26/11/2024 lúc 19:41 (GMT+7)
Breaking News

6 vấn đề "nóng" trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

VNHN - Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, có 6 nội dung lớn còn nhiều tranh luận, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, thời giờ làm việc bình thường và tổ chức đại diện cho người lao động.

VNHN - Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, có 6 nội dung lớn còn nhiều tranh luận, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, thời giờ làm việc bình thường và tổ chức đại diện cho người lao động.

Ảnh minh họa - Internet 

Báo các trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đây là bộ luật hiện đang nhận rất nhiều ý kiến trái chiều về các nội dung quan trọng khác nhau.

"Ngay sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội tiếp tục nhận được 11 văn bản góp ý kiến về dự án Bộ luật của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng giới chủ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các Hiệp hội Doanh nghiệp và một số cử tri", Nguyễn Thúy Anh chia sẻ.

Theo đó, hiện nay có 6 nội dung lớn nhận nhiều tranh luận, nội dung nổi bật được nhiều đại biểu và nhân dân quan tâm là phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Vấn đề này hiện có hai phương án, đó là:

Phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đề xuất quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW và với mục tiêu lâu dài để chủ động chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam.

Như vậy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần lộ trình điều chỉnh chậm sẽ có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp, tránh tác động, phản ứng quá mạnh đối với người lao động và thị trường lao động.

Tuy nhiên đến nay, Chính phủ vẫn chưa bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị của Ủy ban đã nêu như bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định, chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ.

Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung các thông tin cần thiết trên để làm cơ sở, căn cứ để quy định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể theo lộ trình hợp lý; Đồng thời, đề xuất Chính phủ và Cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc chuyển tên gọi của điều quy định về tuổi nghỉ hưu thành tuổi hưởng lương hưu có thể sẽ phù hợp hơn”

Tại phiên họp, liên quan đến một số nội dung như giờ làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ... Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết,  đang có nhiều ý kiến đề xuất tăng lương  theo hướng tăng lũy tiến.

Hiện nay, mặc dù có sự học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới, tuy nhiên với hoàn cảnh, sức lực và thể chất của con người Việt Nam cùng bản chất chế độ XHCN Việt Nam, bà Phóng cho rằng việc quyết định vấn đề này đòi hỏi sự “cân não” rất lớn của các nhà lãnh đạo cũng như các nhà hoạt động chính sách.

Chia sẻ thêm về 6 vấn đề "nóng" trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nêu trên, Phó Chủ tịch  Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có 13 phiên họp và đối thoại, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (cơ quan soạn thảo) đã có 15 phiên họp và mở rộng đối tượng lấy ý kiến. Vì còn rất nhiều ý kiến khác nhau nên cần đánh giá kỹ về tính khả thi của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 Chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành), trong đó: đã sửa đổi, bổ sung 162 Điều, sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Dự thảo Bộ luật quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).