23/01/2025 lúc 07:09 (GMT+7)
Breaking News

An ninh khu vực toàn diện và trật tự tương lai châu Á

Đông Á có thể sử dụng vị thế lãnh đạo các tổ chức khu vực và đa phương năm 2023 để hướng tới xây dựng an ninh khu vực toàn diện.
Thành công của G20, APEC và Hội nghị ASEAN vừa qua cho thấy các nước Đông Á có đủ khả năng tìm kiếm, khơi gợi đồng thuận trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. (Nguồn: EPA/EFE)

Thành công và cơ hội

Thành công của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan tháng trước đã thu hút sự chú ý của thế giới. Nó cho thấy Đông Á (bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác) hoàn toàn có đủ năng lực xây dựng đồng thuận trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang ngày một gia tăng.

Trong bối cảnh Ấn Độ trở thành Chủ tịch G20, Indonesia nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN và Nhật Bản làm Chủ tịch G7, năm 2023 sẽ mang đến cho khu vực này một cơ hội đặc biệt để tận dụng lợi thế và định hình chương trình nghị sự đa phương cho phần còn lại của thập kỷ.

Đông Á là một trong những nơi mà chủ nghĩa đa phương và hội nhập quốc tế vẫn còn cơ hội chống lại chủ nghĩa bảo hộ và dân tộc quá khích. Các thể chế đa phương được phát triển tại châu Á như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)-là những công cụ mạnh mẽ để tăng cường hội nhập trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế thông qua xây dựng quy tắc đa phương và hợp tác.

Tuy nhiên, Đông Á cũng đang bị mắc kẹt ở tâm điểm của căng thẳng địa chiến lược. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đơn phương bảo đảm khả năng phục hồi, chống chịu và chủ quyền của mình. Thay vào đó, sức mạnh và an ninh chỉ có thể được tìm thấy thông qua hợp tác, trong một cách tiếp cận toàn diện. Khả năng phục hồi của một quốc gia trước tác động của biến đổi khí hậu, hay việc có thể tiếp cận các thị trường năng lượng, thực phẩm tự do hay không tác động đến các quốc gia khác.

Khái niệm mới mà cũ

Có lẽ, đã đến lúc khu vực và thế giới nên suy nghĩ lại, không chỉ về an ninh quốc gia, an ninh quân sự, mà còn về cách tăng cường an ninh khu vực toàn diện. Đây là một ý tưởng đa diện, bao gồm tất cả các cấu phần của an ninh-quân sự, kinh tế, môi trường và xã hội-dựa trên hiểu biết rằng những lợi ích này chỉ có thể được bảo đảm thông qua hợp tác trong một hệ thống khu vực hợp tác tích cực về chính trị và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Trên thực tế, an ninh khu vực toàn diện từ lâu đã là một đặc điểm trong tư duy chính sách tại Đông Á. Thực tế cho thấy, ngay cả khi các cải cách cấu trúc và kinh tế, động lực quan trọng đằng sau tăng trưởng thần kỳ của châu Á hậu Thế chiến II, xuất phát từ chính phủ từng nước, song chúng đều được hỗ trợ và thúc đẩy bởi các thể chế đa phương và hỗ trợ chính trị thông qua hợp tác khu vực và quốc tế. Thông qua việc đưa các nền kinh tế xích lại gần nhau hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, xây dựng thói quen hợp tác và đồng thuận, cấu trúc kinh tế Đông Á đã hình thành dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau trong khu vực.

Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á của ASEAN-một bộ quy tắc ràng buộc pháp lý cho các mối quan hệ giữa các nước ký kết-đã tìm cách “thúc đẩy hòa bình vĩnh viễn, tình hữu nghị và hợp tác lâu dài” từ năm 1976.

Hiện hiệp ước này có 49 thành viên từ nhiều châu lục, phản ánh giá trị xuyên lục địa của các nguyên tắc trong hiệp ước. Sự ra đời của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lấy ASEAN làm trung tâm, đi kèm một nền tảng dành riêng để tăng cường hợp tác kinh tế là cơ hội để thúc đẩy cấu phần kinh tế trong khái niệm an ninh khu vực toàn diện.

Tuy nhiên, xuyên suốt chiều dài lịch sử hậu Thế chiến II, khu vực này thường bị chi phối bởi khuôn khổ liên minh của Mỹ. Trong bối cảnh các hành động của Mỹ tại khu vực đang ngày càng tập trung vào kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc, Đông Á đang trở thành chiến trường mới cho cạnh tranh nước lớn. Đáng ngại hơn, nhiều quốc gia đang đứng trước lời mời “chọn bên”. Điều này có thể gây xói mòn chủ quyền, ảnh hưởng tới năng lực bảo đảm an ninh toàn diện của chính họ.

May mắn thay, các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước bên lề thượng đỉnh tháng 11 vừa qua tại Đông Nam Á cho thấy dường như vẫn còn một con đường hướng tới đối thoại cởi mở, giải quyết tranh chấp vào thời điểm phù hợp.

Khi đó, các nước Đông Á có thể sử dụng vị thế lãnh đạo các tổ chức khu vực và đa phương năm 2023 để thiết lập một chương trình nghị sự cho khu vực, với ASEAN và đối tác cùng hợp tác hướng tới xây dựng an ninh khu vực toàn diện.

Bằng cách chứng minh rằng sự hợp tác trên một loạt các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn có thể thành công trước áp lực địa chính trị, Đông Á có thể bắt đầu quá trình chuyển đổi sang một trật tự khu vực đa cực, ổn định, qua đó vạch ra con đường cho phần còn lại của thế giới cùng tiến bước.

... Theo baoquocte.vn