Business Insider nhận định, với quy mô dân số và vị trí địa lý như Việt Nam, quốc gia này đáng ra phải là một điểm nóng về dịch bệnh, nhưng chính sự chủ động trước đại dịch đã khiến quốc gia này chưa bao giờ rơi vào tình huống phong tỏa toàn quốc gắt gao như một số nước. Theo Reuters, nếu đợt bùng phát này được kiềm chế, đây sẽ là lần tiếp theo Việt Nam ngăn chặn thành công và kiểm soát được dịch bệnh.
Ảnh minh họa
Theo Reuters, sau gần 2 tháng kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã quay lại tình trạng báo động cao sau khi Chính phủ xác nhận trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Hải Dương vào ngày 27/1. Tỉnh Hải Dương - nơi có hàng chục ca nhiễm mỗi ngày - người dân được khuyến cáo cách ly tại nhà. Đến ngày 16/2, tỉnh Hải Dương bắt đầu thực hiện cách ly xã hội trên toàn địa bàn tỉnh để ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh.
Nguyên nhân của đợt bùng phát dịch lần này là do một biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tại Anh khiến dịch bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh. Ngay lập tức Việt Nam đã áp dụng hàng loạt biện pháp ứng phó như hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, hủy bỏ nhiều hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều tỉnh thành cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch.
Trước dịp Tết Nguyên đán, các nhà lãnh đạo của Việt Nam vẫn khẳng định, sẽ có một cái Tết khó khăn và đặc biệt ở phía trước, nhưng quốc gia này chắc chắn sẽ vượt qua. Kể cả sau Tết, nhiều biện pháp quyết liệt hơn đã được áp dụng ở nhiều tỉnh, thành như đóng cửa các hàng quán, khu di tích, hạn chế tập trung đông người, Bộ Y tế yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K trong phòng chống dịch (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Theo Reuters, nếu đợt bùng phát này được kiềm chế, đây sẽ là lần tiếp theo quốc gia Đông Nam Á này ngăn chặn thành công và kiểm soát được dịch bệnh. Theo các nhà phân tích, cho đến nay, trong khi các nước láng giềng Đông Nam Á khác gặp nhiều khó khăn, thì nhờ việc kiểm soát thành công dịch COVID-19, đã giúp Việt Nam vượt lên dẫn trước về tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ Việt Nam đã phản ứng “nhanh và mạnh”
Nhận định trên tờ Business Insider (Mỹ), BS. Guy Thwaites Đại học Oxford (Anh), người đã có mặt tại một trong các bệnh viện điều trị COVID-19 của Việt Nam nói: Chính phủ Việt Nam đã phản ứng “nhanh và mạnh” trước dịch bệnh. Ngay từ khi xuất hiện dịch, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều công việc chống dịch một cách đơn giản và hiệu quả.
Cũng tờ Business Insider cho rằng, bằng những kinh nghiệm có được, Việt Nam đã có một kế hoạch dài hạn và thông điệp rõ ràng để đối phó với các đợt bùng phát dịch. Nhờ chiến lược truy vết hiệu quả, theo dõi tiếp xúc, xét nghiệm trên diện rộng, cơ quan chức năng liên tục gửi tin nhắn nhắc nhở người dân, những khuyến cáo của ngành y tế cũng như thực hiện việc đeo khẩu trang... Tất cả đã giúp Việt Nam không phải tiến hành phong tỏa hàng loạt.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho rằng, việc kiểm soát được dịch bệnh ở Việt Nam là nhờ vào 3 yếu tố: truy tìm tiếp xúc, chiến lược xét nghiệm và thông điệp truyền thông rõ ràng. Thay vì xét nghiệm tất cả mọi người, Việt Nam chỉ xét nghiệm những người có mối liên hệ hoặc tiếp xúc.
'Việt Nam lẽ ra phải là một điểm nóng'
Trích dẫn bảng xếp hạng của Viện Nghiên cứu Lowy (Autralia), Business Insider khẳng định trong số các nước đang có dịch COVID-19, Việt Nam xếp thứ 2 về mức độ kiểm soát dịch hiệu quả, chỉ sau New Zealand, trong khi nước Mỹ xếp hạng thứ 94. Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra đánh giá, Việt Nam chống dịch còn tốt hơn cả New Zealand vì đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Tờ báo cho rằng, với quy mô dân số và vị trí địa lý như ở Việt Nam, quốc gia này đáng ra phải là một điểm nóng về dịch bệnh. Nhưng bằng mô hình chống dịch với chi phí thấp và thực hiện các biện pháp chống dịch đơn giản như rửa tay và đeo khẩu trang, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh trong vòng vài tháng.
Trong cuộc thăm dò trực tuyến “Tình hình Đông Nam Á năm 2021” do Trung tâm Nghiên cứu Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore thực hiện từ ngày 18/11/2020 đến ngày 10/1/2021, Việt Nam dẫn đầu về mức độ hài lòng của người dân với Chính phủ trong ứng phó với đại dịch, với tỷ lệ ủng hộ lên tới 96,6%, tiếp theo là Brunei với 93,9% và Singapore với 92,4%.
Người dân Việt Nam đang học cách sống trong cuộc sống bình thường mới, nhưng trên hết họ vẫn luôn được nhắc nhở về giãn cách xã hội cũng như việc đeo khẩu trang.