VNHNO - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày ký hòa ước 11/11/1918 chấm dứt cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, từ ngày 11-13/11 tới, Diễn đàn Paris về Hòa bình sẽ được tổ chức tại nước Pháp.
Ảnh minh họa
Tổng thư ký của Diễn đàn Paris về Hòa bình ông Marc Reverdin, ngày 19/10 cho biết, có 60 nhà lãnh đạo thế giới đã nhận lời tham gia sự kiện này. Diễn đàn Paris về Hòa bình được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Pháp và sẽ được tiến hành hàng năm.
Diễn đàn Paris về Hòa bình lần này sẽ bao gồm ba không gian có kết nối với nhau: Không gian tranh biện, nơi các ý tưởng và sáng kiến mới sẽ được phát triển và thảo luận và nhất định phải đi đến các kết luận có thể thực thi; không gian giải pháp, mở ra cho mọi tổ chức mong muốn giới thiệu và thúc đẩy một dự án, một sáng kiến hay một cải cách trong lĩnh vực quản trị theo một trong 5 chủ đề của diễn đàn; không gian đổi mới, sẽ tổ chức một sự kiện Hackathon về một vấn đề liên quan đến quản trị toàn cầu.
Có thể nói, trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động khó lường không có lợi cho hòa bình; hợp tác quốc tế bị thu hẹp do sự trổi dậy của chủ nghĩa đơn phương; những rủi ro địa chính trị đang gia tăng; những không gian dân chủ đang lùi bước do những bất bình đẳng ngày càng lớn… thì việc tổ chức Diễn đàn Paris về Hòa bình nhân sự kiện 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất sẽ là cơ hội tốt cho các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, các nhà hoat động chính trị, dân sự, khoa học... găp nhau để bày tỏ quan điểm, đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết các thách thức của thời đại.
Đúng như phát biểu với báo chí khi Ban tổ chức Diễn đàn Paris về Hòa bình công bố sự kiện, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron đã nêu rõ: “Diễn đàn Paris về Hòa bình lần thứ nhất vào ngày 11/11 sắp tới (bên lề các hoạt động kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất) sẽ là dịp để chúng ta suy nghĩ về phương thức tổ chức thế giới, để nhấn mạnh rõ ràng trách nhiệm tập thể của chính chúng ta, những người phải biết rõ hơn những thế hệ trước đây về điều gì khiến cho nhân loại phải khổ đau trong quá khứ và sẽ còn có thể gây ra mất mát cho nhân loại trong tương lai”./.