27/12/2024 lúc 14:56 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: Hướng tới kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững

“Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” là chủ đề nổi bật xuyên suốt những năm qua, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, MTTQ và đoàn thể các cấp lãnh, chỉ đạo hiệu quả, giúp người tiêu dùng nhận thức đầy đủ quyền lợi chính đáng của mình; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững.

Những năm qua, Hội Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng tỉnh An Giang đã bám sát tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ và đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong các nhiệm vụ được giao, trong đó đặc biệt tập trung bảo vệ quyền lợi chân chính của người tiêu dùng, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.

Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái trong cuộc đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng...

Từ ngày được thành lập, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang phát huy mạnh mẽ vai trò là nòng cốt trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đơn vị phối hợp Sở Công Thương tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng, chống hàng gian, hàng giả; hướng dẫn kỹ năng chăm sóc khách hàng, kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm... Duy trì hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; tiếp tục triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả và thịt heo, để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm tốt nhất. Thông tin kịp thời, đầy đủ về hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất… để mọi người biết rõ. Thông tin tiêu chuẩn chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất, nhất là hàng hóa, sản phẩm liên quan trực tiếp tới đời sống người lao động (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu). Đồng thời, hỗ trợ DN, nhà sản xuất truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp (DN) đến người tiêu dùng. Có thể thấy, hàng hóa mang thương hiệu Việt ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã. DN đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với lợi ích của người tiêu dùng, mạnh dạn đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý, khuyến mãi, tri ân khách hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN và toàn xã hội tích cực hưởng ứng cuộc vận động; ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng sản xuất trong tỉnh, sản phẩm OCOP địa phương. Tỉnh còn hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Một trong những hoạt động nổi bật là Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp UBMTTQVN tỉnh, Siêu thị Tứ Sơn, các đơn vị liên quan và UBND địa phương tổ chức. Nhiều phiên chợ, chuyến hàng Việt lưu động đã đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam đến với bà con. Chương trình tác động tích cực, nâng cao nhận thức của người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh tổ chức hơn 100 chuyến hàng Việt, thu hút hơn 98.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Thời điểm Tết, hoạt động gian lận thương mại “nóng” nhất trong năm, bởi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao. Để kiểm soát tình trạng này, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, đơn vị tiếp tục tăng cường giám sát, phối hợp kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; xử lý hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường mạng. Thanh, kiểm tra về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, hoạt động kinh doanh ngày càng phong phú với nhiều phương thức, giao dịch. Điều này đòi hỏi bên cạnh sự quản lý từ cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng cũng cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái trong cuộc đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng; kỹ lưỡng lựa chọn hàng hóa; chủ động phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước khi nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hành vi gian lận thương mại. DN cần cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.