VNHN - Để có được Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B, theo quy định, thời gian đào tạo và thi sát hạch là 1 tháng, nhưng tại “chợ” cấp chứng chỉ của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ cần nộp vài trăm nghìn đồng là bất kỳ ai cũng có thể “sắm” cho mình một tấm chứng chỉ phôi chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thi lấy chứng chỉ dễ như mua rau
Gần đây, Tòa soạn Việt Nam Hội nhập nhận được nhiều thông tin phản ánh Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (địa chỉ 207 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức nhiều đợt thi cấp chứng chỉ tiếng Anh trái quy định.
Theo quy định, để được cấp Chứng chỉ tiếng Anh phôi chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học viên phải đăng ký nộp hồ sơ theo đúng quy trình, thời gian đào tạo và thi sát hạch là 1 tháng. Các học viên phải vượt qua 4 phần thi: Nghe - nói - đọc - viết trước sự kiểm tra giám sát nghiêm ngặt của giám thị trong quá trình thi. Nhưng tại Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế, các ứng viên chỉ cần nộp vài trăm nghìn đồng để ghi danh và vượt qua kỳ thi sát hạch một cách dễ dàng.
Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế - nơi tổ chức nhiều đợt thi cấp chứng chỉ tiếng Anh trái quy định.
Để xác minh những thông tin phản ánh trên, sáng 27/4/2019, phóng viên Việt Nam Hội nhập có mặt tại Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế - ĐH Kinh tế Quốc dân để đăng ký dự thi cấp chứng chỉ tiếng Anh trình độ B. Lịch thông báo là 7h30 bắt đầu thi, nhưng lúc đó hàng trăm người vẫn đang nhốn nháo để ghi danh.
Theo hướng dẫn của một giáo viên tại cửa phòng thi, chỉ cần nộp 1 chứng minh thư photo và 1 ảnh 3x4 là đủ điều kiện, các ứng viên sẽ ôn tập 1 tiếng trước khi thi.
Khoảng 7h50, thí sinh thi cả 2 trình độ B và C được đưa vào chung một phòng học. Giáo viên phát cho mỗi thí sinh một tờ giấy photo có nhiều câu hỏi tiếng Anh, sau đó đọc đáp án từng câu và dặn: “Bài thi sẽ có những câu hỏi tương tự”.
Sau khoảng 1 giờ đồng hồ “học ôn”, thí sinh được tách riêng ra 2 phòng: Trình độ B và C. Phòng thi tiếng Anh trình độ B, có khoảng 70 thí sinh với 4 phần thi: Nghe-nói-đọc-viết. Phần thi nói thì riêng từng thí sinh, các phần còn lại thi chung.
Phần thi nghe - nói -đọc khá khó khăn vì nặng kiến thức, nhiều thí sinh cố gắng tìm mọi cách để viết được kín mặt giấy như lời giám thị nhắc: "Cố gắng không để trống câu nào". Một số thí sinh vô tư dùng điện thoại, chép đáp án, sau đó cho nhiều thí sinh khác chép cùng.
Trong phòng thí, một khung cảnh nhốn nháo kẻ đứng, người ngồi thoải mái quay cóp bài của nhau, trao đổi huyên náo không khác gì buổi họp chợ. Nhưng kỳ lạ thay, giám thị chỉ nhắc nhở qua loa và tiếp tục làm ngơ để thí sinh tự do làm bài.
Trong phòng thi tiếng Anh B (ngày 27/4) các thí sinh thoải mái quay cóp bài và trao đổi huyên náo trước mặt giám thị.
Đến phần thi nói (vấn đáp), các thí sinh được bốc thăm trước một chủ đề, sau đó chờ đến lượt. Những câu hỏi bốc thăm khá hóc búa, nhưng khi được gọi lên, hầu hết các thí sinh đều được hỏi theo một mô típ những câu dễ, như: "Bạn tên gì?", "Bạn đến từ đâu?", "Bạn làm nghề gì?"… Phần thi này diễn ra trong chớp nhoáng, dù phóng viên cố tình trả lời sai, hay giả vờ “tắc ngơ” nhưng vẫn được cho qua một cách dễ dàng.
Ngày 02/5/2019, tức là chỉ sau 5 ngày, Trung tâm cho người chuyển chứng chỉ đến tận nhà, tổng chi phí các thí sinh phải nộp là 450 nghìn đồng. Trên chứng chỉ ghi: "Đã hoàn thành khóa học từ ngày 20/3/2019 đến ngày 20/4/2019", Chứng chỉ do bà Đinh Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế ký.
Cầm chứng chỉ trên tay, phóng viên cũng khá bất ngờ với “thành quả” đạt được, dù bài thi trước đó được viết bằng 2 loại chữ khác nhau và phần thi vấn đáp rất dở tệ nhưng vẫn được trường Đại học Kinh tế Quốc dân “tạo điều kiện” hết mức.
“Nghe đâu là không có vấn đề gì”
Ngày 14/6/2019, phóng viên Tòa soạn Việt Nam Hội nhập có buổi làm việc với ông Vũ Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Kinh tế Quốc dân để tìm hiểu về công tác kiểm tra, phương án xử lý những vấn đề nhức nhối đang tồn tại nói trên.
Trước khi có buổi làm việc, phóng viên đã đề nghị được làm việc với Lãnh đạo nhà trường và được tiếp cận những Văn bản báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Biên bản xử lý vi phạm cán bộ giáo viên (nếu có).
Nhưng tại buổi làm việc, không có Lãnh đạo nhà trường, các tài liệu, văn bản nói trên ông Vũ Trọng Nghĩa cũng không cung cấp được, dù không phải tài liệu mật của cơ quan nhà nước. Vì theo vị Trưởng phòng này “những cái đó đang trong quá trình kiểm tra nên chưa cung cấp được”.
Mặc dù thí sinh có phần thi dở tệ nhưng vẫn được cấp Chứng chỉ dễ dàng.
Trước câu hỏi “Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ không đúng quy định, những chứng chỉ đã cấp sẽ thu hồi lại hay xử lý như thế nào?”, ông Vũ Trọng Nghĩa không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, mà chỉ trả lời chung chung “sẽ xử lý theo quy định của Bộ”.
Cũng theo vị Trưởng phòng Truyền thông này cho hay, nếu phát hiện sai phạm tại Trung tâm Ngoại ngữ, mức xử lý cao nhất là “không ký hợp đồng với cán bộ đó nữa”.
Được biết, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị này liên tục mở các đợt thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, hầu hết các đối tượng dự thi đều nằm trong diện đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc nói trên (chứng chỉ tiếng Anh dùng cho kỳ thi tuyển công chức, viên chức, nâng ngạch…) hàng loạt những bằng chứng vi phạm đang được Tổ kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh làm rõ. Thế nhưng, ông Vũ Trọng Nghĩa vẫn lạc quan chia sẻ “nghe đâu là không có vấn đề gì”(?).