16/01/2025 lúc 11:37 (GMT+7)
Breaking News

Bà Rịa - Vũng Tàu nhân rộng mô hình “3 cùng”, “3 tại chỗ”

Dù có nhiều ý kiến trái chiều bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn nghỉ và chống dịch tại chỗ), “3 cùng” (cùng làm việc, cùng đi một phương tiện, cùng nghỉ một nơi) tại doanh nghiệp mình, tuy nhiên, với quan điểm duy nhất là bảo vệ người lao động, bảo vệ lực lượng sản xuất, nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn kiên định nhân rộng mô hình, với chủ trương doanh nghiệp nào khô

Dù có nhiều ý kiến trái chiều bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn nghỉ và chống dịch tại chỗ), “3 cùng” (cùng làm việc, cùng đi một phương tiện, cùng nghỉ một nơi) tại doanh nghiệp mình, tuy nhiên, với quan điểm duy nhất là bảo vệ người lao động, bảo vệ lực lượng sản xuất, nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn kiên định nhân rộng mô hình, với chủ trương doanh nghiệp nào không đáp ứng bắt buộc phải tạm dừng sản xuất.

Ăn, ngủ tại nơi làm việc

Gần một tháng nay, anh Lê Công Trường, công nhân Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Hoa Sen (KCN Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ), được công ty bố trí ăn nghỉ tại nhà máy. Anh Trường cho biết: Trước đây khi chưa có dịch tôi thuê nhà trọ gần công ty, tuy nhiên, kể từ khi dịch bùng phát, công ty bố trí cho anh  em công nhân ăn nghỉ ngay tại công ty. Chỗ ở tại đây khá tiện nghi, không gian sinh hoạt thoáng mát, chúng tôi thấy thoải mái như ở nhà.

Chị Nguyễn Thị Hồng Dung, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự công ty, cho biết, để bố trí chỗ ở cho gần 130 công nhân trực tiếp sản xuất, công ty cho cải tạo khu vực nhà kho có diện tích gần 1.000 m2, nằm cách xa khu vực sản xuất, đầy đủ nhà ăn, nhà vệ sinh, bảo đảm các quy định về phòng chống dịch. Việc để người lao động trực tiếp ăn nghỉ lại công ty khiến doanh nghiệp yên tâm không lo dịch bệnh xâm nhập làm đứt gãy hoạt động sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Hồng Dung cho biết thêm, để bảo đảm an toàn tuyệt đối, tất cả cán bộ, công nhân viên đều đã được làm xét nghiệm tầm soát. Hằng tuần, theo phương pháp ngẫu nhiên, công ty tiếp tục làm xét nghiệm cho khoảng 40% cán bộ, công nhân viên trong đơn vị. Chúng tôi xác định, để hoạt động sản xuất ổn định thì việc đầu tiên bây giờ là phải soát tốt dịch bệnh.

Dù đến cuối tháng 6/2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại huyện Long Điền, nhưng trong thực tế, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, từ nhiều tháng trước đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó khi dịch bùng phát. Nhiều doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc các ngành năng lượng, như điện, ga, dầu khí… đã triển khai mô hình “3 tại chỗ”, “3 cùng” nhằm không để dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại diện Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành 4 nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng và Phú Mỹ 4), bao gồm 13 tổ máy phát điện với tổng công suất là 2.540 MW. Trong 5 năm qua, từ 2016-2020, các nhà máy điện Phú Mỹ đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện 76,6 tỷ kWh.

Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã kích hoạt phương án làm việc từ xa đối với lực lượng gián tiếp và “cấm trại” tập trung trong nhà máy đối với lực lượng vận hành, trực hóa, bảo vệ, y tế, với tổng số lượng là 143 người. Đồng thời công ty yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân viên chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền địa phương; hạn chế đi lại và tiếp xúc, theo dõi sức khỏe hàng ngày... Tổ chức phun thuốc diệt khuẩn định kỳ 2 tuần/lần. Nhờ vậy, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường. Riêng trong năm 2021, dù nhu cầu điện của hệ thống giảm, một số tổ máy phải dừng dự phòng hoặc không phát hết công suất, nhưng công ty vẫn đảm bảo các tổ máy khả dụng cao nhất.

Không để người lao động tự đi làm

Ngày 18/7, sau khi UBND TP Vũng Tàu, các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong trường hợp không bố trí được "3 tại chỗ" thì triển khai “3 cùng” (cùng làm việc, cùng đi một phương tiện, cùng nghỉ một nơi) cho người lao động. Người lao động không được đi xe gắn máy, đi bộ tới nơi làm việc, doanh nghiệp phải tổ chức xe ô-tô đưa đón, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về nội dung này.

Tuy nhiên, ngay trong chiều 19/7, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có ý kiến giải trình. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh, dù quyết định vấp phản ý kiến của một số doanh nghiệp nhưng quan điểm của địa phương là cần phải kiên quyết thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, đặc biệt là để duy trì sản xuất trong các khu công nghiệp.

"Doanh nghiệp nào đủ điều kiện áp dụng “3 tại chỗ” và “3 cùng”, đủ điều kiện đưa đón công nhân thì cho phép hoạt động, còn doanh nghiệp nào không đủ điều kiện thì phải tạm dừng sản xuất theo quy định. Doanh nghiệp phải đồng hành, chia sẻ cùng địa phương, chỉ cần 1 ca F0 trong khu công nghiệp, trong doanh nghiệp thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Việc làm này cũng mục đích duy nhất là bảo vệ người lao động, lực lượng sản xuất nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp", Phó Chủ tịch Nguyễn Công Vinh khẳng định.

Theo thống kê của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh đã có 65 doanh nghiệp với hơn 6.000 người lao động đang thực hiện "3 tại chỗ" và "3 cùng". Riêng Công ty Hóa dầu miền nam với hơn 10.000 công nhân cũng đang sắp xếp để người lao động ăn, ở, làm việc tại công ty. Công ty cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính cho toàn bộ lao động.

Đối với các doanh nghiệp không thể bố trí cho công nhân ăn, ở tại chỗ thì ngoài việc bố trí xe đưa đón, còn phải chú ý số lượng công nhân đang ở tại các khu nhà trọ. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các ngành chức năng làm việc với các chủ nhà trọ để bảo đảm an toàn cho người lao động, hạn chế người lao động di chuyển nhiều điểm, tiếp xúc nhiều người, nguy cơ lây nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.