11/01/2025 lúc 19:06 (GMT+7)
Breaking News

Báo chí tạo niềm tin và khát vọng dân tộc

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

VNHN xin trân trọng giới thiệu đến độc giả toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị tập huấn báo chí năm 2018.

covid-19-chuyen-doi-so-giup-cuoc-song-tiep-dien-binh-thuong-nhung-theo-mot-cach-khac.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội.

Báo chí phải thể hiện được dòng chảy chính của xã hội. Dòng chảy chính của Việt Nam đang là tốt, đang là một trong những nước phát triển tốt nhất trên thế giới, nhiều nước ngưỡng mộ, học tập. Chúng ta còn không ít tồn tại, và mãi mãi sẽ còn các tồn tại, nhưng so với thế giới thì chúng ta đang trong top đầu của các nước đang phát triển. Nếu nói cái xấu nhiều trên báo để nhân dân cảm nhận nó như dòng chảy chính thì là làm mất lòng tin của nhân dân vào đất nước, vào chế độ, vô hình chung chúng ta làm mất đi sức mạnh dân tộc mình, làm mình yếu đi, do đó giúp cho kẻ thù mạnh lên. Tìm ra cái ngưỡng phê phán để vừa đủ thúc đẩy, vượt qua cái ngưỡng đó là sói mòn mức mạnh. Đây là việc khó. Trong thống kê có một con số. Nếu cái nào vượt quá 30% thì cái đó trở thành cái chính. Nếu cái xấu chiếm 30% trên mặt báo thì cái đó sẽ được cảm nhận là dòng chảy chính. Cái nào trên 20% thì được coi là đáng kể và có xu thế trở thành cái chính. Nếu cái xấu trên mặt báo trên 20% thì tức là cái xấu đang là cái đáng kể trong xã hội và đang có xu thế trở thành cái chính. Cái gì dưới 10% thì cái đó không phải là chính, nhưng luôn có đủ sức cảnh báo. Anh em mình làm báo cũng rất nên cân nhắc các con số này. Tuỳ theo báo, tuỳ theo chủ đề, tuỳ theo giai đoạn mà chọn con số cho đúng.

Báo chí tạo niềm tin xã hội, thì phóng viên chúng ta phải là người được tin cậy nhất trong xã hội. Nhưng theo một điều tra xã hội gần đây, người có niềm tin thấp trong xã hội lại là phóng viên báo chí. Chúng ta chắc đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, có chương trình hành động về vấn đề này, để tăng niềm tin của xã hội vào chúng ta, vào những người làm nghề báo chúng ta. Lấy lại thương hiệu cho những người làm báo, việc này chỉ có thể là chính chúng ta làm, không ai ngoài chúng ta cả.

Anh em làm báo phải sống được bằng nghề. Không sống được bằng nghề thì khó làm tốt được. Bây giờ báo nhiều, thị trường quảng cáo đã nhỏ, lại đang bị mạng xã hội lấy mất đến gần 40%, nên báo chí rất khó khăn. Lời giải nào? Báo chí nên qui hoạch lại để tinh hơn. Ngân hàng nhiều quá nên đã tổ chức lại cho tinh hơn thì mới lành mạnh được. Báo chí nên có bộ phận làm thêm các dịch vụ cho doanh nghiệp, như tư vấn truyền thông, tổ chức sự kiện, đánh giá dư luận xã hội về doanh nghiệp, về sản phẩm của doanh nghiệp. Báo chí cũng phải có thu nhập ổn định để chuyên tâm làm nghề. Cơ quan báo chí cũng phải tích luỹ tài sản để đỡ cho thế hệ sau phải bươn trải thị trường nhiều hơn. Để giữ định hướng, Đảng và Nhà nước cần tăng cường ngân sách để đặt hàng báo chí, vừa là định hướng vừa là giúp anh em báo chí có thu nhập ổn định một phần. Báo chí muốn sống tốt thì phải là một thương hiệu trong xã hội. Hội nhà báo các cấp, mỗi báo phải giữ gìn thương hiệu nhà báo, không để con sâu làm rầu nồi canh. Không còn thương hiệu thì sẽ mất hết, không sống được. Chẳng ai giữ được tên mình ngoài mình cả.

Về quản lý và phát triển. Quản lý là để phát triển bền vững. Quản lý phải theo kịp sự phát triển. Vừa qua sự quản lý chưa theo kịp sự phát triển của báo chí, của công nghệ báo chí, nên xảy ra một số tai nạn đáng tiếc, cũng có cả sự lạm dụng để chống phá Đảng và nhà nước. Với tinh thần tăng cường quản lý, kỷ cương để báo chí phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Cần đổi mới cách quản lý, theo kịp sự phát triển các quan điểm mới của Đảng, của Nhà nước về quản lý báo chí, theo kịp sự phát triển của xã hội, theo kịp sự phát triển của công nghệ. Cần chủ động là người đầu tiên đưa thông tin ra mạng. Phân biệt rõ tai nạn nghề nghiệp và sự chống phá Đảng và nhà nước để xử lý.

Bộ TT&TT đang xây dựng trung tâm lưu chiểu quốc gia về truyền thông số, gồm báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, nhờ đó, chúng ta có thể phân tích, đánh giá, nhìn thấy xu thế, kể cả số liệu thống kê về bài viết tích cực, tiêu cực, từ đó nhìn thấy dòng chảy chính của báo chí đang là gì. Cũng sẽ biết được phóng viên nào, báo nào viết nhiều viết ít, chủ đề, chất lượng, ảnh hưởng bài viết. Muốn quản lý được thì đầu tiên là phải nhìn thấy được. Mong các báo hợp tác với Bộ để xây dựng Trung tâm quốc gia này, dữ liệu có được sẽ được chia sẻ với các báo.

Về qui hoạch báo chí. Qui hoạch báo chí là phải làm. Tung ương đã thông qua, Bộ Chính trị đã thông qua Qui hoạch báo chí. Việc làm này không phải siết báo chí mà là làm cho báo chí phát triển lành mạnh, bền vững, vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc phát triển, nói gọn là: sống được, phụng sự được. Cũng không thể làm một cách quá hành chính. Trung ương cũng đã cho chúng ta làm có lộ trình. Khi làm cũng phải xem đến từng báo, từng người. Định hướng đã có, từng cơ quan chủ quản, từng báo phải tự làm thôi. Khó đâu thì Ban Tuyên giao, Bộ TT&TT sẽ sát cánh. Phải làm ráo riết từ hôm nay, vì lộ trình mấy năm sẽ qua đi rất nhanh.

 Hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT nhận được ngày càng nhiều đơn khiếu nại nội dung thông tin báo chí của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Trong đó, nhiều đơn thư có tổ chức hoặc cá nhân đứng tên, phản ánh về việc báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Có doanh nghiệp thì thiệt hại lớn về kinh tế, thương hiệu, có doanh nghiệp thì sạt nghiệp, có người thì mất đi danh dự, gia đình. Một bài báo vô trách nhiệm thôi nhưng có thể ảnh hưởng đến số phận của một tổ chức, một con người cụ thể. Anh em mình đang cầm trên tay một con dao sắc, nó có thể rất hữu ích, nhưng cũng có thể giết người. Khi gặp một trường cụ thể bị phương hại bởi báo chí mới thấy đau lòng, thấy buồn, tim nhói đau, mới thấy trách nhiệm của mình. Đề nghị các đồng chí là quản lý, lãnh đạo báo phải thường xuyên quán triệt, nhắc nhở, xây dựng chuẩn mực phóng viên, xây dựng văn hoá người làm báo. Ai xứng đáng làm phóng viên thì hãy làm, mới cho làm. Một đứa trẻ 3 tuổi thì không thể đưa con dao sắc vào tay nó. Cái này phải làm thường xuyên, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Bộ TT&TT sẽ phải sử lý nghiêm những vi phạm này, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cục Báo chí của Bộ TT&TT cũng đã công khai đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh từ tháng 9/2018.

Báo chí về cơ bản là tự chủ về tài chính. Vì vậy, mô hình quản trị doanh nghiệp là phù hợp để quản lý tài chính. Quản trị doanh nghiệp đã có hàng trăm năm kinh nghiệm, cả về lý thuyết và thực tiễn đã được nghiên cứu và phát triển rất bài bản. Các cơ quan báo chí nên có một người trong ban lãnh đạo có tri thức và kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp.

Với hàng ngàn tờ báo, tạp chí, trang tin thì không một tờ báo nào có thể phủ hết cả thị trường. Mỗi tờ báo phải chọn một phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo.

Báo chí có thể nhanh hơn mạng xã hội không? Câu trả lời là không. CNN, khi xuất hiện mạng xã hội thì đã đổi Slogan từ "Be The First To Know" thành "Facts First". CNN đã chuyển từ nhanh nhất sang tin chính xác nhất. Báo chí của chúng ta không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất. Hãy đưa tin có kiểm chứng. Mạng xã hội đang mất uy tin vì Fake News, đang tạo ra một nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí. Mạng xã hội không chỉ cạnh tranh với báo chí mà còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Báo chí phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình.

Báo chí phải dùng công nghệ nhiều hơn. Cái mà chúng ta phải học mạng xã hội chính là công nghệ. Công nghệ mới để làm việc cũ của chúng ta tốt hơn. Công nghệ mới cũng tạo ra những giá trị mới hơn cho báo và cho độc giả. Công nghệ AI sẽ giúp chúng ta đọc hàng triệu bản tin mỗi ngày và tổng hợp theo chủ đề. Công nghệ AI cũng giúp chúng ta viết các tin chuẩn mực theo chủ đề. Và do vậy, chúng ta có nhiều thời gian hơn cho các bài viết giá trị. Công nghệ big data giúp chúng ta phân tích hàng triệu trang tin trong quá khứ, tìm ra xu thế của hàng chục năm qua, để dự đoán tương lai. Công nghệ giúp chúng ta sửa ngữ pháp, chính tả để không gặp những lỗi thông thường. Công nghệ giúp tổng biên tập duyệt hàng trăm bài mỗi ngày, tránh được những tai nạn không đáng có. Tóm lại, công nghệ sẽ giải phóng chúng ta khỏi những việc lặp lại, cho chúng ta nhiều thời gian hơn để sáng tạo. Nhưng công nghệ cũng sẽ lấy mất công việc của những người trung bình, bắt buộc mỗi chúng ta phải đào tạo lại để thích ứng.

Vấn đề bản quyền. Một bài báo là một tác phẩm do lao động của nhà báo, của cơ quan báo chí tạo ra, tốn nhiều chi phí. Bất kỳ ai dùng cũng phải trả bản quyền. Nếu không làm tốt việc này, báo chí sẽ không sống được, sẽ không có các bài báo hay. Tình hình hiện nay là nhiều tin của báo chí được đưa lên mạng xã hội mà không trả bản quyền, nhưng lại thu đến 40% tổng thị trường quảng cáo. EU đã bắt đầu ra các qui định để các mạng xã hội lớn phải có cơ chế trả bản quyền nếu dùng tin của báo chí. Bộ TT&TT, cụ thể là Cục Báo chí, phải điều chỉnh các qui định hiện hành về bản quyền báo chí.

Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình, cơ hội để tái sinh báo chí. Sự tái sinh ấy bắt đầu từ chính chúng ta.

Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hoà bình mãi mãi trên mảnh đất này thì chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước này, đó là năng lượng, là trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo nên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo chúng ta. Cũng chỉ hơn 20.000 người thôi, nhưng các bạn có thể thay đổi Việt Nam. Với sứ mạng thiêng liêng ấy trong tim, trong não, các bạn sẽ nghĩ khác và làm khác.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng