29/03/2024 lúc 14:29 (GMT+7)
Breaking News

An ninh chính trị thế giới 2023 và những tác động đến Việt Nam

Trước những biến động lớn của thế giới, Việt Nam không chọn phe, chọn bên mà chọn chính nghĩa, hòa bình, đối thoại và luật pháp quốc tế, đa dạng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, vì hòa bình và phát triển của đất nước.

Bài viết khái quát bối cảnh thế giới đầy biến động của năm 2022: đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, xung đột vũ trang Nga - Ucraina... đã và đang làm cho cục diện thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế, tác động đến an ninh - chính trị Việt Nam. Trước những biến động lớn của thế giới, Việt Nam không chọn phe, chọn bên mà chọn chính nghĩa, hòa bình, đối thoại và luật pháp quốc tế, đa dạng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, vì hòa bình và phát triển của đất nước.

1. Tình hình an ninh - chính trị thế giới năm 2022

Đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, xung đột vũ trang Nga-Ucraina đã và đang làm cho cục diện thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Nhận định của Đại hội XIII về cục diện thế giới: “hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”(1) cơ bản vẫn phản ánh đúng bối cảnh quốc tế, nhưng xuất hiện nhiều thách thức mới.

Thứ nhất, thế giới đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch Covid-19

Ba năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đang dần trở lại cuộc sống bình thường, nhiều quốc gia đã bãi bỏ lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại. Nỗ lực mở cửa trở lại là nhờ đã tìm ra và phát triển vắc xin Covid-19, phương tiện hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch bệnh, giảm bớt số ca nhập viện và tử vong. Tháng 3-2022, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, gần 90% dân số toàn cầu đã có kháng thể chống lại virus corona thông qua tiêm chủng hay đã từng bị mắc trước đó. Ngày 12-12-2022, Giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) cho rằng còn quá sớm để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Covid-19. Hiện vẫn còn hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron đang lưu hành, nhưng không có dòng nào được chỉ định là biến thể mới cần quan tâm. Tuy vậy, triển vọng kết thúc đại dịch trong năm mới 2023 là tương đối khả quan. Trung Quốc mới đây cũng bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch để hướng tới mở cửa trở lại.

Thứ hai, xung đột Nga - Ucraina

Xung đột Nga - Ucraina là biến cố xảy ra ngoài dự báo của dư luận quốc tế, được coi là sự kiện địa chính trị lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Sự kiện này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, trật tự an ninh không chỉ ở châu Âu mà còn làm thay đổi cục diện thế giới, làm lung lay một số nền tảng quan hệ quốc tế, khiến quan hệ giữa Mỹ, phương Tây với Nga bước sang giai đoạn đối đầu căng thẳng. Các nước lớn tiếp tục xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh, giành giật ảnh hưởng, trong đó cạnh tranh có phần nổi trội hơn.

Bốn vùng thuộc Ucraina gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào cuối tháng 9. Mỹ và đồng minh đã áp một loạt biện pháp trừng phạt Nga. Liên minh châu Âu cấp quy chế ứng viên gia nhập khối cho Ucraina, trong khi Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin vào NATO. Xung đột đã đẩy giá lương thực lên cao và làm leo thang giá năng lượng thế giới khi Nga siết chặt nguồn cung cho châu Âu để trả đũa những lệnh cấm vận. Những điều chỉnh chính sách của các nước xung quanh vấn đề Nga - Ucraina có nguy cơ dẫn thế giới đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn, thậm chí là chiến tranh hạt nhân hủy diệt toàn bộ mọi thành quả phát triển của nhân loại. Ngoài ra, cuộc xung đột đang khiến hàng triệu người phải sống trong nghèo đói, khổ đau ở nhiều nước, khu vực trên thế giới.

Thứ ba, bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Ngày 8-11, cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ, bầu chọn lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện, 36 thống đốc bang và hàng nghìn quan chức địa phương. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao và chi phí sinh hoạt tăng cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua. Đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden giữ được quyền lãnh đạo Thượng viện, do giành được 50/100 ghế, đây là chiến thắng bất ngờ so với các lần bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ trước đây. Đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Hạ viện từ Đảng Dân chủ khi giành được 218/435 ghế. Kết quả này có thể giúp phe Bảo thủ làm lu mờ chương trình nghị sự sắp tới của Tổng thống Biden, gây khó khăn cho việc thông qua những đề xuất chính sách của ông trong hai năm cuối nhiệm kỳ.

Thứ tư, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX thành công

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX diễn ra từ ngày 16 đến 22-10 tại thủ đô Bắc Kinh, với sự tham gia của khoảng 2.300 đại biểu. Các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XX. Trong phiên họp toàn thể lần thứ nhất diễn ra ngày 23-10, Ban Chấp hành Trung ương khóa XX đã bầu Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị. Ông Tập Cận Bình tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư. Đại hội XX là sự kiện hết sức quan trọng đối với Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc, cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu “100 năm” thứ hai, xây dựng quốc gia thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt thông qua con đường hiện đại hóa mang màu sắc Trung Quốc.

Thứ năm, căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan

Tối 2-8, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cùng đoàn các nghị sĩ Mỹ đã tới Đài Loan (Trung Quốc), trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm vùng lãnh thổ này trong 25 năm. Chuyến thăm kéo theo một làn sóng quan điểm trái chiều, cũng như những chỉ trích và hành động phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã đình chỉ nhiều quan hệ hợp tác với Mỹ. Quân đội Trung Quốc cũng tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quanh Đài Loan. Tuy nhiên, tình hình sau đó đã dịu bớt. Hôm 14-11, tại Bali (Inđônêxia), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp gỡ trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thông cáo của Nhà Trắng về cuộc hội đàm nêu “Tổng thống Biden nhấn mạnh, việc cạnh tranh không nên phát triển thành một sự xung đột và Mỹ cùng Trung Quốc cần quản trị sự cạnh tranh một cách có trách nhiệm, cũng như duy trì những đường dây liên lạc cởi mở”(2).

Thứ sáu, Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo khiến thế giới lo ngại

Năm 2022, Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo với tần suất cao kỷ lục, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh nhiều lần tổ chức tập trận quy mô lớn trong khu vực. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố mục tiêu cuối cùng của nước này là sở hữu lực lượng hạt nhân chưa từng có và mạnh nhất thế giới. Tuyên bố được đưa ra sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 và cam kết đáp trả các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ bằng chính vũ khí hạt nhân. Vấn đề Triều Tiên một lần nữa phủ bóng nhiều sự kiện của các nhà lãnh đạo thế giới trong năm 2022, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11 ở Bali, Inđônêxia. Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, sự việc có thể chưa dừng lại ở những vụ thử tên lửa đạn đạo. Mỹ nhận định rằng, Triều Tiên đã hoàn tất quá trình chuẩn bị và có thể sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của nước này vào bất kỳ lúc nào.

Nhìn chung, những diễn biến nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động đến an ninh - chính trị cả cơ hội và thách thức đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, trong đó thách thức có phần lớn hơn.

2. Dự báo tình hình thế giới năm 2023

Thế giới chào đón năm 2023 với những hy vọng mới, tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề từ năm 2022 đầy biến động, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cục diện an ninh - chính trị toàn cầu, trong đó phải kể đến xung đột tại Ucraina, căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu.

Một là, xung đột Nga - Ucraina khó đàm phán

Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định, đàm phán giữa các bên rất khó xảy ra trong tương lai gần, mặc dù mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến tại Ucraina. Ucraina, với sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây và Nga sau gần một năm giao tranh vẫn đang trong thế giằng co, chưa bên nào nhượng bộ.

Hai là, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây vẫn tiếp tục tác động đến tình hình thế giới

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 cho thấy hai bên đều mong muốn cứu vãn quan hệ song phương đang lao dốc. Nhưng cuộc gặp chỉ giảm bớt phần nào những căng thẳng giữa hai quốc gia và vẫn còn đó nhiều “ngòi nổ” bất ổn. Đáng chú ý, Trung Quốc được dự đoán tiếp tục tăng cường năng lực quân sự với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt tại khu vực Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước đối tác trong khu vực thúc đẩy khả năng quốc phòng với các liên minh như AUKUS (gồm Ôxtrâylia, Anh, Mỹ) hay Quad (gồm Ôxtrâylia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ).

Ba là, nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục trầm trọng

Kinh tế thế giới trong năm 2023 vẫn đối mặt nhiều thách thức. Trung Quốc - trung tâm sản xuất toàn cầu, dù đã nới lỏng hạn chế phòng dịch Covid-19 nhưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Trong khi một số nước thu nhập thấp gặp khó khăn trước việc giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, chủ yếu do cú sốc kinh tế từ xung đột Nga - Ucraina, thì chính phủ một số nước thu nhập cao đang thúc đẩy cùng lúc các gói kích thích kinh tế nhằm giúp người dân và các công ty đối mặt với cơn bão kinh tế này. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, sức mua của người dân đang giảm dần, tiền lương không theo kịp với sự tăng giá nhà ở và các hàng hóa cơ bản. Năm 2023, việc kiểm soát lạm phát trong khi duy trì số lượng việc làm ở mức cao sẽ là bài toán khó khăn với chính phủ các nước.

3. Tác động của bối cảnh quốc tế đến Việt Nam và đối sách

Thuận lợi

Sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cục diện thế giới đầy biến động hiện nay, Việt Nam cũng có những lợi thế rất cơ bản. Đó là:

Một là, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cục diện cạnh tranh và thỏa hiệp giữa các nước lớn cho phép Việt Nam có điều kiện lựa chọn những kế sách phù hợp, thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” để không bị chi phối trong quan hệ quốc tế, giảm sức ép của các nước lớn; thúc đẩy quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước lớn, trên các vấn đề lợi ích chiến lược; qua đó, kiềm chế, đẩy lùi âm mưu, ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Hai là, với sự ổn định về chính trị, thế và lực của Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, do vậy, cộng đồng quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác cũng như tham gia xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu. Việt Nam là thành viên đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và nhiều tổ chức khu vực khác. Trong nhìn nhận của các nước, Việt Nam là một trong những nước có ảnh hưởng mang tính “dẫn dắt” trong ASEAN. Do đó, trong chính sách của các nước, nhất là các nước lớn đối với khu vực, Việt Nam có vị trí tương đối quan trọng, được các nước coi là một đối tác cần tăng cường, là nhân tố góp phần kết nối quan hệ của các nước với ASEAN(3). Đây chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát huy vị thế, lựa chọn những chính sách phù hợp trong hội nhập, phát triển.

Ba là, là nước có sự phát triển nhanh về công nghệ thông tin nên Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để tiếp cận công nghệ, tranh thủ thị trường, tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, cũng như ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới, tạo sức đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng - an ninh, góp phần tích cực trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới.

Hơn nữa, khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sự hội tụ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và các nước ASEAN sẽ giúp mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ và tận dụng nguồn lực từ bên ngoài, góp phần nâng cao sức mạnh quốc gia của Việt Nam.

Khó khăn, thách thức

Bên cạnh mặt thuận lợi căn bản trên, Việt Nam cũng sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, như:

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tại khu vực đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn quá trình tập hợp lực lượng, tìm cách lôi kéo các đối tác, tạo nên áp lực không nhỏ đối với các nước trong việc “chọn bên”. Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt, không loại trừ các nước lớn thỏa hiệp với nhau, ảnh hưởng đến lợi ích của các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, những tác động tiêu cực do chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ đối với Việt Nam là không hề nhỏ.

Việt Nam có vị trí địa lý đặc thù, chịu tác động lớn từ các thách thức an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực. Xu hướng già hóa dân số nhanh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh, an ninh mạng, biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... tác động ngày càng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước. Chẳng hạn với vấn đề khí hậu, một số đánh giá cho rằng, tác động của vấn đề này tới đây sẽ còn lớn hơn nhiều và thay vì đặt vấn đề “biến đổi” cần xác định nhân loại đang đối mặt với “thảm họa khí hậu”. Tình hình Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước... đặt ra nhiều thách thức, thậm chí nguy cơ bùng phát thành xung đột không thể loại trừ.

Hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp chưa cao. Những nguy cơ suy thoái, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao... cả ngắn và trung hạn đều tác động không thuận đến hội nhập và phát triển của Việt Nam. Nền kinh tế nước ta còn phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, lại gặp nhiều khó khăn mới do tác động của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống khác gây ra. Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các nước khác về các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thách thức đặt ra đối với việc giữ gìn ổn định vĩ mô để bảo đảm độc lập, tự chủ trong hội nhập là: Việt Nam phải nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đồng thời giải quyết một số hậu quả không mong muốn. Chẳng hạn như Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và thặng dư thương mại với Mỹ do mở rộng cơ sở sản xuất và năng lực xuất khẩu(4). Việc chuyển đổi cơ cấu vẫn chưa hoàn chỉnh, với một sân chơi vẫn chưa đồng đều giữa doanh nhiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân...

Đối sách của Việt Nam

Cục diện thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh, hội nhập và phát triển của Việt Nam. Tính bất định, khó dự báo của các khuynh hướng phát triển toàn cầu đang đưa đến những rủi ro không nhỏ đối với quá trình hội nhập, phát triển của đất nước. Điều này đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm kỹ càng hơn, tìm ra những đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động phức tạp, khó lường hiện nay.

Trước hết, bối cảnh quốc tế hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển cơ sở lý luận về độc lập, tự chủ, đánh giá một cách kỹ lưỡng các bài học thực tiễn của Việt Nam cũng như quốc tế, đưa ra những dự báo chính xác về các xu hướng thế giới cùng tác động của chúng đối với Việt Nam. Từ đó, đề xuất những điều chỉnh bổ sung cần thiết để thực hiện thắng lợi đường lối độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế và sức mạnh quốc gia, đưa đất nước phát triển bền vững.

Thứ hai, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, không tránh khỏi việc quốc gia chịu tác động tiêu cực bởi những biến động, khủng hoảng quốc tế, chịu sức ép phụ thuộc và có thể là sự can thiệp ở mức độ nào đó từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể có và không thể giữ được độc lập, tự chủ khi hội nhập sâu rộng, hay muốn giữ độc lập tự chủ thì không nên hội nhập sâu rộng. Quốc gia chịu tác động, phụ thuộc như thế nào, ở mức độ nào tùy thuộc vào năng lực tự chủ, tự cường, sức chống chịu của quốc gia và sự lựa chọn chính sách, tiến trình, bước đi, sân chơi trong hội nhập.

Thứ ba, để bảo đảm độc lập, tự chủ thì cần tránh dựa dẫm, lệ thuộc vào bất kỳ đối tác, thị trường cụ thể nào, trên bất cứ lĩnh vực nào mà cần đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đối tác, thị trường, nhất là không gắn mình, lệ thuộc vào các đối tác lớn, có vai trò và ý nghĩa chiến lược. Muốn giữ được độc lập, tự chủ thì trong chiến lược, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong chính sách đối ngoại nói riêng cần nắm vững quan điểm kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó dựa vào sức mình, dựa vào nội lực đất nước là chính, khơi dậy và phát huy cao độ nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực.

Trong bối cảnh cục diện thế giới đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh, hợp tác, phát triển của mỗi quốc gia cũng như vận mệnh của toàn nhân loại, Việt Nam cần có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với từng đối tác, không thể có một chính sách chung cho quan hệ với tất cả các nước. Trước những biến động lớn của thế giới, Việt Nam không chọn phe, chọn bên mà chọn chính nghĩa, hòa bình, đối thoại và luật pháp quốc tế. Việt Nam tôn trọng sự lựa chọn của các quốc gia. Đây chính là triết lý của đối ngoại Việt Nam, đa dạng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, mọi lựa chọn đều ưu tiên cho lợi ích quốc gia, vì hòa bình và phát triển của đất nước.

_________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105.

(2) Dẫn theo Vietnamnet: 10 sự kiện định hình bức tranh thế giới năm 2022, https://vietnamnet.vn/10-su-kien-dinh-hinh-buc-tranh-the-gioi-nam-2022-2094191.html.

(3) “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 6-2019 đã 23 lần đề cập đến Việt Nam, thậm chí xếp Việt Nam trước cả các đối tác quan trọng khác của Mỹ trong ASEAN là Xinhgapo và Inđônêxia.

(4) Dẫn theo Jongsoo Lee: “Vietnam, ASEAN, and the US-China Rivalry in the Indo-Pacific”, The Diplomat, 13/03/2021, https://thediplomat.com/

2021/03/vietnam-asean-and-the-us-china-rivalry-in-the-indo-pacific/.

PGS, TS THÁI VĂN LONG

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...