Trên cơ sở các cây trồng thế mạnh của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị cây dong riềng và cây gừng trở thành chuỗi giá trị bền vững, ổn định, lâu dài.
Nguồn tiềm năng có sẵn
Cây dong riềng và cây gừng là hai loại cây trồng hàng hóa đem lại giá trị sản xuất cao của tỉnh Bắc Kạn. Cây dong riềng đã được trồng từ lâu đời, là hàng hóa chiến lược trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp. Củ dong được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra miến dong, một sản phẩm đặc sản của tỉnh, được nhiều người trong nước cũng như nước ngoài đánh giá cao về chất lượng.
Đối với cây gừng, đây là cây trồng được thương mại từ năm 1993, cây trồng này đã đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống (lúa, ngô…) kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Cây dong riềng và cây gừng là hai loại cây trồng hàng hóa đem lại giá trị sản xuất cao của tỉnh Bắc Kạn
Tuy nhiên, sản phẩm từ hai loại cây trồng này hiện đang chiếm tỉ phần rất nhỏ tại các thị trường ngoài tỉnh Bắc Kạn, do đó phải chịu sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm cùng loại khác. Đối với sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã đăng kí bảo hộ, thế nhưng hệ thống nhận diện cũng như khai thác nhãn hiệu trên thị trường vẫn chưa được đầy đủ.
Ngoài ra, trong khâu sản xuất còn gặp một số hạn chế về việc cam kết hợp đồng giữa người nông dân với chủ cơ sở sản xuất tinh bột và miến dong dẫn đến giá bán nguyên liệu không ổn định. Tình trạng được mùa mất giá đã kéo theo sự biến động lớn về diện tích trong thời gian qua. Năm 2018, diện tích trồng dong riềng của toàn tỉnh Bắc Kạn là 1.040 ha; đến năm 2019, 2020 giảm còn 500 ha.
Bên cạnh đó, khâu xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Sản xuất cây gừng cũng đã và đang bộc lộ nhiều khó khăn, có nguy cơ dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Cây gừng được trồng với quy mô lớn, tập trung, nhất là tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới nhưng đã xuất hiện dịch bệnh làm giảm năng suất và chất lượng. Việc bán sản phẩm gừng hiện nay chủ yếu ở dạng nguyên liệu tươi nên giá trị chưa cao.
Phát triển chuỗi giá trị hiệu quả
Từ thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã xem xét và phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dong riềng và gừng giai đoạn 2021-2023. Mục tiêu của giai đoạn mới, Bắc Kạn sẽ xây dựng các mối liên kết để phát triển chuỗi giá trị cây gừng, dong riềng Bắc Kạn trở thành chuỗi giá trị bền vững, ổn định.
Song song với đó, phát triển vùng nguyên liệu gắn với tổ chức quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến quy trình công nghệ chế biến tạo ra sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường. Đồng thời gắn với bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái.
Bắc Kạn phấn đấu hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dong riềng một cách hiệu quả, bền vững nhằm phát triển vùng nguyên liệu ổn định từ 500 đến 600 ha, từ nay đến năm 2023 tăng dần lên 800 ha. Trong đó, diện tích tập trung tại các vùng sản xuất trọng điểm là các huyện Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông…
Chuỗi giá trị dong riềng hướng tới mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu gắn với tổ chức quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm “Miến dong Bắc Kạn”
Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng cường đào tạo năng lực quản lý và tổ chức hoạt động cho các hợp tác xã chế biến tinh bột, sản xuất miến dong. Xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ trong sản xuất dong riềng. Thay đổi tập quán canh tác, thói quen trong sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Hướng tới, nâng cao năng suất, sản lượng củ bình quân đạt từ 73 - 75 tấn/ha; nâng cao tỷ lệ thu hồi tinh bột từ 14 - 16% như hiện nay lên 17- 18%/tấn củ vào năm 2025.
Tỉnh cũng sẽ thực hiện chuỗi giá trị nhằm bảo vệ, duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong. Xây dựng bộ tiêu chuẩn và quản lý chất lượng sản phẩm tinh bột và miến dong Bắc Kạn. Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP cây dong riềng từ 3 sao lên 4 - 5 sao vào năm 2025.
Cây gừng tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới
Đồng thời, tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm gừng tỉnh Bắc Kạn. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Qua đó, định hướng đưa sản phẩm gừng Bắc Kạn tham gia Chương trình OCOP và đạt từ 3 sao trở lên trong năm 2022.
Việc phát triển chuỗi giá trị bền vững đối với cây dong riềng và cây gừng là cơ hội để tỉnh Bắc Kạn thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh đã có bước đi đúng đắn khi ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản. Hứa hẹn, đây sẽ là tiền đề để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Bắc Kạn trong thời gian tới.