh và đảng SPD hoặc một đại liên minh bao gồm CDU, đảng Xanh và đảng FDP.
Trong số đó, kịch bản thứ hai có thể thúc đẩy những thay đổi lớn đối với chính sách đối ngoại của Đức, đặc biệt là đối với Trung Quốc và Nga - tạo ra một pha trộn giữa sự liên kết và bất hòa với Mỹ.
Dù là chính phủ thành lập theo kịch bản nào thì đều có khả năng đồng quan điểm về một vấn đề: đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ở hậu trường, nhiều người thừa nhận rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran dù không ngăn được Tehran nhưng sẽ cho chính phủ các nước phương Tây thời gian tìm ra giải pháp thay thế và cùng thống nhất nỗ lực thực hiện. Tuy vậy, điều đó có vẻ khó thành hiện thực.
Cuối cùng, cộng đồng xuyên Đại Tây Dương có khả năng tiếp tục bị "chao đảo" bởi Tehran, như đã từng xảy ra với Bắc Kinh và Moscow.
Thực tế là, ngoài việc không giải quyết được vấn đề Iran, Mỹ cũng sẽ thất vọng trong việc chuyển giao nhiệm vụ gắn kết xuyên Đại Tây Dương cho một nước Đức nhiều mâu thuẫn. Washington sẽ không nhìn thấy các đồng minh phương Tây loại bỏ ảnh hưởng của Bắc Kinh hay chiến đấu để buộc Moscow phải chịu trách nhiệm.
Nhìn về tương lai, Washington không thể dựa chủ yếu vào Berlin. Do vậy, thay vì tách khỏi châu Âu, chính quyền Tổng thống Biden chỉ còn cách dành nhiều thời gian hơn ở Đại Tây Dương, nếu không muốn để mất đồng minh vào tay Bắc Kinh, Moscow và Tehran.
theo National Interest
*Tác giả Stefano Graziosi là nhà phân tích chính trị cho báo La Verità và tạp chí tuần Panorama. Còn James Jay Carafano là Phó Chủ tịch Quỹ Heritage, phụ trách việc nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc gia và quan hệ đối ngoại.