Huyện Bảo Thắng đã phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên khắp địa bàn huyện. Những mô hình hay, cách làm sáng tạo được phổ biến và nhân rộng đến toàn thể Nhân dân. Đặc biệt, có nhiều mô hình phù hợp với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tình hình thực tế tại địa phương.
Việc triển khai các mô hình “dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện. Có thể kể đến việc vận động người dân hiến hơn 500.000 m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động để làm đường, xây dựng công trình công cộng…Thực hiện khẩu hiệu “Đường rộng, điện sáng, nhiều hoa”, “Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển”, toàn huyện đã hoàn thành gần 250 km đường điện, hơn 206 km đường hoa, 165 km đường nông thôn cắm cờ kiểu mẫu với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa. Mô hình tiêu biểu trong số đó là mô hình “Tường rào cây xanh” của xã Sơn Hải; mô hình “10 hộ liền kề” của xã Trì Quang; mô hình đường hoa ở xã Xuân Quang…
Hội LHPN xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng ra mắt mô hình “10 hộ liền kề” năm 2021 - Nguồn ảnh: Hồng Minh
Trong lĩnh vực kinh tế cũng có xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo”, tiêu biểu như mô hình trồng giống ngô GS 9969 tại xã Xuân Giao của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; mô hình chăn nuôi cá thịt và cá giống tại thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải; mô hình trồng bưởi ở thôn Múc, xã Thái Niên…
Các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho người dân cách chăm sóc chè tại Thị trấn Nông trường Phong Hải - Nguồn ảnh: Sưu tầm
Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bài trừ hủ tục, xây dựng các thiết chế văn hóa. Nổi bật là mô hình cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ; mô hình vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; mô hình bảo tồn và phát huy nghi lễ Then của dân tộc Tày ở xã Phú Nhuận…
Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Thắng Bùi Minh Huệ cho biết: Nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở, tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đã xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó vận động người dân phát triển kinh tế, huy động nguồn lực thực hiện nhiều công trình, phần việc.
Hiện, huyện Bảo Thắng đã xây dựng được 403 mô hình “Dân vận khéo” (tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị,...) góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, kết quả 11/11 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, đưa Bảo Thắng trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt 09 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đồng thời, khơi dậy sự tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của Nhân dân trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương; góp phần tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nông thôn mới nâng cao./.