05/07/2024 lúc 15:29 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: 5 đơn vị ký kết phối hợp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Buổi ký kết phối hợp triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2023 – 2025 vừa được triển khai vào chiều 17/7 vừa qua.

Quang cảnh buổi ký kết phối hợp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2023 – 2025 – (Ảnh: Internet)

Cụ thể, tại buổi ký kết đã có sự thống nhất từ 5 đơn vị là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang và Sở Công Thương An Giang, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang.

Theo đó, 6 nội dung trọng yếu đã được thông qua. Phải kể đến là nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại thông qua việc đẩy mạnh thông tin, truyền thông. Bên cạnh đó là chú trọng vào đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về thanh toán không dùng tiền mặt. Đề ra các giải pháp thiết thực khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Đi liền với phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán điện tử. Chú trọng vào việc triển khai các chương trình, sự kiện kích cầu thanh toán điện tử. Đặc biệt là đảm bảo an ninh, an toàn, minh bạch và bảo mật thông tin trong các giao dịch sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

5 đơn vị đã ký kết phối hợp thực hiện 6 nội dung trong phát triển dự án thanh toán không dùng tiền mặt – (Ảnh: Internet)

Ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Đề án đã đưa ra mục tiêu tổng quát nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, MobileBanking, InternetBanking... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ hiện nay./.

Hoàng Châu