25/12/2024 lúc 21:55 (GMT+7)
Breaking News

Báo động đỏ ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn

Chất lượng không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ở mức báo động đỏ, với những chỉ số về ô nhiễm thường xuyên ở tốp đầu thế giới. Bầu không khí của 2 đô thị lớn nhất nước luôn trong tình trạng cảnh báo đỏ và tím, trong khi đó nguồn gây ô nhiễm lại không ngừng gia tăng.

Chất lượng không khí suy giảm trên diện rộng

Một số người trong chung cư tôi ở đã bán nhà rời khỏi Hà Nội chỉ vì một lý do duy nhất “tị nạn không khí”. Chị Yến Hồng vừa bán vội căn hộ, mua một mảnh đất ở Cam Lâm (Khánh Hòa) để làm nhà vườn và “dời” cả gia đình vào đó, chia sẻ: “bố mẹ già và 2 con tôi đều bị bệnh hô hấp vì chất lượng không khí quá tệ. Tôi cũng viêm xoang nặng, mùa nồm ẩm không thở nổi, mùa hè hiệu ứng đô thị cộng với khói bụi ngày càng đậm đặc. Bố tôi bị bệnh phổi mãn tính, vừa rồi phải đi cấp cứu vì không khí quá ô nhiễm. Tôi phải rời khỏi Hà Nội tìm nơi không khí tốt hơn, vì không có lựa chọn nào khác”.

Căn hộ chung cư chị Yến Hồng vừa bán nằm trên phố Ngụy Như Kon Tum, từ cửa sổ tầng 20 nhìn ra lúc nào cũng thấy mù mịt bụi, đã lâu lắm rồi không nhìn thấy bầu trời xanh và ngay cả đêm rằm trời đẹp cũng thấy trăng rất đục. Hai ông bà già suốt ngày ở trong căn hộ, không dám mở cửa, mùa nóng bật điều hòa, mùa lạnh bật máy hút ẩm, quanh năm sử dụng máy lọc không khí.

Với nhiều người, Hà Nội dường như chỉ có một mùa là mùa ô nhiễm không khí và mức độ ngày càng nặng hơn. Tôi mở ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) và ô nhiễm không khí PM2.5 tại Hà Nội thì thường xuyên nhuộm mầu đỏ quạch với cảnh báo: “có hại cho sức khỏe”. Có những hôm sương mù hoặc thời điểm nông dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ thì chuyển sang mầu tím - có nghĩa là không khí bên ngoài rất không tốt cho sức khỏe, không nên ra ngoài trời mà không mang mặt nạ phòng độc. Nhưng dù vậy, các con phố Hà Nội vẫn tấp nập xe đến mức tắc nghẽn lại, khói bụi cứ thế xả ra, chất lượng không khí chỉ quanh quẩn hai mầu đỏ với tím, số ngày chuyển sang mầu xanh đếm trên đầu ngón tay. Nếu xanh, cũng chỉ nhờ trời, đó là những hôm có mưa to hoặc gió lớn làm dịu và thổi bay đi bụi mịn trong một thời gian ngắn. Còn mầu chủ đạo trên ứng dụng AQI trong điện thoại của tôi vẫn là vàng, đỏ, tím mà thôi

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cho biết chất lượng không khí thành phố đang suy giảm khi nhiều ngày có chỉ số AQI ở mức kém và xấu, nồng độ bụi mịn gấp gần hai lần quy chuẩn, chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng.

Có những thời điểm, ô nhiễm không khí Hà Nội đứng đầu thế giới. Điển hình như ngày 8/12 vừa qua, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên thế giới IQAir đã xếp TP Hà Nội là địa phương có chỉ số ô nhiễm không khí đứng đầu (AQI trung bình 200 đơn vị). Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao gấp 30 lần giá trị, theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước đó ngày 29/11, Hà Nội cũng được IQAir xếp vào vị trí ô nhiễm thứ hai thế giới và theo chiều hướng ngày càng tệ.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí trung bình năm tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 vượt gần hai lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (25 μg/m3). Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí kém và xấu chiếm 30,5%, một số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng xấu. Giai đoạn 2019-2020 có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Trong đó, nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì). Nồng độ PM2.5 trong mùa đông có xu hướng đặc biệt cao do điều kiện khí tượng và khí quyển không ổn định, làm hạn chế sự phát tán của các chất ô nhiễm.

Vì bị hen suyễn, ông Lê Duy Hưng đưa cả gia đình vào TP Hồ Chí Minh để tránh mùa đông và không khí ô nhiễm ở Hà Nội. Ông tránh được mùa đông nhưng ô nhiễm không khí thì trong cảnh “chạy trời không khỏi nắng”. Mức độ ô nhiễm không khí ở TP Hồ Chí Minh cũng chẳng kém Hà Nội.

Những ngày gần đây, khoảng từ sáng, TP Hồ Chí Minh bị bao phủ bởi một lớp không khí mầu trắng đục như sương mù, đó chính là bụi mịn lơ lửng trong không khí. Nhiều trạm quan trắc ở thành phố lớn nhất nước này đã cảnh báo chất lượng không khí xấu, từ vàng đến đỏ, có những khu vực chuyển sang tím.

Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh giai đoạn cuối tháng 12/2023 cho thấy bụi lơ lửng, bụi mịn tại đô thị này đã vượt chuẩn.

Các số liệu này được quan trắc hằng ngày, bụi lơ lửng (TSP) có 19,48% số liệu vượt quy chuẩn Việt Nam. Đồng thời có 4,55% số liệu của nồng độ bụi mịn PM10, PM2.5 không đạt quy chuẩn.

Những thủ phạm nào đầu độc không khí?

Lý giải nguyên nhân, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Nguyên nhân là các nguồn phát thải ra không khí không được kiểm soát tốt. Có thể kể tới 4 nhóm nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, khí thải từ phương tiện giao thông. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 6,5 triệu xe máy. Đặc trưng của loại phương tiện này là không cần đăng kiểm định kỳ dẫn tới không được kiểm soát về khí thải. Ngoài ra, hơn 1 triệu ô-tô lưu thông hằng ngày khắp Thủ đô cũng là nguồn phát thải đáng kể dù được đăng kiểm định kỳ. Thứ hai, khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, đốt rác. Thứ ba, các làng nghề đặc biệt là làng nghề tái chế không được kiểm soát khí thải. Thứ tư, khí thải từ các công trình xây dựng”.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, chỉ số AQI (chỉ số ô nhiễm) thường tăng lên rất cao, cao hơn hẳn các tháng còn lại trong năm. Điều này được cộng hưởng từ các yếu tố của khí hậu mùa đông gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn những mùa khác trong năm. Nhưng không thể “đổ oan” cho mùa đông, vì đông hay hè thì nguồn gây ô nhiễm không khí cũng như nhau. Vào mùa hè, mưa nhiều gió mạnh giúp bụi mịn được phát tán hoặc rửa trôi. Còn mùa đông lặng gió, ít mưa kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi. Trong khi đó các nguồn phát thải tiếp tục xả ra, kéo chỉ số AQI lên cao.

Trong khi đó, tăng dân số cơ học ở nội đô đã tạo nên áp lực lớn đối với hạ tầng đô thị và môi trường Hà Nội. Với số lượng dân cư như thống kê, nếu tính phương tiện cá nhân có tới hàng triệu ô-tô, xe máy các loại. Theo số liệu được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thống kê gần đây, mỗi năm Thủ đô tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện cá nhân. Có thể nói hằng ngày khí xả thải từ số lượng xe máy, ô-tô và các phương tiện cá nhân đã trở thành nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí. Nếu quan sát bằng mắt thường, Hà Nội chỉ trong lành khi mặt trời vừa ló dạng, đường phố còn vắng người. Nhưng chỉ từ 7 giờ trở đi, các ngả đường bắt đầu ùn tắc sôi réo vì tiếng ồn của đủ loại phương tiện, bụi mịn bắt đầu bao phủ, không khí chuyển sang mầu trắng đục.

TP Hồ Chí Minh - đô thị lớn và đông dân nhất cả nước hiện có hơn 10 triệu phương tiện (bao gồm trên 8 triệu xe máy và 1 triệu ô-tô). Ngoài ra, với 200 nghìn người tăng dân số cơ học bình quân mỗi năm đã kéo theo cả triệu xe máy từ các tỉnh, thành khác được bổ sung về thành phố.

Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí của TP Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí - Viện Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy, ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh đến từ 3 nguồn chính, nguồn giao thông (chiếm khoảng 50%); nguồn phát thải từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng... (khoảng 30%), còn lại là nguồn phát thải từ hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn...

Trong nguồn khí thải từ giao thông, xe máy được coi là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65% NMVOC và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Riêng nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%. Trong đó có hàng triệu xe máy lưu thông đã “quá đát”, không thực hiện các chế độ bảo hành, bảo dưỡng.

Tất cả những nguyên nhân trên cộng hưởng lại đã làm cho bầu không khí của hai đô thị lớn nhất nước ngày càng ô nhiễm.

Hiền Thu - nhandan.vn