22/01/2025 lúc 22:51 (GMT+7)
Breaking News

Bật mí về 2 trường đại học Việt Nam lọt top 1.000 trường tốt nhất thế giới

VNHNO - Hai đại diện đầu tiên của Việt Nam lọt top 1.000 trường thế giới là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

VNHNO - Hai đại diện đầu tiên của Việt Nam lọt top 1.000 trường thế giới là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, Tổ chức giáo dục QS công bố bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2019 (QS World) cho 1.000 trường hàng đầu. Nó đánh giá các trường đại học dựa trên 6 tiêu chí: danh tiếng học thuật, danh tiếng trường, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, số trích dẫn mỗi giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên quốc tế.

Trong đó, yếu tố danh tiếng học thuật chiếm trọng số cao nhất – 40%. Các yếu tố như tỷ lệ giảng viên/ sinh viên, số trích dẫn trên mỗi giảng viên  chiếm 20% mỗi tiêu chí. Tiếp đó là danh tiếng của trường chiếm 10%. Tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế chiếm 5% mỗi tiêu chí.

QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới, bên cạnh các bảng xếp hạng phổ biến khác như Times Higher Education (THE), Webometrics và ARWU của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải.

Lần đầu tiên, Việt Nam có hai đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng này, gồm Đại học Quốc gia TP HCM đứng trong nhóm 701-750 và Đại học Quốc gia Hà Nội đứng trong nhóm 801-1.000.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Được thành lập ngày năm 1995, các lĩnh vực đào tạo của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trải rộng trong nhiều ngành, bao gồm: kỹ thuật-công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội- nhân văn, khoa học kinh tế và khoa học sức khỏe.

Trường đang dẫn đầu cả nước về số chương trình đạt chuẩn của khu vực và quốc tế với 30 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, chiếm 50% số chương trình đạt chuẩn AUN - QA của cả nước; hai chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET Hoa Kỳ; 7 chương trình chất lượng cao Việt - Pháp đạt chuẩn kiểm định CTI Pháp.

Ảnh: Internet

Đây cũng là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình CDIO trong đào tạo (khung chuẩn giúp xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên), với 5 trường thành viên tham gia ở 62 chương trình đào tạo (chiếm 75% tổng số chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Đại học Quốc gia Hà Nội

Với mô hình tổ chức của một đại học tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực và cơ chế quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị dẫn đầu về khoa học cơ bản, về đào tạo chất lượng cao, trình độ cao. Trường còn là đơn vị đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, đặc biệt là bậc tiến sĩ khoa học; gần 1/2 tổng số luận án tiến sĩ khoa học được bảo vệ ở trong nước đã được thực hiện tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Internet

Trường cũng là đơn vị đầu tiên đưa ra sáng kiến và thực hiện thành công mô hình đào tạo tài năng chất lượng cao, đào tạo hệ trung học phổ thông chuyên về các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, hiện đang dẫn đầu về thành tích đào tạo nguồn tài năng trẻ cho đất nước với hàng trăm huy chương các loại tại các kỳ thi Olympic quốc tế.

Ảnh: Internet

Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội là trung tâm đào tạo dẫn đầu cả nước về thành tích nghiên cứu khoa học cơ bản, gắn kết có hiệu quả các hoạt động khoa học - công nghệ với đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học.

Trước QS World, Việt Nam mới chỉ có 6 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á 2018. Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp vị trí thứ 139; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ở vị trí 142; trường Đại học Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 291-300; trường Đại học Cần Thơ thuộc nhóm 301-350; Đại học Huế ở nhóm 351-400. Đại học Đà Nẵng xếp 417.

Còn với bảng xếp hạng THE châu Á năm ngoái, Việt Nam không giành được bất cứ vị trí nào.