VNHN - Hội nghị cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra vào thời điểm rất đặc biệt, khi niềm tự hào về sự lớn mạnh của LHQ đan xen với nỗi lo lắng về bất ổn, dịch bệnh đang lan rộng trên hành tinh.
Trước tác động của đại dịch COVID-19, tại Hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ gửi video bài phát biểu thay vì trực tiếp đến trụ sở của LHQ tại New York, Mỹ. Dự kiến, khoảng 180 nguyên thủ các nước trong ngày 21/9 lần lượt đưa ra phát biểu trực tuyến tại hội nghị và mỗi nước thành viên LHQ chỉ được phép cử một đại diện ngoại giao từ phái đoàn thường trực của mình tham dự trực tiếp tại phòng họp Đại hội đồng LHQ.
Ảnh minh họa - TL
Ngày 21/9 (giờ bờ Đông của Mỹ), LHQ đã ra tuyên bố nhân kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức toàn cầu lớn nhất này, trong đó khẳng định các thách thức của thế giới đều liên quan mật thiết với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Tuyên bố nêu rõ đại dịch COVID-19, thách thức toàn cầu lớn nhất trong lịch sử LHQ, không chỉ gây nên sự chết chóc mà còn khiến cả thế giới rơi vào suy thoái kinh tế, gia tăng tình trạng đói nghèo, bất an và không có ai không bị ảnh hưởng.
Nhưng chính đại dịch cũng nhắc nhở tất cả nhân loại rằng mọi người đều kết nối với nhau, có tác động tương hỗ tới nhau và vì vậy, cần đoàn kết để vượt qua đại dịch và xây dựng năng lực đối phó với nhiều thách thức hơn nữa trong tương lai.
Tuyên bố khẳng định sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh nhân loại đang vươn tới một thế giới bình đẳng hơn và phát triển bền vững hơn. Thế giới cần học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như thông tin nhằm giảm thiểu rủi ro và khiến các hệ thống xã hội thích nghi tốt hơn với những thách thức, bất trắc.
Mặt khác, thế giới cần nhanh chóng phát triển và sản xuất các loại vaccine mới, thuốc men và trang thiết bị y tế cần thiết, cũng như bảo đảm mọi người dân trên thế giới đều có quyền tiếp cận những loại thuốc và trang thiết bị này.
Phát biểu với hãng tin Reuters trước thềm Phiên kỷ niệm cấp cao 75 năm thành lập LHQ này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 đã “phơi bày sự mong manh” của thế giới, tạo ra những bất bình đẳng mang tính hệ thống và cố hữu, tô đậm những thách thức về địa chính trị cùng các mối đe dọa an ninh. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này sẽ một lần nữa kêu gọi thế giới cùng nhau làm việc trong một bối cảnh của những thách thức đa phương và thiếu các giải pháp.
Ông Antonio Guterres nói: “Trong dịp kỷ niệm lần thứ 75 này, chúng tả phải đối mặt với những thách thức tương tự như thời điểm năm 1945. Hơn bao giờ hết chúng ta phải thể hiện sự đoàn kết để vượt qua tình huống khẩn cấp hiện nay, đưa thế giới vận động, làm việc và thịnh vượng trở lại, đồng thời giữ vững tầm nhìn của Hiến chương LHQ”.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 75 Volcan Bozkir nhấn mạnh: “Toàn nhân loại phải cùng nhau đấu tranh. Đây là thời điểm của sự đoàn kết. Các quốc gia thành viên chưa bao giờ có lý do thuyết phục hơn như hiện nay để đưa thế giới đến gần nhau hơn. Tôi tin rằng cùng nhau chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn”.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận và hàng trăm cuộc trao đổi trực tuyến do LHQ tiến hành từ đầu năm đến nay cho thấy sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của công chúng toàn cầu đối với hợp tác quốc tế. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay. Cụ thể, theo những dữ liệu thu thập được trong giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến 24/3/2020, có tới 95% số người được hỏi nhất trí về sự cần thiết các nước phải làm việc cùng nhau để quản lý các thách thức toàn cầu và có sự tăng nhẹ kể từ tháng 2 vừa qua, thời điểm mà dịch COVID-19 bắt đầu lan ra khắp thế giới.
Theo Cố vấn hàn lâm của LHQ Cecilia Cannon, đại dịch COVID-19 là lời nhắc nhở mạnh mẽ và là lời cảnh báo về nguy cơ một thảm họa toàn cầu mà thế giới sẽ phải đối mặt nếu “không biết cách làm việc cùng nhau”.