Tỉnh Bắc Kạn đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để sản phẩm chuối tây tạo được chỗ đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Cây chuối là cây trồng đã có từ lâu của tỉnh Bắc Kạn. Những năm gần đây, cây chuối được trồng chuyên canh theo hướng hàng hóa. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có khoảng 400 ha thì đến nay, diện tích cây chuối cho thu hoạch là hơn 1.300 ha, trong đó giống chuối tây chiếm trên 90% diện tích; năng suất bình quân đạt 11,8 tạ/ha, sản lượng đạt 15.500 tấn.
Người dân thu hoạch cây chuối tây tại tỉnh Bắc Kạn
Được biết, trong Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của tỉnh Bắc Kạn, cây chuối tây được xác định là một trong những cây trồng định hướng phát triển vùng chuyên canh hàng hóa ở địa phương. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 2.500 ha trồng cây chuối, sản lượng đạt 30.000 tấn, trong đó 70% sản lượng chuối sẽ được đưa vào phục vụ ngành sản xuất chế biến nông sản đặc sản tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chuối như: Kẹo chuối, chuối sấy dẻo, rượu chuối, mứt chuối, chuối sấy khô... Một số sản phẩm từ chuối đã được gắn sao OCOP cấp tỉnh như: Rượu chuối men lá, chuối sấy dẻo, dấm chuối của HTX Tân Dân (thành phố Bắc Kạn); chuối sấy của HTX Thiên An (Bạch Thông); chuối sấy dẻo và bim bim chuối của HTX Nông nghiệp và Thương mại Hợp Thành…
Các sản phẩm từ quả chuối của Bắc Kạn được trưng bày tại các gian hàng, hội chợ xúc tiến thương mại
Để phát triển chuỗi giá trị chuối tây tỉnh Bắc Kạn theo hướng sản xuất hữu cơ và tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giúp người sản xuất, chế biến, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập, UBND tỉnh vừa phê duyệt Kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị chuối tây tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2023.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng liên kết trong chuỗi giá trị chuối tây, trong đó phấn đấu xây dựng, củng cố được tối thiểu 34 tổ hợp tác tại 07 xã với trên 500 hộ tham gia. Xây dựng và nâng cấp mối liên kết giữa các tổ hợp tác với hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đảm bảo ít nhất có 375 hộ trồng chuối tây được tham gia vào liên kết. Cùng với đó là nâng cao kỹ thuật trồng chuối tây theo hướng hữu cơ cho hộ tham gia vào các tổ hợp tác thông qua các lớp tập huấn; hỗ trợ trồng mới/tái canh cho 340 ha của hộ trồng chuối tây tham gia vào các tổ hợp tác, trong đó, có ít nhất 250 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ và ít nhất 15 mã số vùng trồng xuất khẩu.
Thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức các hội nghị để thu hút doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh và chương trình OCOP cấp quốc gia để nâng cao thương hiệu cho sản phẩm chuối tây.