05/11/2024 lúc 23:17 (GMT+7)
Breaking News

Báo động tình trạng buôn lậu xăng dầu kém chất lượng

VNHN - Lực lượng chức năng xử lý tàu chở dầu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại khu vực biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

VNHN - Lực lượng chức năng xử lý tàu chở dầu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại khu vực biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, kém chất lượng đang diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng gia tăng. Vụ việc không chỉ diễn ra ở đường biển, khu vực giáp ranh biên giới mà còn xảy ra tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nội địa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng (NTD) cũng như các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính. Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, rất cần sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm kiểm soát thị trường.

“Nóng” cả dưới biển lẫn trên bờ

Chiều 17-11, trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực biển giáp ranh đường phân định Việt Nam - Ma-lai-xi-a, lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện và bắt quả tang ba tàu (gồm một tàu dầu nước ngoài và hai tàu cá Việt Nam) đang có hành vi sang mạn dầu trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, tàu nước ngoài có ký hiệu Eiki Maru 21 là loại tàu dầu chuyên dụng, do ông Bhaiboon (quốc tịch Thái-lan) làm thuyền trưởng, trên tàu chở 150 nghìn lít dầu đi-ê-den (DO) không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Hiện vụ việc được các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, xử lý. Trước đó, ngày 24-10, tàu Cảnh sát biển 2002 thuộc Hải đội 401 Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, tiến hành kiểm tra hai tàu, gồm một tàu nước ngoài Oki Maru và một tàu Việt Nam không rõ số hiệu đang có hành vi sang mạn dầu trái phép. Qua đấu tranh, xác minh ban đầu, tàu Oki Maru có quốc tịch Mông Cổ, do ông Adung Intharay Othin (SN 1974, quốc tịch Thái-lan) làm thuyền trưởng. Tàu chở khoảng 350 nghìn lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh hợp pháp. Lực lượng Cảnh sát biển đã tạm giữ tàu Oki Maru để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Ngày 1-11, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh phát hiện tàu vỏ sắt mang BKS QN 5398 do Nguyễn Duy Thái (SN 1991, trú phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) điều khiển, chở khoảng 3.000 lít dầu DO đem đi tiêu thụ tại khu vực Hòn Ông Cụ (thuộc vùng biển Cẩm Phả). Qua kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, đồng thời khai nhận số dầu thu gom nhỏ lẻ từ nhiều nơi để đem bán kiếm lời.

Không chỉ tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc diễn ra trên biển mà ở đất liền, tình trạng sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng cũng diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô và số lượng. Vụ việc một nhóm đối tượng ở miền tây chuyên sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu giả mỗi tháng, thu về hàng nghìn tỷ đồng bị lực lượng chức năng triệt phá chưa kịp lắng xuống thì mới đây công an huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã bắt quả tang một nhóm người ở kho xăng dầu sử dụng ống dẫn đưa chất lỏng sang xe bồn dầu có chứa dầu DO để pha trộn. Kiểm tra tại chỗ, công an phát hiện 3.000 lít dầu trên xe bồn này là dầu giả, không có giấy tờ chứng minh. Lực lượng công an đã tạm giữ hình sự ông Bùi Đình Chương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Đình Chương và ông Nguyễn Mạnh Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH môi trường Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất) để phục vụ điều tra. Khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty TNHH môi trường Dung Quất, lực lượng công an phát hiện nhiều thiết bị để sản xuất dầu giả, nhiều loại hóa chất, hơn 10 m3 dầu thành phẩm (dầu giả) cùng nhiều dụng cụ, phương tiện để sản xuất, mua bán dầu giả. Theo khai nhận ban đầu, từ tháng 8-2018 đến khi bị bắt, ông Hiệp đã bán cho ông Chương 300 nghìn lít dầu DO giả, giá từ 12 đến 13.400 đồng/lít (lãi từ 3.600 đến 4.000 đồng/lít). Đối với ông Chương, vốn là chủ doanh nghiệp, có hợp đồng vận chuyển với Công ty Xăng dầu dầu khí (PVOil) Dung Quất, tuy nhiên, khi mua dầu giả từ Hiệp, Chương chỉ đạo nhân viên tháo kẹp chì trên bồn chở dầu, hút bớt dầu DO mua từ PVOil Dung Quất, sau đó bơm dầu nhớt giả trộn chung với dầu DO mua từ nhà máy theo tỷ lệ khoảng 1:10. Thực hiện phi vụ xong, các nhân viên lại quấn kẹp chì lại, rồi cung cấp theo hợp đồng cho các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh với giá khoảng 16 nghìn đồng/lít. Với cách làm ăn bất chính này, ông Chương thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng,…

Kiểm soát thị trường

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Nhà nước. Tuy nhiên, do khoản siêu lợi nhuận từ lĩnh vực này đem lại từ việc trốn các loại thuế, phí, lệ phí... cho nên các đối tượng đã bất chấp, sử dụng mọi thủ đoạn để đẩy mạnh kinh doanh, kiếm lời bất chính. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp của DN, làm thất thu ngân sách, mà còn tác động tiêu cực việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quyền lợi của NTD. Liên quan vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty cổ phần PVOil Hà Nội Trần Mạnh Hà khẳng định, việc xăng dầu lậu, giả “hoành hành” sẽ gây phương hại đến hoạt động của các DN làm ăn chân chính. Đối với DN có uy tín, thương hiệu như PVOil Hà Nội, vấn đề chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu, từ việc lấy mẫu, lưu mẫu; tổ chức kiểm tra định kỳ đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra 24 giờ/ngày luôn được DN đầu tư, giám sát chặt chẽ. Nhất là ở khâu vận tải, để tránh các tiêu cực xảy ra, DN đã lắp đặt, theo dõi qua ca-mê-ra và GPS hành trình... nhằm bảo đảm chất lượng xăng dầu, đáp ứng nhu cầu NTD.

Đánh giá về hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu xăng dầu, Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh cho biết, trong chín tháng qua, lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ năm vụ vi phạm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2,3 tỷ đồng. Tang vật vi phạm gần 139 nghìn lít dầu DO, 7.000 lít dầu ma-dút. Hiện, công tác đấu tranh chống buôn lậu gặp không ít khó khăn do hoạt động buôn bán xăng dầu lậu có tổ chức, khép kín, khó lộ thông tin. Các đối tượng luôn tìm cách chuẩn bị sẵn hồ sơ, chứng từ và các biện pháp đối phó nhằm “qua mặt” khi bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, bắt giữ. Do đó, cần nghiên cứu, tăng thẩm quyền xử phạt; đầu tư trang bị, thiết bị hiện đại cho lực lượng hải quan để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên biển và tại các vùng giáp ranh biên giới... Số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu, xử phạt vi phạm hành chính hơn 43,5 tỷ đồng; trị giá thiết bị tiêu hủy hơn 953 triệu đồng; truy thu số lợi nhuận bất hợp pháp 1.424 tỷ đồng; tước giấy phép kinh doanh 37 cửa hàng xăng dầu, đình chỉ hoạt động chín cửa hàng vi phạm; tịch thu 135.252 lít xăng, 23.961 lít dầu các loại...

Mặc dù đạt được những kết quả xử lý tích cực, nhưng thực tế cho thấy, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng thời gian qua còn hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm dẫn tới các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả với quy mô lớn, tinh vi vẫn tồn tại và còn “đất diễn”. Để tăng cường kiểm soát lĩnh vực này, các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp, nhất là sự vào cuộc của chính quyền địa phương nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ việc buôn lậu, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không mua xăng dầu tại các điểm kinh doanh trái phép; công bố công khai các cửa hàng xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng tránh.