VNHN - Sáng ngày 08/2 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy An Giang đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nhằm đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra và những ảnh hưởng đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng chủ trì hội nghị .
Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước đã báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước báo cáo tại hội nghị.
Theo đó, đến 07 giờ sáng ngày 07/2, tỉnh An Giang chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm bệnh nCoV, chỉ có 01 trường hợp nghi ngờ tại Bệnh viện đa khoa trung tâm vào viện ngày 02/2, bệnh nhân đã được Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm với kết quả âm tính với nCoV.
Về lao động nước ngoài đang làm việc tại An Giang, tính đến ngày 06/2, có 157 lao động là người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh, trong đó có 47 lao động là người Trung Quốc. Cụ thể, số lao động người nước ngoài ngoài khu công nghiệp là 64 người, trong đó có 16 lao động Trung Quốc, 48 người lao động quốc tịch khác ( Ấn Độ 18, Anh 01, Ghana 01, Hàn Quốc 03, Mỹ 01, Isael 01, Kenya 01, Nhật Bản 13, Pháp 02, Philippin 03, Úc 04) ; số lao động người nước ngoài trong khu công nghiệp là 93 người (trong đó có Trung Quốc 31, Hàn Quốc 18, Thái Lan 41, Philippine 03). UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh và các đơn vị liên quan có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cách ly tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời theo dõi, kiểm tra sức khỏe trong 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam. UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác thông tin và truyền thông đã triển khai kịp thời giúp người dân tránh hoang mang, lo lắng; đồng thời đã xử phạt hành chính 01 cá nhân đã đăng tải thông tin không chính xác về tình hình nCoV trên địa bàn tỉnh.
Đối với sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm lúa và một số loại cây ăn trái (xoài, chuối). Các sản phẩm chăn nuôi ít bị ảnh hưởng do thị trường tiêu thụ chủ yếu là thị trường nội địa. Sản phẩm cá tra xuất sang thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lớn, có khả năng các đơn hàng xuất khẩu sẽ giảm từ 30-40% so kế hoạch. Các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ, Úc, Châu Âu… vẫn ổn định.
Đối với hoạt động du lịch, theo kết quả thống kê của các ngành chức năng và các địa phương, lượt khách du lịch, tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 10% đến 50% so thời điểm Tết Nguyên đán.
Nhận định về tác động của dịch bệnh đối với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 đề ra tăng trưởng GRDP đạt từ 7% đến 8%. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV gây ra, nên dự kiến GRDP sẽ giảm khoảng 0,128% so kế hoạch, trong đó, chủ yếu giảm khu vực nông – lâm – thủy sản giảm 0,038% và khu vực công nghiệp giảm 0,09%.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị các Sở, Ban, Ngành và địa phương căn cứ vào các chỉ đạo của Trung ương cũng như của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để rà soát, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời vừa đảm bảo phát triển kinh tế của tỉnh, để kết thúc năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ đạt kết quả tốt. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phân công nhiệm vụ trọng tâm cho các Sở, Ban, Ngành và địa phương đối với công tác vừa phòng, chống dịch nCoV.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế tỉnh tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin để người dân rõ hơn về cách thức phòng bệnh. Ngành thông tin và truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động phòng dịch, không hoang mang, an tâm sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với tình hình dịch bệnh. Ngành công thương phối hợp với các ngành liên quan có kế hoạch tiêu thụ nông sản (xoài, cá, lúa, nếp) tốt nhất cho người dân trong giai đoạn còn dịch bệnh…
Ủy v TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đã biểu dương các đơn vị đã nắm chắc tình hình, đã có sự chủ động trong triển khai phòng, chống dịch.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu “các cấp ủy, các cơ quan, ban, ngành cùng nhận thức rõ xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị; vừa phòng, chống dịch nhưng phải vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch. Người đứng đầu cấp ủy các cấp và người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, đơn vị mình phụ trách. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quán triệt trong nội bộ và nhân dân về yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần chủ động, quyết liệt để đảm bảo sức khỏe của người dân; thực hiện các giải pháp hiệu quả để phòng, chống dịch giúp kinh tế của tỉnh ít bị ảnh hưởng và kinh tế phục hồi nhanh sau dịch bệnh”, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy An Giang cũng yêu cầu, tiếp tục tập trung công tác truyền thông đúng mức trong nhân dân về tình hình dịch bệnh để nhân dân chủ động phòng dịch, tránh hoang mang để nhân dân an tâm sản xuất kinh doanh. Đối với hoạt động du lịch, cần có thái độ đúng mức với các du khách nước ngoài để vừa tạo được sự hài lòng cho du khách vừa đảm bảo tốt việc phòng dịch.
Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, cơ số thuốc để sẵn sàng điều trị khi phát sinh dịch bệnh, không để lây lan, đặc biệt là các nơi như cửa khẩu, điểm du lịch, doanh trại của lực lượng vũ trang… Đồng thời, đảm bảo tốt công tác vệ sinh cho trường học khi học sinh trở lại lớp.
Đối với các dự án không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp triển khai để dự án đảm bảo đúng tiến độ. Công tác bảo an sinh xã hội cần được quan tâm, nhất là các đối tượng dễ bị tác động để đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin rằng tỉnh An Giang sẽ vượt qua được dịch bệnh và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2020 ./.