Sáng ngày 22/2/2023 Hội nghị người lao động và tổng kết công tác hoạt động SXKD năm 2022 của Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Tập đoàn CNCSVN; Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Lê Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHHMTV cao su Hà Tĩnh Trương Minh Trung cùng với đại diện lãnh đạo ban ngành tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyên Hương Khê cùng với hơn 70 công nhân ưu tú đại diện cho gần 500 lao động công ty tham dự.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh khai mạc Hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Ngoài khai thác, kinh doanh cao su, Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh mở rộng thêm một số ngành nghề nhằm sản xuất có lợi nhuận, bảo toàn nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào.
Nói về khó khăn trở ngại, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, suất đầu tư kiến thiết cơ bản tăng cao, trong khi giá mủ cao su duy trì mức thấp trong nhiều năm liền đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh mủ cao su trên cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng những năm gần đây gặp nhiều trở ngại.
Lúc này, nhiệm vụ chính những “đứa con” của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN) hướng đến là duy trì ổn định sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động; đồng thời bảo toàn nguồn vốn Nhà nước.
Tại Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh, sau nhiều nỗ lực tái cơ cấu ngành nghề, năm 2022 đơn vị đã “cắt lỗ”, sản xuất, kinh doanh thu lãi gần 1 tỷ đồng. Đặc biệt là đảm bảo các chế độ phúc lợi cho người lao động, với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng; nộp Bảo hiểm xã hội 8,1 tỷ đồng; đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 4 tỷ đồng (cả công ty mẹ tại Hà Tĩnh và công ty con ở Bô Ly Khăm Xay – Lào), vượt kế hoạch đề ra.
Khu vực công ty mẹ, hiện có hơn 2.680 ha cao su đang thời kỳ khai thác. Năm vừa qua, sản lượng khai thác đạt 1.632 tấn, vượt kế hoạch được giao; sản lượng mủ chế biến đạt 3.350 tấn, tăng hơn 18% so với năm 2021.
Công ty con Bolikhamxai – Hà Tĩnh khai thác diện tích hơn 831ha nhưng sản lượng khai thác đạt đến 602 tấn, vượt 20,4% kế hoạch; lợi nhuận gần 900 triệu đồng (đạt 223,7% kế hoạch).
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng Giám đốc công ty, dù chưa thể lấy lại thời kỳ “hoàng kim” nhưng những chuyển biến tích cực trong năm 2022 đã tạo động lực cống hiến cho 422 lao động.
“Trong năm qua chúng tôi đã rà soát, bổ sung nhiều quy chế liên quan đến quản lý vật tư, mua sắm thiết bị, tiền lương; thực hiện tiết kiệm trên tất cả mọi lĩnh vực nhằm giảm chi phí trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, cải tiến quy trình khai thác, thay đổi công tác quản lý, bố trí cán bộ, lao động phù hợp với vị trí công tác, yêu cầu sản xuất kinh doanh, từ đó tăng hiệu suất lao động, giảm bớt khó khăn về tài chính của công ty”, ông Toàn nói.
Chia sẻ với áp lực của công ty, nông trường Can Lộc dù chỉ có 16 lao động quản lý vườn cây trải dài trên 5 xã thuộc 2 huyện Can Lộc, Hương Khê nhưng đơn vị này đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp sắp xếp vườn cây hợp lý; xây dựng đơn giá phù hợp cho từng loại vườn cây khó, vườn cây dễ nhằm đáp ứng thu nhập cho các lao động thuê khoán khai thác, góp phần đưa kế hoạch khai thác của nông trường đạt 103% kế hoạch.
“Hiện nay việc cạnh tranh, giữ chân lực lượng lao động hợp đồng của nông trường gặp nhiều khó khăn, hơn nữa chất lượng một số vườn cây trồng năm 2009, 2010 cơ cấu giống không phù hợp, trồng trên diện tích đá lẫn cao, mùa nắng nóng cho mủ thấp…
Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch năm 2023, nông trường Can Lộc sẽ tiếp tục sắp xếp lao động phù hợp tình hình sản xuất của đơn vị, trong đó quy định khen thưởng, kỷ luật rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Ngoài ra, triển khai gắn máng che mưa cho vườn cây khai thác ít nhất mỗi lao động có đủ 2 -3 phần cạo để khắc phục triệt để trình trạng công nhân cạo khi trời mưa bị trôi mủ…”, ông Hồ Sỹ Hiền, Giám đốc Nông trường huyện Can Lộc nhấn mạnh.
Đối với hoạt động chế biến, ông Nguyễn Công Trường, Giám đốc xí nghiệp chế biến mủ thông tin, năm 2022 dù hệ thống máy móc xuống cấp, định mức nhân công chế biến công ty giao thấp so với mặt bằng chế biến của ngành, song thu nhập bình quân chung của người lao động vẫn tăng lên đạt hơn 8,5 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2021, cao hơn bình quân của công ty 13%.
“Chúng tôi đạt kết quả khả quan trên là nhờ chủ động sửa chữa, bảo dưỡng nhanh dây chuyền máy móc; tổ chức lại các tổ sản xuất theo hướng tinh giảm từ 5 tổ xuống còn 3 tổ để giảm phụ cấp của các tổ trưởng, thuận lợi cho điều hành; giảm số lượng người trên các tổ để nâng cao hiệu suất lao động, đảm bảo thu nhập cho công nhân”, ông Trường nói thêm.
Đánh giá về hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cao su Hà Tĩnh, ông Lê Thanh Tú, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CNCSVN biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, người lao động công ty đã vượt qua muôn vàn khó khăn để đưa công ty từ thua lỗ sang kinh doanh có lãi. Nỗ lực này là phi thường.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Lê Anh Tú, Công ty cao su Hà Tĩnh phải xác định mình là doanh nghiệp nhà nước, nhiệm vụ gắn kết chính quyền địa phương, chăm lo đời sống cho người lao động là nhiệm vụ trung tâm. Năm 2022, mức thu nhập bình quân đầu người của đơn vị dù có cao hơn một số công ty trong khu vực nhưng nó chưa thỏa đáng với công sức người lao động thức khuya, dậy sớm chắt chiu từng giọt mủ.
Tới đây, Tập đoàn sẽ thành lập tổ công tác hỗ trợ công ty rà soát lại vườn cây, đất đai, tính pháp lý, mô hình tổ chức sản xuất để đưa ra giải pháp cơ cấu cây trồng, hiệu quả sử dụng đất.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trương Minh Trung cho rằng: “Trước mắt, Công ty cao su Hà Tĩnh cần xây dựng đề án cơ cấu lại quy mô sản xuất, đối tượng cây trồng, từ nông trường đến tổ sản xuất, nguyện vọng của người lao đông; tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề cho công nhân. Đặc biệt, kế hoạch tiền lương hàng năm phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng để tạo động lực phấn đấu cho người lao động”, ông Trung nhấn mạnh thêm.
Tại hội nghị tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023, Tập đoàn CNCSVN đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 18 cá nhân; Công đoàn cao su Việt Nam tặng cờ thi đua cho 27 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong năm 2022.
Năm 2023, công ty mẹ cao su Hà Tĩnh đặt mục tiêu khai thác 2.000 tấn mủ; chế biến 4.650 tấn; doanh thu hơn 128 tỷ đồng; nộp ngân sách 3,7 tỷ. Đối với công ty con tại Lào, phấn đấu khai thác hơn 831 ha; 700 tấn mủ; lợi nhuận thu về hơn 1,7 tỷ đồng.
Song song các mục tiêu trên, Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh tiếp tục mở rộng quy mô ngành nghề như phát triển trồng rừng sản xuất; tìm kiếm đối tác liên doanh kiên kết thực hiện dự án chăn nuôi lợn; xây dựng nhà máy viên nén kết hợp sản xuất gỗ xuất khẩu trên địa bàn huyện Hương Khê.