03/05/2024 lúc 15:32 (GMT+7)
Breaking News

Ấm áp Tết cổ truyền của Kiều bào Hải Phòng tại các nước

VNHN – Ngày Tết quê hương vẫn còn vương vấn trong những ngày đầu xuân, những câu chuyện đầu năm thật ấm áp tình người và lưu giữ nét cổ truyền của Văn hóa Tết Việt của những người con Hải Phòng, là những Kiều bào hiện đang sống, làm việc và học tập tại các nước khi không có cơ hội để về nhà đón Tết.

VNHN – Ngày Tết quê hương vẫn còn vương vấn trong những ngày đầu xuân, những câu chuyện đầu năm thật ấm áp tình người và lưu giữ nét cổ truyền của Văn hóa Tết Việt của những người con Hải Phòng, là những Kiều bào hiện đang sống, làm việc và học tập tại các nước khi không có cơ hội để về nhà đón Tết.

Đối với người Việt, Tết được coi là ngày lễ lớn nhất trong năm để được quây quần, đoàn tụ cùng gia đình và những người thân sau những ngày làm việc vất vả. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển và hội nhập, Tết hiện nay đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Không chỉ tại Việt Nam nói chung, Tp Hải Phòng nói riêng, Tết cổ truyền được lưu giữ như một món quà tinh thần ấm áp, yêu thương của những người con xa quê tại các nước. Và chính những người con ấy cũng không hề làm mất đi bản sắc Tết Việt. Những nét đẹp văn hóa truyền thống mà những người Hải Phòng tại các nước không quên gìn giữ; những người bạn quốc tế cũng vui mừng tham gia cùng họ. Hành động đó không chỉ thể hiện tình yêu quê hương mà còn gắn kết tình đoàn kết hữu nghị giữa các nước.

Tại Mỹ, người Hải Phòng sinh sống khá nhiều, các khu chợ Việt cũng bán đầy đủ các loại sản phẩm Tết như hoa đào, hoa mai, các loại mứt,... họ cũng cùng nhau đón Tết cổ truyền cùng ngày như ở Việt Nam. Những người dân Mỹ cũng cùng chung vui với không khí chào đón năm mới. Đến với gia đình chị Lưu Thị Hương Mỹ (đến từ Thủy Nguyên, Hải Phòng) và anh Stephen Massey (sinh năm 1985, hiện đang công tác trong Quân đội Mỹ) trong không khí ấm cúng, ngập tràn sự sẻ chia và yêu thương của không khí Tết. Anh và chị đã cùng nhau đón được hai Tết cổ truyền. Anh là người rất cởi mở, ăn được nhiều món ăn Việt Nam, rất thích món Việt. Năm đầu tiên đón Tết ở Việt Nam, anh đặc biệt thích các món ăn ngày Tết như bánh chưng, hành muối, cà muối. Anh cũng tìm hiểu và rất tôn trọng văn hóa Việt Nam, anh đã cùng chị chuẩn bị rất nhiều việc cho tết như chọn đào, quất, lấy đất trồng cây…rồi cũng lì xì người thân, người già và trẻ em, đi chúc tết họ hàng, làng xóm cùng chị.

Năm nay, vợ chồng chị đón Tết tại Mỹ, quê hương của anh, biết chị nhớ nhà và nhớ Tết, anh đã đề nghị cùng chị chuẩn bị cho Tết rất ý nghĩa và ấm ấp. Chị chia sẻ trong niềm hạnh phúc: “Hai vợ chồng gói bánh chưng cùng nhau, anh đưa chị đi tìm mua lá chuối ở chợ Châu Á về gói rồi cùng nhau chuẩn bị. Đây là lần đầu tiên gói bánh, anh chị cùng lên internet học cách gói, chị gói bánh Tét còn anh gói bánh Chưng, tuy không vuông đẹp, nhưng gói rất chặt tay và anh rất phấn khởi khi được chuẩn bị tổ chức Tết Nguyên Đán cùng vợ tại quê hương anh. Anh cùng chị luộc bánh trong 12 tiếng liền, cùng dọn dẹp, chị cũng chuẩn bị một vài món truyền thống của Việt Nam”.

Sự yêu thương và ấm áp từ anh, đã giúp chị có được những ngày Tết xa quê thật ý nghĩa và hạnh phúc. Cũng may mắn thay, anh vẫn đang trong giai đoạn nghỉ phép nên những ngày này chị Mỹ cũng có cảm giác như cả gia đình cùng được nghỉ ngơi, sum vầy. Chị Mỹ đau đáu một niềm mong muốn: “Chị muốn cùng nhau giữ truyền thống của quê hương để sau này chồng và con mình cùng biết và nhớ về phong tục tập quán của người Việt Nam mình”.

Anh Stephen Messey trong những khoảnh khắc vui vẻ, ngộ nghĩnh khi đón Tết cổ truyền tại Hải Phòng, Việt Nam và tại New York, Mỹ cùng vợ

Đến với nước Nga xinh đẹp, người Hải Phòng sinh sống tập trung khá đông tại Tp Moscow. Họ sống cùng với người Nga tại các chung cư gồm 3 đến 4 hộ, được gọi là các Đôm. Hầu hết những người Hải Phòng tại đây đều giữ gìn và duy trì những nét văn hóa cổ truyền như ở Việt Nam. Họ duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mỗi hộ đều có ban thờ gia tiên, có hương nhang và tất cả những ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc đều được những người Hải Phòng đang sống và làm việc tại đây lưu giữ.

Ban thờ gia tiên và không khí Tết cổ truyền như ở Việt Nam

Từ ngày 23 Tết họ cũng làm lễ cúng Ông Công Ông Táo tiễn năm cũ, dọn dẹp ban thờ…Trong giao thừa họ cùng nhau xuống trước các Đôm để bắn pháo hoa chào đón năm mới; những ngày Tết họ sang nhà nhau để chúc mừng năm mới, lì xì cho người già và trẻ nhỏ; những bữa tiệc thân mật họ tổ chức cùng nhau và có mời người Nga thân thiết để cùng chung vui.

Bánh Chưng là một món truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết, chị Đồng Thị Dung (quê ở Cát Bi, Hải Phòng) chi sẻ: “Tết cũng như ở Việt Nam, chỉ là không được nghỉ nếu vào những ngày làm việc. Nhưng cũng có sự chuẩn bị và kết thúc ngày làm việc thì về đón Tết. Đồ Tết được mua tại các khu chợ của người Việt bán, có gian hàng của Việt Nam, có nhà mua đồ về gói bánh Chưng, có nhà mua bánh bán sẵn, có nem và giò, có hoa đào, hoa mai…”

Hình ảnh ấm cúng ngày Tết cổ truyền tại Moscow, Liên Bang Nga của người Hải Phòng do chị Đồng Thị Dung chia sẻ

Tín ngưỡng văn hóa không chỉ được người Hải Phòng lưu giữ ở nước Nga xinh đẹp, mà tại Australia, cư dân Hải Phòng nói riêng và người Việt Nam nói chung hiện đang sống khá đông đúc, phần đều lớn theo đạo Phật. Tết cổ truyền, họ tập trung đón Tết tại một ngôi chùa lớn nhất tại Melbourne được viết bằng tiếng Việt với tên Chùa Quang Minh. Chùa được bắn pháo hoa vào lúc giao thừa, chủ yếu tập trung Người Việt tại Bang Victoria đến vui chơi và đón Tết. Người Hải Phòng tại đây cũng tham gia tại khu chợ Tết dành cho người Việt hàng năm với những khu trưng bày thân quen gợi nhớ về quê hương như “Xuân Cố đô”, các lễ hội truyền thống với múa rồng, lân và những hình ảnh tượng trưng trong dân gian Việt Nam được tổ chức chia thành 4 ngày tổ chức theo 4 khu Người Việt ở (ngày 06/01 tại St Albans, ngày 13/01 Footscray, ngày 20/01 North Richmond và đúng giao thừa ngày 02/02 tại Springvale). Họ giữ gìn những nét văn hóa cổ truyền trong những ngày lễ Tết chu đáo.

Một người con xa quê tại Mỹ Đồng, Thủy Nguyên, Hải Phòng đã học và làm việc tại Úc 5 năm chia sẻ thông tin đón Tết

Tết tại xứ sở hoa Anh Đào cũng không kém phần ấm cúng của những người sống, làm việc tại đây mà còn có cả những du học sinh. Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Nhật Bản, số người Việt hiện nay tại Nhật là 232.562 người, trong đó Việt Nam là nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Tết cổ truyền tại Nhật Bản không được nghỉ lễ như ở Việt Nam nhưng cũng được tổ chức trong không khí vui vẻ sau giờ làm, họ cũng xin nghỉ làm thêm vào ngày 30 Tết để làm Tất niên và mùng 1 Tết để đi chùa.

Chị Nguyễn Thị Hồng (Kiến An, Hải Phòng) hiện đang là giảng viên tại một trường đại học tại Tokyo chia sẻ: “Món ăn mà người Nhật thích nhất khi được tổ chức đón Tết cùng người Việt tại đây là món nem rán, người Nhật gọi là ageharumaki. Vì cũng đón Tết xa nhà quen rồi nên cũng tự tổ chức đón Tết ở đây, giao thừa cũng gọi về gia đình chúc Tết, tạo không khí như ở Việt Nam cho đỡ nhớ nhà. Dù sao cũng mong năm sau được về đón Tết ở Việt Nam”.

Chị Nguyễn Thị Hồng cùng đồng nghiệp và du học sinh tự làm mâm cỗ Tất niên với những hương vị truyền thống Việt Nam

Có thể nói, Tết được lưu giữ bởi những người con xa quê, nhưng tại đất nước này, giờ làm và giờ học rất nghiêm ngặt, chuẩn chỉ. Có những người con xa quê vì nhớ nhà nhớ quê hương, muốn về nước ăn Tết nhưng cuộc sống và học tập của họ không được nghỉ phép như tại Việt Nam. Cũng chính vì áp lực thời gian đó, họ lại trân quý và yêu thương, giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Rất đông người Việt Nam sinh sống tại Tokyo đến lễ chùa vào ngày mùng 1 Tết tại ngôi chùa này

Bạn Nguyễn Thùy Linh du học sinh năm thứ 3 tại Tokyo cho biết: “Du học xa nhà nói đúng ra thì nhiều người ko có Tết, người vẫn phải đi làm, người vẫn phải đi học. Tết năm nay vào ngày thường nên vẫn đi học, có bạn chỉ có thể xin nghỉ làm thêm vào mùng 1 Tết để đi chùa, vì điểm chuyên cần quan trọng, ảnh hưởng đến việc xin visa nên ko thể nghỉ về nước, sáng đi học chiều về đi chùa”. Tại đây, người Hải Phòng cũng như người Việt các tỉnh thành phố khác của Việt Nam cùng nhau đi lễ tại chùa Asakusa – một địa danh nổi tiếng ở Nhật Bản vào tối hoặc sáng ngày mùng 1 Tết.

Bạn Nguyễn Thùy Linh viết những lời chúc mừng năm mới khai bút cho ngày Mùng 1 Tết trong giờ giải lao tại lớp học

Cùng với không khí Tết cổ truyền ấm cúng tại đất nước mặt trời mọc, cuộc sống và không khí đón Tết của những người Hải Phòng xa quê tại Đại Hàn Dân Quốc cũng được giữ gìn. Người Hàn Quốc cũng có Tết Nguyên Đán như Việt Nam, được gọi là Seollal. Họ được nghỉ lễ trong ngày lịch đỏ nhưng chỉ một đến hai ngày và trở lại làm việc. Người Việt tại đây đi mua sắm Tết tại chợ của người Việt do người Việt bán. Họ lưu giữ những giá trị truyền thống thông qua phong tục Việt với những lời chúc Tết, quây quần ấm cúng bên mâm cơm đủ hương vị cổ truyền dân tộc và không quên gói bánh chưng. Chị Nguyễn Thị Thu Trang cùng chồng (tại Ngô Quyền, Hải Phòng) định cư tại Deagu, Hàn Quốc được 2 năm nhưng anh chị cùng người Hàn đón Tết rất chu đáo. “Tết cố gắng tìm hương vị cho khỏi nhớ nhà, cũng đi mua thịt lợn về làm giò, mứt, bánh chưng, cũng trang trí hoa mai, hoa đào…như ở Việt Nam” -  Chị Trang chia sẻ.

Không khí đón Tết của vợ chồng chị Trang cùng cư dân Hàn vô cùng vui vẻ và ấm cúng

Cũng như các quốc gia khác, người Hải Phòng tại Philippin cũng có Tết cổ truyền vô cùng ý nghĩa được tổ chức bởi Đại Sứ quán Việt Nam tại Philippin ở Tp Manila. Ngoài ra, người Hải Phòng cùng những người Việt Nam khác tại Manila cùng tham gia đón giao thừa tại chùa Fo Guang Shang hoặc vui chơi Tết tại khu phố China Town với các hoạt động tiêu biểu như múa rồng lân, đi chùa đạo sĩ Filipino Chinese Taoist (EI Cano Street)…

Chương trình tổ chức của Đại sứ Quán Việt Nam tổ chức tại Manila

Những hình ảnh đón Tết của một người Tiên Lãng, Hải Phòng tại Manila chia sẻ

Người Hải Phòng tại các quốc gia khác như Thụy Điển, Đài Loan, Myanmar..., Tết cũng không thể nào quên với họ, có thể họ không được nghỉ Tết hoặc không được chuẩn bị đón Tết như Việt Nam, vẫn phải lao động và học tập nhưng với họ cũng không bao giờ bỏ qua những lời chúc tốt đẹp về với người thân trong những ngày Tết cổ truyền./.

Trúc Đài