Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện Định Hóa luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt việc đưa cây quế vào phát triển kinh tế đồi rừng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy định của Nhà nước, cũng như quy hoạch của tỉnh và của huyện, đưa cây quế trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương.
Cây quế thích hợp với thổ nhưỡng Định Hóa nên phát triển tốt.
Định Hóa là huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên, có diện tích đất tự nhiên 52.072 ha, trong đó đất quy hoạch lâm nghiệp 30.267,43 ha. Bên cạnh đó, Huyện Định Hóa xác định nông lâm nghiệp là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua, huyện Định Hóa đã tích cực vận động nhân dân trồng rừng, phát triển kinh tế từ rừng trong đó cây quế là đối tượng được chọn để trồng trên quy mô lớn. Quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, hiệu quả của cây quế được tận dụng triệt để: Cành, lá để chưng cất tinh dầu, vỏ quế làm thuốc chữa bệnh và gia vị, gỗ quế được sử dụng trong xây dựng...Vì vậy, lợi ích kinh tế của cây quế đem lại là vượt trội so các loại cây lâm nghiệp khác, lại được doanh nghiệp thu mua tận nơi. Sản phẩm lá, cành quế tươi đang được thu mua tại địa phương với giá 1.500 đồng/kg; vỏ quế tươi trên 20.000 đồng/kg; thân cây trên 2,8 triệu đồng/m3. Trên thị trường, sản phẩm từ cây quế thường sử dụng làm thuốc, gia vị, đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng, làm hương liệu để sản xuất nước hoa...Trong thời gian triển khai chương trình trồng quế, huyện Định Hóa đã cân đối một phần ngân sách địa phương, lồng ghép với ngân sách hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ người dân trồng quế.
Ban quản lý rừng ATK Định Hóa.
BQL Rừng ATK Định Hóa là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch trồng cây quế trên địa bàn huyện. Hàng năm đơn vị chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các hộ dân thực hiện trồng cây quế đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, từ đó cây quế tăng trưởng tốt bước đầu đã đem lại những tín hiệu tích cực, tạo ra một hướng phát triển kinh tế nhiều tiềm năng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Định Hóa đi kiểm tra rừng quế.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Ban Quản Lý Rừng ATK Định Hóa đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng một cách hiệu quả. Trong đó, có rất nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của tỉnh như: Trình Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua và ban hành Chỉ thị số 06-CT/HU ngày 26/2/2021 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Định Hóa”; Kế hoạch thực hiện chỉ thị số 06-CT/HU của BTV Huyện ủy; thành lập Tổ công tác rà soát 03 loại rừng và bộ phận giúp việc, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và thống nhất số liệu tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 huyện Định Hóa, Triển khai trồng rừng năm 2021, phân bổ chỉ tiêu và đăng ký trồng rừng cho các xã, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho mùa khô năm 2021, trình HĐND huyện thông qua phương án hỗ trợ kinh phí trồng quế trên địa bàn huyện năm 2021, trình phê duyệt mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ nhỏ bằng cây quế áp dụng riêng cho huyện Định Hóa; thành lập Ban chỉ đạo Chương trình trồng quế huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030, Kế hoạch hưởng ứng thực hiện Chương trình “trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, Phương án phóng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2025; Xây dựng cơ chế hỗ trợ trồng quế trở thành sản phẩm chủ lực của huyện Định Hóa là cây thế mạnh của địa phương. Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn ban hành 291 văn bản chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR, tập trung công tác tuyên truyền và công tác trồng rừng năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Thắng - Phó BQL rừng ATK, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa.
Ông Nguyễn Đức Thắng (Phó BQL rừng ATK, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa) cho biết: “Những năm qua, huyện đã triển khai một số chính sách lâm nghiệp như Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của Chính phủ theo Quyết định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Xác định cây quế là loại cây lâm nghiệp chủ lực, phấn đấu đến năm 2030 diện tích quế đạt 10 nghìn ha, hàng năm toàn huyện trồng trên 500 ha quế, giữ ổn định tỷ lệ che phủ của rừng 59%. Bên cạnh đó, với đặc thù là huyện miền núi, xác định mục tiêu đưa cây quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng quế. Tổng diện tích trồng quế từ 2015 đến nay đạt 3.071 ha, được trồng tại 23 xã, thị trấn của huyện”.
Hiện quế đang là một nguồn thu không nhỏ đối với người dân trong huyện mà trồng quế còn có tác dụng trong việc trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, gắn mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển và bảo vệ rừng; đồng thời, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay với mật độ trồng 5000 cây/ha, sau 04 năm chăm sóc đã có thể cho khai thác gồm cành, lá, vỏ. Với giá thị trường như hiện nay sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi hécta quế sau chu kỳ 15 năm cho thu nhập bình quân khoảng trên 1 tỷ đồng. Cây quế không chỉ là cây thoát nghèo mà còn trở thành cây làm giàu cho người dân huyện Định Hóa.