11/01/2025 lúc 05:20 (GMT+7)
Breaking News

Bật chế độ bình thường mới để 'giữ chân' FDI

Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng các nhà đầu tư châu Âu hiện nay không đưa ra bài toán dịch chuyển, rút vốn, mà tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh nhận định, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng các nhà đầu tư châu Âu hiện nay không đưa ra bài toán dịch chuyển, rút vốn, mà tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Nhà máy Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên. Samsung hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Dù làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp nhưng thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế khi liên tục đón nhận những tín hiệu vui.

Đơn cử như ngày 13/5, dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern của Đài Loan (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD. Ngày 23/7, dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina của Nhật Bản đăng ký đầu tư tại Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD. Ngày 30/8, dự án LG Display của Hàn Quốc tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn 1,4 tỷ USD.

Mới đây nhất, ngày 19/9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án trị giá gần 400 triệu USD của Jinko Solar của Hong Kong (Trung Quốc) - một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn trên thế giới. Đây là dự án thứ 2 của Tập đoàn này tại Quảng Ninh và tổng vốn đầu tư vào 2 dự án lên tới gần 20.000 tỷ đồng.

Ngay trong thời điểm đại dịch diễn biến căng thẳng, Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều dự án lớn. Điều này thể hiện, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, dù đại dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng xét về dài hạn, các doanh nghiệp châu Âu tin tưởng Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư có nhiều điểm tích cực.

Động thái đầu tiên về thay đổi chiến lược chống dịch sẽ là điểm then chốt, quyết sách hợp lý nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, tính đến 20/9, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt gần 22,2 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, vốn FDI thực hiện ước đạt gần 13,3 tỷ USD, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, đây là tháng đầu tiên tổng vốn đăng ký cấp mới tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp và là tháng đầu tiên trong năm ghi nhận vốn FDI giải ngân âm.

Dòng vốn FDI đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm hơn 53% tổng vốn FDI đăng ký.

Ngành sản xuất, phân phối điện thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều nhưng có quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn FDI đăng ký.

Tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD.

Về đối tác, vốn FDI từ Singapore giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với tổng vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD, chiếm hơn 28% tổng vốn FDI mà Việt Nam hiện có.

Điều bất ngờ là Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản vươn lên trở thành dòng vốn FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam với hơn 3,9 tỷ USD, tăng hơn 23% và chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư. Vốn FDI từ Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng vốn FDI mà Việt Nam hiện có.

Hiện có 58/63 tỉnh, thành phố của cả nước đã thu hút được vốn FDI, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 3,6 tỷ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn FDI hiện có của cả nước.

Với dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng vươn lên đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 2,7 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn đầu tư.

TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với gần 2,4 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư.

Bật chế độ bình thường mới để "giữ chân" FDI

Chia sẻ với TG&VN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Nguyễn Hải Minh nhận định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gần đây đã nhiều lần khẳng định, các quốc gia trên thế giới đã chuyển đổi chiến lược chống dịch, xác định quan điểm sống chung với Covid-19, thích ứng với dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Hải Minh, khảo sát quốc tế về đánh giá, chấm điểm khả năng chống chịu với dịch Covid-19 của các quốc gia bao gồm cả tiêu chí biện pháp chống dịch phải ảnh hưởng tối thiểu đến sản xuất kinh doanh. Do đó, thay đổi quan điểm chống dịch ở thời điểm hiện tại mang tính quyết định, phù hợp với bối cảnh và xu hướng quốc tế.

Phó Chủ tịch EuroCham cho biết: "Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng xét về dài hạn, các doanh nghiệp châu Âu tin tưởng Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư có nhiều điểm tích cực.

Động thái đầu tiên về thay đổi chiến lược chống dịch sẽ là điểm then chốt, quyết sách hợp lý nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi".

Theo khảo sát mới nhất của Eurocham, 60% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thu hẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số doanh nghiệp không đáp ứng được quy định, yêu cầu về nhà máy hoạt động trong thời gian dịch bùng phát.

Bên cạnh đó, việc giãn cách tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp FDI, đến người lao động và chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài.

Tuy nhiên, trước những khó khăn kể trên, các nhà đầu tư châu Âu hiện nay không đưa ra bài toán dịch chuyển, rút vốn.

Ông Nguyễn Hải Minh cho rằng: "Thời gian đầu dịch bùng phát tại một số nước lớn, các doanh nghiệp dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang quốc gia khác. Đây là thực tế đối với các doanh nghiệp FDI lớn, các tập đoàn đa quốc gia lớn.

Nhưng tình hình ở Việt Nam bây giờ không giống như vậy, bởi quy mô sản xuất, quy mô vốn đầu tư tại Việt Nam không quá lớn nên hầu hết các tập đoàn không đề cập đến chuyện rút vốn. Thay vào đó, doanh nghiệp đặt câu hỏi là làm sao để đa dạng hoá chuỗi cung ứng".

Để tránh "dính đòn" Covid-19, doanh nghiệp phải khẩn trương nắm bắt tình hình để có giải pháp thu hút và giữ vững dòng vốn đầu tư FDI.

EuroCham kiến nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp châu Âu. Chính phủ cũng cần đưa ra giải pháp, chiến lược chung để doanh nghiệp sống chung với Covid-19.

Phó Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: "Cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI, như miễn cách ly cho những chuyên gia nước ngoài có hộ chiếu vaccine vào Việt Nam ngắn ngày; thực hiện thủ tục thông quan khẩn cấp 24/24. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm trung gian kéo dài sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất thành phẩm, khiến doanh nghiệp FDI gặp khó khăn".

Ngoài ra, trước vướng mắc, khó khăn nhà đầu tư nêu ra cũng nên tìm cách giải quyết theo phương thức “phản ứng nhanh”, ứng xử linh hoạt để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng. Các địa phương cần tiếp sức nhà đầu tư thông qua sự chia sẻ rủi ro, duy trì các điều kiện phù hợp, môi trường kinh doanh theo tiêu chí bình thường mới để các doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh liên tục…

Ông Nguyễn Hải Minh khẳng định: "Điều quan trọng nhất là cần tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp được tự cứu mình và người lao động. Các thị trường lớn trên thế giới đang bắt đầu hồi phục và tăng trưởng mạnh, Việt Nam ngay cần quay trở lại vị thế quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, 'giữ chân' FDI để không mất đi cơ hội và vai trò trong tương lai".