VNHN - Trang Asean Post đăng bài viết cho rằng, dù có nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mà các nước ASEAN cũng như thế giới có thể học hỏi; Malaysia được khuyến nghị áp dụng ý tưởng 'ATM gạo'.
Đại diện Công dân hoàn thành cách ly phòng chống dịch bệnh tặng hoa cám ơn cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng Quảng Bình đã phục vụ tận tình chu đáo trong suốt thời gian cách ly. (Ảnh: TTXVN)
Hai biện pháp để chiến thắng
Theo bài viết, so với các quốc gia thành viên ASEAN khác như Malaysia và Indonesia với hàng nghìn ca nhiễm và tử vong, số lượng các ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tương đối thấp. Tuy nhiên, điều này khiến các nhà quan sát hoài nghi liệu có phải Việt Nam thiếu dụng cụ xét nghiệm?
Việt Nam đã mua 200.000 bộ test Covid-19 nhanh từ Hàn Quốc để tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng lên tiếng đảm bảo, Việt Nam không thiếu bộ test chẩn đoán SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 31/3, có 21 cơ sở y tế trên khắp Việt Nam được phép xét nghiệm Covid-19. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công bộ test riêng có thể giúp chẩn đoán Covid-19 chỉ trong một giờ.
Việt Nam đã chuẩn bị kỹ nhằm ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh ngay cả trước khi các trường hợp dương tính với Covid-19 đầu tiên được xác nhận. Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada (tổ chức tập trung vào mối quan hệ giữa Canada với châu Á) mới đây đã đăng bài liệt kê hai biện pháp thành công mà Việt Nam đã thực hiện để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch này:
Thứ nhất, Việt Nam truy xuất nguồn gốc lây nhiễm chặt chẽ. Xét nghiệm hàng loạt là chiến lược được nhiều quốc gia sử dụng nhằm ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, Việt Nam lại tập trung nhiều hơn vào việc cách ly những người nhiễm bệnh và truy xuất các ca nhiễm thứ cấp F1, F2.
Quỹ châu Á - Thái Bình Dương đánh giá: “Việt Nam đã thực hiện truy xuất thành công thông qua xác minh nhanh những người từng tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh dựa vào việc phân loại các trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm và phơi nhiễm Covid-19 và huy động nhanh chóng các nhân viên y tế, công an, quân đội và công chức nhằm tiến hành truy xuất nguồn gốc”.
Thứ hai, Việt Nam đã áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ các ca nghi nhiễm. Bộ Y tế Việt Nam hợp tác với các công ty công nghệ để phát triển một hệ thống báo cáo trực tuyến các trường hợp nghi nhiễm và nhiễm Covid-19. Những người có liên hệ chặt chẽ với các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm cũng được đưa vào cơ sở dữ liệu theo thời gian thực. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (MIC) cũng giới thiệu một ứng dụng di động có tên NCOVI cho phép công chúng khai báo tình trạng sức khỏe hàng ngày.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đánh giá cao phản ứng nhanh chóng của Việt Nam. WEF lưu ý, Việt Nam là một quốc gia có lực lượng quân đội và an ninh lớn và được tổ chức tốt, có thể nhanh chóng đưa ra các quyết định và triển khai ngay lập tức.
Có thể nói, các nước trong khu vực và thế giới cần học hỏi từ những biện pháp phản ứng của Việt Nam.
Mô hình "ATM gạo" để phát gạo miễn phí cho người nghèo trong mùa dịch. (Nguồn: Báo Tin tức)
Ý tưởng “ATM gạo miễn phí” được khuyến nghị ở Malaysia
Ngày 9/4, tờ FreeMalaysiaToday có bài viết đánh giá cao ý tưởng "gạo cung cấp miễn phí theo mô hình ATM" xuất hiện gần đây tại TP. Hồ Chí Minh cũng như tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt đối với người nghèo.
Với "ATM gạo", người nghèo có nhu cầu nhận gạo miễn phí chỉ cần ấn nút tại cây ATM và sẽ nhận được 1,5 kg/người. Người đến nhận gạ phải xếp hàng và đảm bảo giãn cách 2m cũng như được cung cấp chất khử trùng trước khi lấy.
Bài báo khuyến nghị Malaysia cần học tập ý tưởng này nhằm giúp đỡ những người có nhu cầu và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm SARS-Cov-2.
Bài viết của FreeMalaysiaToday đã được nhiều lượt chia sẻ ở Malaysia./.