VNHNO - Hiện nay, tình trạng khách nước ngoài vào Việt Nam giao dịch bằng thẻ thông qua quẹt máy POS, mPOS đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, kiểm soát dòng tiền. Dẫn đến thực tế thất thoát nguồn tiền thuế khi giao dịch tại Việt Nam và nguy cơ làm lộ bí mật thông tin của cá nhân, tổ chức khi chấp nhận thanh toán từ loại hình này.
Ảnh minh hoạ
Có thể hiểu, máy POS (Point of Sale) là loại máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ, với ưu điểm thiết kế nhỏ gọn, cầm chắc trong lòng bàn tay, dễ dàng lắp đặt tại các cửa hàng. Chính vì thế, loại máy này đã được xuất hiện ở nhiều điểm công cộng: khu mua sắm, quầy thu ngân, siêu thị,…
Theo quy định, máy POS muốn hoạt động tại Việt Nam phải được các ngân hàng trong nước chấp thuận và kết nối với các trung tâm thanh toán để quản lý dòng tiền. Ngoài ra, máy POS hợp pháp cũng chỉ chấp thuận một số ít thẻ quốc tế tại Việt Nam để kiểm soát dòng tiền ngoại tệ ra vào, tránh thanh toán ngoại tệ bất hợp pháp.
Khó khăn trong kiểm tra, xử lý
Từ việc hai du khách nước ngoài phải trả gần 70 triệu đồng khi mua 1,9 kg tam thất tại Quảng Ninh đã hé lộ hiện tượng sử dụng máy POS để thanh toán khiến thất thoát tiền mà không hề hay biết.
Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 4-2018, tại cửa hàng ở trung tâm khu du lịch Bãi Cháy. Theo đó, một nhóm du khách đến mua hàng tại đây đã dẫn đến xô xát với nhân viên bán hàng vì giá cả tiền thanh toán hàng. Điều đáng chú ý, không chỉ “giải cứu” được 2 du khách bị ép oan mua hàng với giá “trên trời”, tại hiện trường, lực lượng chức năng còn phát hiện, thu giữ 3 máy chấp nhận thanh toán qua thẻ (POS).
3 chiếc máy POS trái phép bị thu giữ tại ki-ốt A114. Ảnh: Nguyễn Hùng
Qua xác minh, các máy này đều được các đối tượng đem từ Trung Quốc vào Việt Nam để thực hiện các hành vi giao dịch, thanh toán “chui”. Thu giữ các tờ phơi, hóa đơn thanh toán tại ki-ốt trên qua các máy POS cho thấy hoàn toàn bằng tiếng Trung và đã thực hiện trót lọt việc chuyển hơn 200.000 nhân dân tệ (tương đương 700 triệu đồng) ra nước ngoài mà không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam. Việc giao dịch cũng khá dễ dàng khi các máy POS này có thể thực hiện chuyển tiền, thanh toán ở bất kỳ vị trí nào chỉ với một chiếc sim điện thoại 3G.
Trước thực trạng đó, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Đức Hiển cho biết: Việc phát hiện và xử lý các hành vi sử dụng máy POS “chui” như trường hợp trên rất khó khăn. Những chiếc máy POS đều khá nhỏ gọn, dễ dàng cất giấu; chỉ cần gắn thêm một sim 3G là có thể hoạt động được. Hơn nữa, các máy này có thể thực hiện giao dịch rất nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, thậm chí trên các phương tiện đang di chuyển. Nếu không bắt quả tang khi đang thực hiện giao dịch qua POS “chui” thì lực lượng chức năng không thể xử lý hành vi vi phạm.
Nhiều cửa hàng chuyên vụ khách Trung Quốc tại Quảng Ninh thanh toán ngoại tệ "chui". Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, hoạt động thanh toán này sẽ gây thất thoát thu thuế do các giao dịch hoàn toàn xử lý tại nước ngoài. Mặt khác, hành vi này cũng vi phạm quy định về quản lý ngoại hối, ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định, bản chất của việc thanh toán qua máy POS mà không thông qua tài khoản đăng ký tại Việt Nam là giao dịch bằng đồng ngoại tệ trái phép.
Có thể lộ thông tin cá nhân qua giao dịch từ máy mPOS lậu
Từ nhiều vụ việc xảy ra, cơ quan lực lượng Cảnh sát PCTP sử dụng Công nghệ cao – CATP Hà Nội phát hiện cho thấy, nhóm người Trung Quốc có nhiệm vụ chuyên móc nối với người Việt biết tiếng Trung Quốc để thỏa thuận về việc thanh toán “khống” qua máy mPOS hoặc tìm các đối tượng người Việt Nam có quen biết từ trước dưới danh nghĩa đầu tư làm ăn tại Việt Nam để yêu cầu thành lập công ty, ký hợp đồng làm ăn.
Ngoài ra, việc ăn cắp thông tin thẻ ATM, hiện tượng nhiều đối tượng Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, kết nối với các đơn vị chấp nhận thẻ, làm giả thẻ, thanh toán “khống” qua mPOS để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng và chủ thẻ. Các hoạt động của tội phạm diễn ra ngày càng tinh vi, chia ra thành nhiều công đoạn.
Trước thực trạng sử dụng nhiều thẻ thanh toán, máy thanh toán từ nước ngoài mang về Việt Nam gây thiệt hại về ngân sách, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đưa ra cảnh báo đồng thời có các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với thủ đoạn của tội phạm thanh toán thẻ qua máy POS của Trung Quốc tại địa bàn thành phố.
Từ tính chất vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới an ninh tiền tệ quốc gia, vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước do đồng tiền niêm yết, giao dịch và thanh toán đều bằng ngoại tệ; không quản lý các giao dịch thanh toán được thực hiện tại Việt Nam; không bảo vệ được người tiêu dùng và người bán hàng; gây thất thoát thuế do các giao dịch hoàn toàn xử lý tại nước ngoài. Cho thấy, thực trang này vô cùng đáng báo động.
Sự vào cuộc đồng bộ
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể tiếp diễn, theo đó các đơn vị nghiệp vụ tổ chức nghiên cứu cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cách thức phòng tránh nhiều thủ đoạn tinh vi của các loại hình tội phạm công nghệ cao. Từ đó nâng cao hiểu biết, khả năng nhận thức của người dân trong quá trình thương mại.
Đặc biệt, huy động sự tham gia mạnh mẽ từ phía các đơn vị lữ hành bởi đây là chủ thể tiếp xúc với khách du lịch thường xuyên, nắm bắt rõ nhất các hoạt động của du khách để kịp thời thông tin, phổ biến đến du khách những quy định của pháp luật Việt Nam.
Các đơn vị chủ động phối hợp với các ngành chức năng như Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội, Chi cục QLTT, Chi cục thuế… tiến hành kiểm tra, hoạt động chấp nhận thanh toán thẻ thông qua máy POS, mPOS tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn./.