19/11/2024 lúc 12:17 (GMT+7)
Breaking News

Báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trước thách thức phát triển không gian mạng

VNHN- Internet là một không gian mạng rộng lớn mà ở đó, con người có quyền bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, chính kiến của mình về mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Sự phát triển mạng xã hội như hiện nay rất khó để ngăn cản hoạt động và sự bùng nổ của không gian mang.

VNHN- Internet là một không gian mạng rộng lớn mà ở đó, con người có quyền bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, chính kiến của mình về mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Sự phát triển mạng xã hội như hiện nay rất khó để ngăn cản hoạt động và sự bùng nổ của không gian mang.

 

Ông Nguyễn Thành Lợi – UV HNBVN, TBT Người Làm báo; ông Phan Tùng Mậu – PCT LHHVN;

ông Đặng Vũ Cảnh Linh – Trưởng ban TT & PBKT LHHVN chủ trì hội thảo

Sáng 12/12, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Hội thảo “Báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trước thách thức phát triển không gian mạng”. Tới dự có đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí LHHVN, đại diện một số tạp chí, trang tin của LHH địa phương, Các nhà khoa học, các diễn giả độc lập trong lĩnh vực truyền thông báo chí…

Các đại biểu tham dự hội thảo có nhiều tham luận và ý kiến thảo luận đưa ra nhiều giải pháp làm thế nào để nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà báo cũng như các cơ quan quản lý báo chí trước thách thức phát triển của không gian mạng.

Phát biểu khai mạng Hội thảo, ông  Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch LHHVN nhấn mạnh: Báo giấy ngày càng khó khăn khi báo mạng ngày càng phát triển, báo mạng phát triển thì vai trò, trách nhiệm của nhà báo ngày càng được đề cao. Trong bối cảnh chung,  báo chí của LHHVN thấy có vai trò to lớn trong việc cung cấp thông tin và phổ biến kiến thức. Để thực hiện nhiệm vụ của báo chí trong không gian mạng thì vai trò của báo chí thuộc  LHHVN và báo truyền thống cần tìm ra giải pháp, cách làm mới để thể hiện vai trò, đạo đức và trách nhiệm của nhà báo trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình…

Ở Việt Nam, Facebook, Zalo và Youtube là 3 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất. Trong đó, Facebook có trên 40 triệu người dùng với tỉ lệ active hàng ngày cao.Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình 1 ngày, người Việt Nam bỏ ra 9 giờ để online, trong đó dành 2,5 giờ cho mạng xã hội.

Trong giai đoạn công nghệ số và bùng nổ truyền thông như hiện nay, báo chí hay mạng xã hội đều có thể bị lợi dụng để dẫn dắt dư luận. Nhưng cũng chính mạng xã hội lại là nơi có thể giám sát, thức tỉnh và lan truyền các thông tin tích cực. Báo chí bị ràng buộc bởi tôn chỉ mục đích và các quy định của pháp luật. Mạng xã hội thể hiện tự do cá nhân nên không có giới hạn.

Nhà báo Nguyễn Minh Quang – Tổng biên tập Báo KH &ĐS và Điện tử Kiến thức cho rằng: Thời đại công nghệ thông tin và kỷ nguyên số, do vậy thế mạnh về truyền thông sẽ thuộc phần lớn về không gian mạng trong đó mạnh mẽ nhất là mạng xã hội, báo chí điện tử, truyền hình và tương tác giữa truyền hình và  điện tử... Báo giấy và tạp chí dần dần bị đào thải và thực tế đã chỉ ra rất rõ điều này. Tốt nhất là chúng ta cần phải biết chấp nhận không gian mạng xã hội như 1 thực tế không thể khác được. Mạng xã hội ngoài những điều tích cực thì cũng bộc lộ rất nhiều mặt trái. Nguy hiểm là có rất nhiều người đọc những thông tin này và dù có tin hay không thì hệ quả mang lại vẫn là rất rõ. Chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu và có thể sớm ban hành thành Luật để quản lý mạng xã hội”.

Trên thế giới và ở cả Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí biết sử dụng những thông tin rất đắt trên mạng Internet như một nguồn tin. Để đảm bảo thông tin khách quan, chính xác, các phóng viên, biên tập viên cũng như lãnh đạo tờ báo phải đảm bảo việc kiểm chứng nguồn tin như đối với các nguồn tin thông thường. Tiến sĩ Phạm Thị Mỵ Tổng biên tập Báo Môi trường & Sức khỏe cho rằng: “Các mạng xã hội xuất hiện đã “xã hội hóa” báo chí, khiến người người đều có thể làm báo. Mang nguồn thông tin cực kỳ phong phú cho báo chí song cũng mang đến những hệ lụy nếu người làm báo không tỉnh táo trước biển thông tin. Làm báo trong thời đại facebook, các nhà báo cũng phải chuyển mình. Chuyển mình làm sao để giữ được đạo đức nghề nghiệp và vẫn theo kịp xu thế? Đó là vấn đề mà mỗi nhà báo cần cân nhắc. Mạng xã hội có lợi thế vượt trội mà báo chí không bao giờ có. Đó là có thể đăng tải thông tin, video clip ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ và ai cũng có thể trở thành “phóng viên”, “biên tập viên”, “bình luận viên”, “tổng biên tập”. Trong khi, phóng viên báo không thể tiếp cận ngay nhiều sự việc lúc đang diễn ra, trừ một số rất hiếm hoi sự việc diễn ra vô tình có sự chứng kiến của phóng viên hay cộng tác viên của cơ quan báo chí nào đó. Còn mạng xã hội có thông tin đa chiều, ngay lập tức. Có thể nói, rất nhiều thông tin trên mạng xã hội là nguồn tin vô giá đối với báo chí”.

Tuy nhiên nếu thông tin không được kiểm chứng sẽ dễ dẫn đến 2 hệ lụy. Thứ nhất, thông tin không chính xác sẽ ảnh hưởng đến nhân vật trong bài viết, tạo dư luận hoang mang, tòa soạn sẽ mất uy tín với độc giả. Thứ hai, phóng viên bị lợi dụng trở thành “công cụ đưa tin”.

Nếu báo chí đóng vai trò khởi nguồn như một nguồn thông tin có độ tin cậy nhất định, thì mạng xã hội lại có thể thúc đẩy việc lan tỏa cảm xúc với tốc độ rất cao. Nhờ mạng xã hội, báo chí có thể tương tác với độc giả một cách nhanh chóng hơn là cách phát hành báo in truyền thống hay cạnh tranh với hàng triệu báo điện tử, trang tin điện tử hiện nay.

Nhà báo Bùi Hoàng Tám - Báo Dân trí chia sẻ: Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Ở đó, chỉ cần một cái nhấp chuột, ngay lập tức cả thế giới đều biết. Đây là sự tiến bộ của nhân loại nên dù muốn hay không, chúng ta không thể cưỡng nổi sự tất yếu này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để báo chí chính thống giành được “thị phần” cao nhất trong cái “chợ” thông tin vốn phong phú và rộng mênh mông này bởi thực tế đang cho thấy, mạng xã hội đã và đang là một “thế lực” truyền thông vô cùng mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và là đối thủ rất khó lường của báo chí chính thống.

Nhà báo Bùi Hoàng Tám khẳng định:  Có không ít độc giả hay đọc và thậm chí, tin vào thông tin của mạng xã hội hơn cả báo chí chính thống. Do đó, muốn truyền thông chính thống chiếm “thị phần” cao nhất góp phần định hướng cho bạn đọc thì một trong những yêu cầu quan trọng, đó là tạo sự tự tin cho nhà báo để họ có đủ dũng khí trong quá trình tác nghiệp.Ai là người giúp họ điều này? Xin thưa, người đầu tiên và cũng là những người có ảnh hưởng lớn nhất chính là cơ quan quản lý báo chí. Cụ thể ở đây, tôi muốn nói đến vai trò của hai cơ quan quản lý báo chí trực tiếp hiện nay, đó là Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin Truyền thông.Đây như một cỗ phanh mà một chiếc xe muốn đi nhanh và an toàn, không thể không có bộ phận này”

Giải mã cho hiện tượng “ chính thống hóa” thông tin trên mạng xã hội và ứng xử của nhà báo, PGS.TS, nhà báo Nguyễn Thành Lợi Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mạng xã hội đang âm thầm thay đổi lối sống của con người, đã và đang tác động sâu sắc đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có. Bên cạnh những tiện lợi cho đời sống xã hội, do các đặc điểm như tính mở, thông tin nhanh nhạy, thân phận ảo, khó sàng lọc thông tin, khiến mạng xã hội đã tiếp tay cho nhiều loại hình tội phạm mới, đặc biệt là việc một số nhà báo không kiểm chứng nguồn tin đã "chính thống hóa" những thông tin trên mạng xã hội thành bài báo của mình. Vậy, trong môi trường truyền thông hiện nay, nhà báo và cơ quan báo chí ứng xử thế nào trước thông tin trên mạng xã hội? nhất là khi báo chí "chính thống hóa" thông tin trên mạng xã hội. Bài viết đi tìm một phần của lời giải”.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, theo đuổi lợi nhuận vẫn là mục đích quan trọng của nhiều tờ báo, việc yêu cầu nội dung của tờ báo phải lành mạnh, tích cực là điều rất quan trọng. Muốn ngăn chặn cách làm thiếu trách nhiệm, đẩy lùi hoạt động truyền thông tiêu cực với đại diện là văn hóa bạo lực, ngoài việc dựa vào các biện pháp chế tài hình sự mạnh mẽ của nhà nước, còn cần phải đề cao quan niệm đạo đức nghề nghiệp của những người làm truyền thông, tăng cường khả năng làm chủ hành vi cá nhân và ý thức rủi ro xã hội.

Nhà báo Nguyễn Hữu Bắc - Thư kí Tòa soạn Báo Đất Việt đưa ra đề xuất cho báo chí trước thách thức không gian mạng. Ông nhấn mạnh: “Báo chí chính thống không thay đổi nguyên tắc đưa tin nhưng điều chỉnh cách thức hình thức thông tin mềm mại như trên không gian mạng. Với những thông tin sạch, chính thống, tử tế cũng cần thay đổi cách viết (phong cách báo chí) cho phù hợp với độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, trí thức trẻ. Biến 1 vấn đề kiểu cũ, phong cách cũ.....thành 1 vấn đề hấp dẫn giới trẻ, đụng chạm đúng vào trái tim, khối óc lũ trẻ hiện nay như họ vẫn đang ‘chơi’ trên mạng xã hội. Đặc biệt chú ý vấn đề tương tác phản hồi (comment) của độc giả phải đủ hấp dẫn như mạng xã hội. Báo Đất Việt được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam giao triển khai trên báo chí các chuyên đề trong Diễn đàn trí thức. Tất cả các comment của diễn đàn này đều được gửi về Ban Tổ chức và các diễn giả có tham luận. Cách làm này giúp Liên Hiệp hội và Ban tổ chức Diễn đàn có được những ý kiến bình luận đánh giá rất thực tế. Tất cả các comment trên báo điện tử đều phải được kiểm duyệt rồi mới được xuất bản lên trang, dưới các tin bài tương ứng. Các comment trên báo dù là của độc giả, dù chấp nhận tính phản biện đa chiều nhưng nó vẫn là một phần của thông tin báo chí nhưng ở mức độ mềm dẻo hơn, nới rộng hơn một chút so với thông tin báo chí chính thống. Nhưng dứt khoát không cho phép những ý kiến phản động chống Đảng, Nhà nước, nhân dân, gây mâu thuẫn sắc tộc, vùng miền…

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin – thời đại mà truyền thông xã hội đóng vai trò chủ chốt. Điều quan trọng hơn, các nhà báo viết trên mạng xã hội cần thận trọng khi đề cập những nội dung liên quan đến các thông tin khai thác được khi tác nghiệp. Đặc biệt, nhà báo cũng không nên đăng tải các thông tin thu thập được, nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên các mạng xã hội cá nhân của mình. Hãy nhớ rằng, uy tín của cơ quan mình đang công tác có thể bị giảm, khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các mạng xã hội.