16/01/2025 lúc 01:38 (GMT+7)
Breaking News

Bảo Thắng đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Huyện Bảo Thắng (Lào Cai) có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa nên khi thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) huyện đã dẫn đầu tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP với 24 sản phẩm. Trong đó, 3 sản phẩm đạt 2 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao.

Huyện Bảo Thắng (Lào Cai) có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa nên khi thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) huyện đã dẫn đầu tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP với 24 sản phẩm. Trong đó, 3 sản phẩm đạt 2 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; đồng thời là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP: Phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Năm 2018, huyện Bảo Thắng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất; hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu và đẩy mạnh việc vận động người dân triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, hữu cơ.

Sản phẩm quế “Ống sáo Tâm Hợi” tại thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Đến nay, huyện có 24 sản phẩm OCOP, các sản phẩm gồm: Bưởi Múc, Phong Hải danh trà (chè xanh Lào Cai), trà bí đao, rượu thóc Phú Sơn, rượu gạo tẻ Phú Sơn, tinh bột nghệ nếp đỏ nguyên chất, tinh bột nghệ nếp đen nguyên chất, viên nghệ mật ong, tinh bột sắn dây chất lượng cao, thịt chua Trường Phát, rượu nếp cái, thịt lợn sấy, xúc xích, thịt trâu sấy, dưa lưới, rượu gạo nếp Phú Sơn, rượu ngô bao tử Phú Sơn, mật ong núi đá, tương ớt Bản Mường, ớt xào Núi Mường, trứng gà an toàn Kim Thành, quả na, quả dứa, quế ống sáo Tâm Hợi.

Trong đó, 2 sản phẩm OCOP chính của huyện là quế chẻ và quế ống sáo, cơ sở sản xuất quế ống sáo tại thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà đã đặc biệt chú trọng tới các khâu sơ chế, đóng gói. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, sản phẩm quế ống sáo đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đã tiếp cận được những thị trường nước ngoài như: Singapore, Malaysia, Ấn Độ. Trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 60 tấn quế khô các loại, tạo công ăn việc làm, thu nhạp ổn định cho các hộ dân lân cận.

Nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng khác của huyện Bảo Thắng cũng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và phục vụ cho thị trường xuất khẩu. 

Việc tập trung đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Thời gian tới, huyện Bảo Thắng tập trung nâng cấp, hoàn thiện đối với sản phẩm đã có, hoàn thiện phương án kinh doanh đối với sản phẩm ý tưởng mới. Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng theo chương trình OCOP và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có từ 50 sản phẩm trở lên đạt OCOP cấp tỉnh./.