23/11/2024 lúc 10:22 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết để giữ gìn bản sắc dân tộc

VNHN - Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi tộc người. Nhưng trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã quên tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là việc quan trọng, góp phần gìn giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.

VNHN - Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi tộc người. Nhưng trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã quên tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là việc quan trọng, góp phần gìn giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.

 Chữ Thái cổ cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái (Ảnh: TTXVN)

Mai một tiếng nói, chữ viết

Nói đến người Pà Thẻn, người ta hay nghĩ đến nghi lễ nhảy lửa độc đáo, nhưng lại không mấy người biết rằng đồng bào Pà Thẻn còn có một hệ thống chữ viết độc đáo. Theo nhà nghiên cứu Trần Vân Hạc, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái, chữ viết của người Pà Thẻn là chữ viết hình vẽ, biểu thị một sự vật hay hiện tượng hầu hết có trong đời sống hàng ngày như mặt trời, con người, từng cây, đôi gánh, xa kéo sợi…

Nhà nghiên cứu Trần Vân Hạc chia sẻ, chữ viết của người Pà Thẻn tuy là hình thức tiền văn tự, nhưng phản ánh phong tục, tập quán và mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội, tâm linh  giúp chúng ta hiểu thêm về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc còn ẩn sâu trong không gian trầm tích. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Vân Hạc cũng bày tỏ sự lo ngại, bởi cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu về ngôn ngữ người Pà Thẻn, trong khi người cao tuổi hiểu về chữ của người Pà Thẻn đang mất dần.

“Việc bảo tồn chữ viết - tinh hoa người Pà Thẻn cần được chú trọng khi chưa quá muộn, bởi nó sẽ góp phần to lớn trong việc thực hiện chính sách dân tộc, giúp người Pà Thẻn thêm hiểu biết về dân tộc mình, thêm yêu quê hương đất nước mình”, nhà nghiên cứu Trần Vân Hạc nói. 

Không chỉ chữ viết, hiện nay, nhiều dân tộc cũng không còn nói tiếng của đồng bào dân tộc mình. Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện nay nhiều dân tộc không còn nói tiếng mẹ đẻ. Đơn cử, người Bố Y thuộc 2 nhóm địa phương là Tu Dí (Lào Cai) và Bố Y (Hà Giang). Hiện nay, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày. Hay người Phù Lá, có 2 ngành là Pu Là và Xa Phó. Người Xa Phó còn giữ được tiếng mẹ đẻ, nhưng người Pu Là đã không nói được tiếng mẹ đẻ và cũng chuyển sang sử dụng tiếng Quan hỏa.

Một số dân tộc thiểu số như Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch. Ngay các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun cũng có tới 70 - 80% là tiếng Thái. Dân tộc Ơ Đu, cư trú đông nhất ở huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng dùng các tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày… 

Tăng cường sáng tác bằng tiếng dân tộc

Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em, trong đó nhiều dân tộc thiểu số có chữ viết, tiêu biểu như: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Chăm, Mnông...  Việc bảo vệ sự đa dạng văn hóa, ngôn ngữ các dân tộc hiện đang trở thành vấn đề cần quan tâm.

Nhà nghiên cứu Ma Văn Đức, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của một tộc người. Mất tiếng mẹ đẻ cũng tương tự với nguy cơ mất đi hồn cốt, bản sắc văn hóa của tộc người đó...

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước cũng như nhiều địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích, bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có chú trọng đến việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nghị định số 82/2010/NÐ-CP của Chính phủ đã quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam đến năm 2020 cũng chú trọng đến việc xây dựng chính sách và khuyến khích đồng bào các dân tộc sử dụng ngôn ngữ dân tộc.

Hiện nay đã có một số ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương tới địa phương, như: Tày, Thái, Dao, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Khmer… Nhiều địa phương trên cả nước đã mở lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào dân tộc. Một số tỉnh còn đưa tiếng dân tộc vào dạy trong trường học cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông…

Theo nhà nghiên cứu Ma Văn Đức, môi trường lao động, sản xuất học tập và công tác là nơi tốt nhất để giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, bởi đây là nơi giao thoa  hiệu quả, bền vững nhất trong việc hình thành, phát huy bổ sung ngôn ngữ.

Nhà nghiên cứu Ma Văn Đức cho rằng, bên cạnh việc dạy tiếng nói, chữ viết tiếng dân tộc, việc các văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số sáng tác thơ, văn, sáng tác bài hát bằng tiếng dân tộc, sáng tác song ngữ tiếng dân tộc là một trong những phương thức bảo tồn tốt nhất. Trước đây, nhiều văn nghệ sỹ người dân tộc đã có sáng tác thơ, ca bằng tiếng Tày, Nùng, Dao như nhà thơ Nông Quốc Chấn, nhà thơ Hoàng Quang Trọng, nhà Bàn Tài Đoàn… góp phần rất lớn vào việc gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc.

“Bản thân tôi cũng đã vận động những nhà thơ có năng khiếu làm thơ tiếng Tày, sau đó tập hợp tuyển chọn, biên tập và xuất bản một số tác phẩm song ngữ Tày - Việt. Những tập thơ này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang, được các nghệ nhân chuyển thành bài hát cọi, hát then, hát ru tiếng dân tộc. Đó là cách tốt để gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào. Nếu như các văn nghệ sỹ người dân tộc, các Chi Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở các địa phương cùng tham gia và thực hiện, thì việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ làm được rất tốt”, nhà nghiên cứu Ma Văn Đức cho biết./.