VNHN – Hiện nay, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã, đang và sẽ được tiến hành trên cả nước, nhằm đưa chất lượng giáo dục Việt Nam lên một tầm cao mới. Là một trong nghững điếm sáng của giáo dục cả nước, ngành giáo dục Bắc Ninh đang từng ngày từng ngày đổi mới để đạt được những kết quả cao hơn nữa, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế trong tương lai.
Tháng 6 năm 2014, với việc đẩy mạnh vai trò của ngành giáo dục trong xu thế phát triển chung toàn tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 12 về “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030” giúp ngành giáo dục toàn tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong giai đoạn 2014-2019, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng từ việc phát triển các cụm công nghiệp, Bắc Ninh đã thu hút số lượng lớn cư dân ngoại tỉnh và ngoại quốc đến sinh sống và làm việc. Điều này khiến dân số cơ học trong tỉnh tăng lên nhanh chóng, và đã kéo theo số học sinh các cấp tăng nhanh, từ cấp Mầm non đến Tiểu học.
Dân số cơ học tăng kéo theo số lượng học sinh các cấp tăng (ảnh: internet)
Căn cứ số liệu của ngành Giáo dục Bắc Ninh cung cấp, trong 5 năm từ 2014-2019, số lượng học sinh tăng hơn 64 nghìn em trong các cấp, bằng với 100 trường học trung bình. Tăng đối với khối Tiểu học là 27 nghìn em, khối Mầm non là hơn 25 nghìn trẻ.
Trong khi đó, từ năm 2014-2019, tỉnh Bắc Ninh chỉ xây dựng thêm 22 trường mới gồm 10 trường công lập, 12 trường tư thục. Nâng tổng số trường công lập và tư thục lên 498 trường từ Mầm non đến THPT với 338 nghìn học sinh trong năm 2019 – 2020.
Nhằm thực hiện đúng theo Nghị Quyết 19 của BCH TW Đảng, là giảm đơn vị sự nghiệp công lập và tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước…nên dù số lượng học sinh toàn tỉnh tăng cao, tạo áp lực lớn nhưng số lượng giáo viên biên chế cũng như cán bộ quản lý trường học của tỉnh Bắc Ninh luôn được kiểm soát chặt chẽ.
Áp lực từ việc quá tải học sinh là vấn đề cần được giải quyết trong những năm học tới (ảnh: internet)
Nếu như năm học 2013 -2014 giáo viên toàn ngành là 15.334 biên chế, thì đến hết năm học 2018-2019 chỉ tuyển dụng thêm 1.861 biên chế, nâng tổng số biên chế giáo viên lên 17.205 người.
Để giảm áp lực từ việc quá tải học sinh, trong khi số lượng giáo viên biên chế còn thiếu, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc khoán định mức giáo viên và nhân viên trong các trường Mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh trong khi chờ đợi UBND tỉnh tuyển dụng thêm giáo viên biên chế vào đầu năm 2020, theo sự đồng ý của Bộ chính trị.
Số lượng học sinh quá tải, áp lực lớn nhất là khối Mầm Non, song song với việc giao khoán định mức trong năm học dành cho khối Mầm non công lập, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành NQ số 119 nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập để tinh gọn bộ máy, giảm đầu tư công , giảm áp lực cho Mầm non công lập mà vẫn bảo đảm cho con em nhân dân trong tỉnh được thụ hưởng các điều kiện về GD-ĐT.
Và sau 5 năm thực hiện Nghị Quyết 12 của tỉnh, vượt qua mọi khó khăn, bằng sự nỗ lực của toàn ngành, cùng sự quan tâm của tỉnh, Bắc Ninh vẫn là điểm sáng giáo dục của cả nước.
Về chất lượng của đội ngũ cán bộ giáo viên, ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng tốt các yêu cầu đổi mới giáo dục đề ra. Giai đoạn này, 100% giáo viên các cấp của tỉnh đều đạt chuẩn trong đó tỷ lệ trên chuẩn rất cao, chiếm tới 85,3. Toàn ngành hiện có 1.289 Thạc sỹ, 10 Tiến sĩ và 8 Nghiên cứu sinh tăng 473 Thạc sĩ và 5 Tiến sĩ so với năm học 2013-2014.
Tổng số học sinh của các trường lên đến con số hàng nghìn(ảnh: internet)
Về cơ sở vật chất trường học,do xiết chặt trong việc thành lập trường công lập mới, UBND tỉnh chỉ đạo ngành GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải ưu tiên quỹ đất quy hoạch hệ thống trường học phù hợp theo hướng chuẩn, hiện đại hóa và có giá trị sử dụng lâu dài.
Đáp ứng mục tiêu 100% phòng học kiên cố, 100% trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2020 do UBND tỉnh đề ra. Sẵn sàng cho chương trình thay SGK mới, được Bộ GD-ĐT áp dụng từ năm học 2020-2021.
Chất lượng ngành GD Bắc Ninh luôn đứng top đầu cả nước (ảnh:internet)
Mới đây, vào tháng 6 năm 2019, từ những kết quả đạt được trong năm học 2018 – 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã ký ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong năm học mơi 2019 – 2020, tổng hợp nguồn lực cho chương trình đổi mới SGK năm 2020 -2021.
Mục đích của bản kế hoạch là nhất quán trong chỉ đạo và điều hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội phối hợp cùng ngành GD&ĐT chuẩn bị và hoàn thiện mọi điều kiện cho việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông được thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Sở GD&ĐT tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tới nhân dân trong tỉnh, đảm bảo để có được sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh trong quá trình thực hiện, triển khai chương trình đổi mới SGK.
Xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, để cử đi bồi dưỡng, tập huấn ở Bộ GD&ĐT và thực hiện nhiệm vụ phổ biến, hỗ trợ, tư vấn cho toàn bộ cán bộ, giáo viên trong quá trình triển khai bồi dưỡng, tập huấn đại trà ở cấp tỉnh. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chức danh nghề nghiệp. Có biện pháp đào tạo đối với những trường hợp chưa đạt chuẩn.
Rà soát , nâng cấp đối với các trường học còn chưa đủ điều kiện. Ưu tiên trang thiết bị cho các môn học như phòng Tin học, Ngoại ngữ và thư viện đối với cấp Tiểu học; phòng học bộ môn, phòng học chức năng và thư viện đối với cấp THCS và THPT.
Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương theo các cấp học để thống nhất sử dụng trong các trường học trên địa bàn tỉnh phù hợp với chương trình đổi mới của Bộ.
Tăng cường công tác thanh kiêm tra các cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới SGK, lập báo cáo tổng kết đánh giá kết quả để báo về Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh theo định kỳ nhằm chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung, khắc phục kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.