VNHN - Trăn trở làm sao đồng bào được ăn no mặc ấm, cuộc sống nhân dân Huyện nhà có thu nhập ổn định và bớt cơ cực, vất vả. Đó là những trăn trở mà suốt 27 năm công tác của đồng chí Lò Sỉ Chảo, Phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch HĐND huyện Quản Bạ luôn đau đáu trong lòng.
Người cán bộ chăm lo tới người dân,cơ sở
Đồng chí Lò Sỉ Chảo sinh năm 1964, sinh ra và lớn lên tại vùng quê còn gặp nhiều khó khăn huyện Quản Bạ, một trong 4 huyện vùng cao của điểm cực Bắc tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ Quốc. Thuở nhỏ, bản thân đồng chí Lò Sỉ Chảo đã trải qua những bữa ăn không có cơm, củ khoai độn còn khó tìm, mảnh áo lành để mặc là mơ ước, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, huyện nhà còn là vùng đất đầy hoang sơ. Năm 1992 đồng chí nhận công tác tại xã Quyết Tiến với cương vị là cán bộ văn phòng Đảng ủy xã. Cũng chính lúc này, khi được sống cùng nhân dân, ăn cùng nhân dân, trải qua khó khăn cùng đồng bào vào thời điểm đó, cái tâm của người cán bộ trẻ luôn khao khát cùng đồng bào tại địa phương quyết tâm đánh đuổi giặc đói, giặc nghèo nơi quê hương.
Đ/c Lò Sỉ Chảo nắm bắt tình hình phòng chống rét trên đàn đại gia súc tại xã Thái An
Là cán bộ đi lên từ cơ sở, hiểu được dân cần gì, khó ra sao, nghèo ở nguyên do như thế nào. Trong thời gian từ tháng 8/2008, đồng chí giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Thái An, là địa phương chiếm trên 98% dân tộc thiểu số. Đồng chí Lò Sỉ Chảo luôn đề ra cho bản thân những mục đích cụ thể, rõ ràng. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất chính là công tác Dân vận khéo, tuyên truyền, vận động đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào vùng cao, trước hết để tạo niềm tin của Đồng Bào với Đảng, Nhà nước một lòng đoàn kết, thống nhất đi lên. Sau đó là để nhân dân có nền tảng, cơ sở vững chắc, tạo đòn bẩy cho Đồng Bào thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế từ canh tác manh mún, nhỏ lẻ, truyền thống sang cải tiến, tiếp cận với kỹ thuật- khoa học. Bài học thân dân, gần dân sẽ chẳng phải viện dẫn đâu xa, bởi thực tế từ công tác Dân vận khéo và những điều trăn trở trong tâm khảm của đồng chí Lò Sỉ Chảo đã thể hiện rất rõ. Ông Ma Mý Hòa, người cao tuổi thôn Séo Lủng 2, xã Thái An tâm sự: Từ ngày đồng chí Chảo còn là Bí thư Đảng ủy xã Thái An, dân còn nghèo, cái ăn không có, hồi ấy chú Chảo gần dân lắm, không sợ khổ, sợ vất vả, mang cả quần áo lên ở với dân để tuyên truyền, hướng dẫn chúng tôi làm kinh tế. Có gì vướng mắc, nguyện vọng chú Chảo và người dân chúng tôi lại nói chuyện, tâm sự và tự động viên lẫn nhau, dù ở đâu thì chú Chảo đều coi đó là nhà.
Đối với đ/c Lò Sỉ Chảo, về với dân là về với nhà
Những kết quả có thể coi được gặt hái trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Thái An của đồng chí Lò Sỉ Chảo có thể kể đến rõ nét như: Năm 2009, hủ tục trong ma chay, chôn cất người đã khuất của đồng bào người Mông trên địa bàn xã Thái An được thay đổi, 6/6 thôn bản đã quy hoạch được nghĩa trang tập trung, cách xa khu dân cư của thôn. Đến nay, sau 10 xã Thái An vẫn là địa phương duy nhất của huyện Quản Bạ thực hiện được công tác này. Đội ngũ cán bộ, công chức xã đi vào hoạt động có nề nếp hiệu quả; Công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, cử cán bộ trẻ là người địa phương đi học là địa phương tiên phong, được Đảng bộ huyện Quản Bạ thời điểm đó đánh giá cao; Tuyên truyền, vận động thành công đồng bào chuyển đổi, trồng cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập ổn định, bền vững. Mặc dù, đến nay không còn công tác ở xã Thái An đã 7 năm, nhưng đồng chí Lò Sỉ Chảo vẫn được người dân xã Thái An nhắc và nhớ bởi những tâm huyết, gắn bó bao năm với mảnh đất này. Hiện nay, trên cương vị là Phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch HĐND huyện Quản Bạ, người cán bộ tại cơ sở thuở ấy vẫn luôn giữ phong cách gần dân, sâu sát công việc nơi dân. Bởi đồng chí luôn trăn trở làm sao có nhiều hướng đi, tạo được sinh kế cho đồng bào. Nên dù ở cương vị nào, khối lượng công việc có bận rộn, đồng chí cũng đều đặn thường xuyên đi cơ sở, đến tận nơi, về tận chốn, đi tận ngõ, gõ cửa từng nhà người dân để kịp thời nắm bắt tình hình, những tâm tư nguyện vọng của đồng bào nơi cơ sở. Đặc biệt là quan tâm đến thái độ và ý thức của mỗi cán bộ, công chức trên địa bàn xã phải luôn hướng tới mục tiêu phục vụ đời sống nhân dân và đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, là cầu nối thông tin quan trọng của nhân dân tại cơ sở với cấp ủy, chính quyền cấp trên.
Bộc bạch chia sẻ Anh Lù Mý Khắc, thôn Lố Thàng 1, xã Thái An cho biết: Mặc dù đồng chí Chảo giờ đã là Phó Bí thư TT - Chủ tịch HĐND huyện nhưng đồng chí không hề quan cách với dân; Công việc của huyện có bận đến mấy thì đều đặn tuần nào cũng xuống với người dân Thái An. Nhất là có những cơ chế chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế của tỉnh, huyện. Đồng chí Lò Sỉ Chảo đều yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã Thái An phải triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn và trực tiếp đồng chí Chảo xuống thực tế xem, người dân có vướng mắc gì về vốn vay, nguồn vốn vay phát triển kinh tế có thực sự hiệu quả; Như tại thôn Lố Thàng 1, được tiếp cận và vay từ nguồn vốn 209, 86, 14 của HĐND tỉnh, huyện, vay ủy thác ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế, đến nay nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, hình thành các mô hình chăn nuôi như: Mô hình chim bồ câu trên 400 đôi, mô hình nuôi ong trên 30 tổ, mô hình chăn nuôi gia súc.
Đ/c Chảo luôn trăn trở dân có bớt vất vả thì cán bộ mới thực sự hoàn thành nhiệm vụ
Chính từ những hình ảnh có trách nhiệm trong công việc, hay những lúc bình dị khi đời thường, đào đất làm nền nhà cho đồng bào vùng lũ, dọn dẹp hướng dẫn đồng bào chỉnh trang, xây dựng NTM của đồng chí Lò Sỉ Chảo. Hình ảnh người cán bộ đó như đã tiếp thêm niềm tin của đồng bào với các Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Chia sẻ về kỷ niệm những lần được gần dân, đồng chí Lò Sỉ Chảo không dấu được cảm xúc bày tỏ: Kỷ niệm suốt 27 năm công tác thì có rất nhiều, tuy nhiên để nhớ nhất là năm 2008 khi nhận nhiệm vụ công tác tại xã Thái An với cương vị Bí thư Đảng ủy xã, là một xã có trên 98% người dân tộc Mông, vùng đất Thái An lúc đó rất hoang sơ, cơ sở hạ tầng giao thông vô cùng khó khăn, để họp dân tôi và cán bộ xã phải thắp đuốc vượt qua đồi núi đi từng nhà họp dân để làm công tác tư tưởng, khi đó trên thôn Lùng Hẩu là thôn xa nhất của xã bùng phát dịch sốt rét, với hơn 60 cháu nhỏ bị nhiễm dịch, đường đi không có, chúng tôi mất gần 1 ngày men theo đường núi để tiếp cận thôn và cắm chốt ở thôn hơn 1 tuần để nắm bắt và hướng dân nhân dân cách chữa trị và dập dịch.
Người cán bộ luôn gần dân, sâu sát nơi dân
Mặc dù đến nay diện mạo tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quản Bạ đã có bước phát triển toàn diện, cuộc sống về tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc được nâng cao, thu nhập đã có phần ổn định. Tuy nhiên, những thành quả trái chín đó như vậy vẫn chưa là đủ với những trăn trở của đồng chí Lò Sỉ Chảo; Đó là đời sống của nhân dân phải được ổn định, bền vững; Cơ sở hạ tầng đường xá, các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân phải được tiếp tục được nâng cao. Thấm nhuần tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như truyền thống lịch sử dân tộc hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Thực tế chứng minh rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, người đứng đầu thể hiện rõ quyết tâm và sự quyết liệt trong chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, biết dựa vào dân mà triển khai chính sách, nơi ấy sẽ có chuyển biến, thành tựu rõ rệt.