10/01/2025 lúc 08:19 (GMT+7)
Breaking News

Báo Anh đánh giá Việt Nam đầy hứa hẹn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Báo Financial Times (Anh) ngày 28/12 cho biết các công ty đa quốc gia đang rốt ráo xây dựng cơ sở tại Việt Nam do Việt Nam đã khẳng định vị thế vững chắc với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu và mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng mở rộng, gồm cả FTA mới đây với Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Báo Financial Times (Anh) ngày 28/12 cho biết các công ty đa quốc gia đang rốt ráo xây dựng cơ sở tại Việt Nam do Việt Nam đã khẳng định vị thế vững chắc với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu và mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng mở rộng, gồm cả FTA mới đây với Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Ảnh minh họa

Tờ báo khẳng định Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tờ báo dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital tại Thành phố Hồ Chí Minh Michael Kokalari, trong đó nhận định ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đang chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, trong đó có Apple.

Công ty này đã bắt đầu sản xuất số lượng lớn tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam vào quý 2/2020 khi phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Hiện những doanh nghiệp mới chuyển đến Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Đó là thị trường lao động của Việt Nam không lớn như Trung Quốc, trong khi nhu cầu đất công nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực quanh Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung chủ yếu các nhà máy quần áo, đồ nội thất và các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vốn đã trong tình trạng quá tải trong khi Sân bay Long Thành đang được xây dựng, song dự kiến tới năm 2025 mới hoàn tất và đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, nhiều linh kiện được sử dụng để sản xuất các sản phẩm giá trị cao ở Việt Nam, từ vi mạch cho đến điện thoại thông minh, vẫn phải lấy nguồn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hoặc các nơi khác và được chuyển đến để lắp ráp ở Việt Nam.

Tuy vậy, giới kinh doanh vẫn nhận định thị trường Việt Nam đang “thích nghi” với tất cả những khó khăn, ngay cả trong bối cảnh đại dịch.

Cụ thể, các dự án xây dựng khu công nghiệp đang được triển khai. Ví dụ, GLP - nhà điều hành kho hàng lớn nhất châu Á, đang phát triển các dự án ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm khi công ty này đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn duy trì được những con số ấn tượng. Bất chấp đại dịch, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ giảm 2% trong năm 2020 (tính đến tháng 11), ở mức 17,2 tỷ USD.

Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 2,9% trong năm 2020, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, và chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021./.