Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại sự kiện kỷ niệm “50 năm quan hệ Việt Nam - Argentina: Hiện tại và tương lai”.
“Thưa Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ác-hen-ti-na Eduardo Valdes và Đại sứ Eduardo Lionel Demayo
Thưa các bạn Ác-hen-ti-na và Việt Nam thân mến!
Trước hết, tôi chân thành cảm ơn Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo đã tổ chức, chủ trì buổi trao đổi hôm nay.
Nếu ví thế giới của chúng ta như một cuốn sách thì hôm nay, tôi đang có vinh hạnh được đọc những trang thú vị nhất của cuốn sách đó: Ác-hen-ti-na. Ngay khi đặt chân lên mảnh đất tươi đẹp này, những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười nồng hậu, những ánh mắt rạng rỡ của các bạn Ác-hen-ti-na nhiệt thành, mến khách khiến chúng tôi cảm kích và tin cậy như được trở về ngôi nhà chung tràn ngập thân thương của mình.
Ác-hen-ti-na nổi tiếng là vùng đất tươi đẹp, thanh bình, từ vùng đồng bằng Pampa bao la với thảm cỏ xanh mướt, đến dãy Andes uy nghi, những thung lũng trải dài và những rừng nguyên sinh hùng vĩ. Đất nước của các bạn có rất nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa từng được UNESCO công nhận như: Các khu vườn quốc gia tại Los Glaciares, Iguazu, Talampaya, Los Alerces; mạng lưới đường bộ Inca; công viên tỉnh Ischigualasto… Người dân Ác-hen-ti-na yêu thích đọc sách, thủ đô Buenos Aires được UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý: Thủ đô sách thế giới năm 2011.
Ác-hen-ti-na là quê hương của điệu tango quyến rũ - một biểu tượng văn hóa toàn cầu. Đây còn là cường quốc bóng đá thế giới, với 3 lần vô địch thế giới vào các năm 1978, 1986 và mới đây nhất là năm 2022 cùng trận chung kết hay nhất lịch sử World Cup giữa Ác-hen-ti-na và Pháp. Tình yêu với bóng đá và tango không chỉ tràn ngập trên đường phố, các sân vận động, các sàn nhảy, mà còn hiển hiện sống động trong các viện bảo tàng dành riêng cho bóng đá và tango. Chúng tôi hâm mộ Gaucho - những chàng kị sĩ du mục - biểu tượng của khát vọng tự do, lòng can đảm, sự phóng khoáng, trọng danh dự, tính cách mạnh mẽ của con người và nền văn hóa đa sắc màu Ác-hen-ti-na.
Đặc biệt, chúng tôi vô cùng ấn tượng và xin chúc mừng các bạn Ác-hen-ti-na về những thành tựu to lớn, đáng tự hào đạt được trong công cuộc khôi phục, phát huy dân chủ và phát triển đất nước trong 40 năm qua. Ác-hen-ti-na đang ngày càng khẳng định và phát huy vị thế, vai trò ở khu vực và trên thế giới với nền kinh tế năng động, hiện đại, đứng thứ 3 ở Mỹ La-tinh về quy mô và thuộc nhóm G20 của thế giới.
Thưa quý vị đại biểu,
Trong chuyến thăm này, tôi vui mừng được trao cơ hội phát biểu tại Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo - nơi hội tụ những nhà ngoại giao tầm vóc, những nhà kinh tế tài giỏi và những nhà trí thức uyên bác của quốc gia. Tại Diễn đàn vinh dự này, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ về 3 vấn đề chính: một là, tình hình thế giới; hai là, tình hình và chính sách đối ngoại của Việt Nam; ba là, quan hệ Việt Nam - Ác-hen-ti-na.
Thứ nhất, thế giới hôm nay bên cạnh những mặt thuận lợi và tiềm năng to lớn, đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, từ biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế toàn cầu; khủng hoảng năng lượng và lương thực; bất bình đẳng về kinh tế và bất ổn về chính trị, xã hội; cho đến cạnh tranh chiến lược và phân tách giữa các nước lớn, các cường quốc; xung đột và chiến tranh…
Hơn bao giờ hết, chúng ta hy vọng các quốc gia cần đoàn kết, hợp tác và thống nhất, cùng chung tay ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu, vì một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta mong muốn và kêu gọi các bên ở các điểm nóng nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, xung đột, ngồi vào bàn đàm phán, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, bất đồng; trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, chúng ta càng cần có những cam kết mạnh mẽ và hành động thiết thực đề cao chủ nghĩa đa phương, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Có thể khẳng định, hòa bình, hợp tác và tiến bộ là nguyện vọng chung cháy bỏng của các dân tộc. Không có hòa bình, sẽ không thể có phát triển và tiến bộ! Chúng ta cần nỗ lực vượt bậc, nêu cao trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế để tạo dựng hoà bình và hợp tác, coi đó là xu thế chủ đạo, là dòng chảy chính của thời đại chúng ta!
Chúng ta cũng cần nắm bắt những cơ hội to lớn từ các xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo… đang mang đến. Theo đó, phải đẩy nhanh các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở các cấp độ khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy xây dựng hình thái toàn cầu mới công bằng, bền vững hơn đối với tất cả các nước, các nền kinh tế. Thử thách là rất lớn, song cũng là động lực để tất cả các nước, các khu vực đổi mới mạnh mẽ và phát triển. Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, dường như tất cả các nước dù đã phát triển hay đang phát triển, dù là nước lớn hay nước nhỏ hơn thì đều đang quay lại cùng một điểm xuất phát. Vì trong bối cảnh chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của Al trí tuệ nhân tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 thì tương lai không còn đơn thuần là đường kéo dài của quá khứ. Tất cả các nước, nhất là các nước đi sau vẫn còn cơ hội rất to lớn. Trong tiến trình này, Việt Nam và Ác-hen-ti-na nói riêng, các nước Đông Nam Á và Mỹ La-tinh nói chung có vai trò và đóng góp rất quan trọng!
Thứ hai, về tình hình và chính sách đối ngoại của Việt Nam: Sau gần 37 năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện và đồng bộ do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới với khoảng 95% dân số trong cảnh đói nghèo và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và vẫn đạt mức tăng trưởng dương gần 3% trong năm 2020, năm mà hầu hết các nước đều chịu mức tăng trưởng âm do hậu quả đại dịch COVID-19. Tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 3%. Quy mô GDP của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2022 đạt 409 tỷ USD, đứng trong top 38 của thế giới, gấp 10 lần so với năm 2000.
Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân liên tục 10% năm, năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD (xuất khẩu 371,85 tỷ USD, nhập khẩu 360,65 tỷ USD), nằm trong top 20 quốc gia có kim ngạch ngoại thương lớn nhất toàn cầu, liên tục nhiều năm nay đều có mức thặng dư thương mại. Riêng xuất khẩu gạo, nông sản, từ một đất nước thiếu đói, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu 55 tỷ USD hàng nông, lâm, thuỷ sản sang các nước trên thế giới. Việt Nam cũng là một nước rất thành công trong thu hút FDI, lũy kế đến tháng 2-2023 đã có hơn 36.600 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 442 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Ác-hen-ti-na và thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới của Ác-hen-ti-na. Ác-hen-ti-na trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh với kim ngạch khoảng 4,8 tỷ USD vào năm 2022, hai nước đang phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam cũng đã đạt được kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, là một điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự phát triển bền vững SGDs đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng một thập kỷ, tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,8% vào năm 2020, với 10 triệu người đã thoát nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng đảm bảo công bằng và an sinh xã hội, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không để một ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng tôi triển khai đồng bộ cả ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước - ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; đã ký kết và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ và nền kinh tế đối tác. Quốc hội Việt Nam đặt mối quan hệ với hơn 140 nghị viện trên thế giới.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và phức tạp, Việt Nam kiên định không chọn bên mà chọn lẽ phải, dựa vào luật pháp quốc tế. Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, UNESCO, APEC, ASEM, FEALAC..., tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng các đối tác, góp phần xây dựng một trật tự quốc tế hòa bình, ổn định, đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các dân tộc, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập - và sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể nhân dân Việt Nam cùng sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế, trong đó có các nước Mỹ La-tinh và Ác-hen-ti-na. Từ Diễn đàn này, một lần nữa, tôi trân trọng cảm ơn tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ Việt Nam, cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay của cộng đồng quốc tế. Nhân dịp này, tôi cảm ơn các Bạn Ác-hen-ti-na ngay trong thời điểm cam go của đại dịch COVID-19, dù còn thiếu vắc-xin nhưng đã hỗ trợ Việt Nam 500.000 liều vắc-xin, góp phần quan trọng để Việt Nam vượt qua đại dịch và nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội.
Thưa các quý vị,
Năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đề ra hai mục tiêu chiến lược 100 năm, kết tinh khát vọng lớn lao của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu thứ nhất là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Mục tiêu thứ hai là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò hàng đầu trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối chính trị, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, lập pháp và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật; trong đó, lĩnh vực đối ngoại giữ vị trí rất quan trọng. Chúng tôi luôn dành sự ưu tiên đặc biệt phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác ngoại giao nghị viện song phương và đa phương dưới mọi hình thức, ở mọi quy mô và tầm mức, góp phần tạo dựng cơ sở chính trị - xã hội bền vững cho các mối quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ ba, về tầm nhìn trong quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Mỹ La-tinh 10 năm tới:
Chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng, Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi với khu vực Mỹ La-tinh. Hiện nay, chúng tôi đã có quan hệ ngoại giao với tất cả 33 nước trong khu vực, trong đó có các bạn bè truyền thống, gắn bó lâu đời, cả về lịch sử, tình cảm và chia sẻ nhiều điểm tương đồng về truyền thống, văn hóa và lợi ích chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của Việt Nam trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước đầu thế kỷ XX, Người đã dừng chân tại Ác-hen-ti-na và U-ru-goay. Ở bất kỳ thời kỳ nào, dù trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và hiện nay, chúng tôi luôn vinh dự nhận được tình đoàn kết chặt chẽ, sự giúp đỡ to lớn và toàn diện của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Ác-hen-ti-na và những người bạn Mỹ La-tinh thủy chung, son sắt đã dành cho Việt Nam nghĩa bè bạn thiêng liêng và sự tận hiến đầy cảm xúc. Đây là tài sản quý giá, tiền đề quan trọng để chúng ta thu hẹp và xóa đi sự cách biệt giữa con người với con người bằng tinh thần, lực lượng và hành động đề cao độc lập và tự chủ, yêu chuộng hòa bình và tự do, trân trọng công bằng và chính nghĩa cho chúng ta và vì cả loài người tiến bộ.
Trong tình hình thế giới phức tạp hiện nay, trên phương diện hợp tác phát triển kinh tế, chúng ta càng cần có nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau theo cơ chế hợp tác Nam - Nam nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn kết chuỗi cung ứng, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, công nghiệp, kết nối đường biển, hàng không, hậu cần… hai bên và các bên. Việt Nam kỳ vọng cùng các nước Mỹ La-tinh chủ động đón bắt những cơ hội để nhân lên sức mạnh, cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau chủ động giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống dù trên bộ, trên biển hay trên không, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.
Với dự báo và tầm nhìn 10 năm tới, tôi nghĩ rằng, Đông Nam Á và Mỹ La-tinh có tiềm năng to lớn và hoàn toàn có thể trở thành hiện thực để trở thành những cực tăng trưởng mới của thế giới. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, hai khu vực Đông Nam Á và Mỹ La-tinh cần tăng cường liên kết để hiện thực hóa tiềm năng nói trên.
Việt Nam chủ trương củng cố, mở rộng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng. Mặt khác, Việt Nam tăng cường xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài, trong đó Mỹ La-tinh là một trọng điểm mới. Việt Nam sẵn sàng thảo luận với các nước thành viên Mercosur về việc sớm xây dựng một hiệp định thương mại tự do, tạo cơ hội mới để tăng cường thương mại, đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Nam Mỹ. Đồng thời với tiến trình đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong ASEAN, nỗ lực là đầu tầu, cửa ngõ, cầu nối hợp tác giữa ASEAN và Mercosur, đặc biệt trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và có khả năng bổ trợ cho nhau.
Tại khu vực Mỹ La-tinh hiện nay, đất nước Cu-ba anh em vẫn đang phải chịu sức ép từ bao vây, cấm vận kinh tế, trái với sự bình đẳng của luật pháp quốc tế, đi ngược với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế và trái với lương tri của nhân loại tiến bộ. Các biện pháp này không đem lại lợi ích cho bất cứ ai lương thiện và cần được chấm dứt càng sớm càng tốt. Một lần nữa, Việt Nam kêu gọi tất cả chúng ta chung tay dỡ bỏ cấm vận chống Cu-ba; các bên liên quan với thái độ thiện chí và xây dựng, nối lại đối thoại, tăng cường hiểu biết, giảm thiểu các khác biệt và tìm ra các lĩnh vực để khởi đầu cho sự hợp tác cùng có lợi.
Đó chính là tầm nhìn mới về thời cơ mới, để cùng nhau phát triển lực lượng mới, sức mạnh tổng hợp mới và đề cao trách nhiệm mới của chúng ta trong việc xử lý các vấn đề khu vực và các trọng trách mang tính toàn cầu hiện nay.
Thưa các quý vị,
Tôi muốn dành phần cuối bài phát biểu như là sự kết tinh và tỏa sáng tuyệt vời về mối quan hệ Việt Nam và Ác-hen-ti-na.
Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Ác-hen-ti-na. Năm 2023 là mốc son trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta kỷ niệm 50 năm xây dựng và vun đắp quan hệ hữu nghị. Lịch sử Việt Nam khắc ghi: Ác-hen-ti-na là một trong 3 nước Nam Mỹ đi đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay từ năm 1973, dưới chính quyền của cố Tổng thống Juan Peron và nay là Đảng Công lý dưới sự lãnh đạo của ngài Tổng thống Alberto Fernandez. Ác-hen-ti-na là một trong 4 đối tác toàn diện của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh (từ năm 2010).
Tuy cách xa nhau nửa vòng trái đất và dẫu ở hai châu lục, hai dân tộc chúng ta cùng chia sẻ và phát triển những giá trị chung văn minh và tiến bộ: Đó là khát vọng độc lập, dân chủ và phát triển cho đất nước, tự do, hạnh phúc và tiến bộ cho nhân dân. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi kiên định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thì Tướng José de San Martin, Anh hùng dân tộc của Ác-hen-ti-na và khu vực Nam Mỹ cũng khẳng định: “Tất cả chúng ta hãy vì tự do. Chúng ta thà chết chứ không làm nô lệ”. Đó là sự gặp gỡ lịch sử về tư tưởng và hành động mang tầm chân lý đẹp như cùng hẹn trước của hai đất nước chúng ta.
Nếu đến thăm đất nước chúng tôi, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy một Ác-hen-ti-na trong lòng Việt Nam. Đó là hình ảnh quốc kỳ Ác-hen-ti-na với màu xanh lam nhạt và màu trắng, tung bay tại trụ sở Đại sứ quán Ác-hen-ti-na. Là những người anh - chị - em Ác-hen-ti-na đang sống, làm việc, học tập, kinh doanh tại Việt Nam. Là tiếng nhạc tango rộn ràng, cuốn hút, làm say đắm lòng người, vang lên trong những công viên lớn, hay quanh hồ Gươm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, tại những câu lạc bộ hay lớp dạy khiêu vũ cho người dân. Là những quán ăn nổi tiếng với thịt bò, rượu vang, bánh rán mứt sữa hay trà Ác-hen-ti-na. Các bạn có thể bắt gặp hình ảnh của Diego Maradona hay Lionel Messi trong một quán bia đông đúc ven đường, một quán bar ẩn mình nơi góc phố, trên áo phông của các cầu thủ “nhí” Việt Nam. Mỗi khi đội tuyển Ác-hen-ti-na thi đấu, người hâm mộ luôn cổ vũ và coi chiến thắng của các cầu thủ Ác-hen-ti-na như chiến thắng của chính đội tuyển Việt Nam.
Những giá trị thiêng liêng, tương đồng và tình cảm đó là tài sản vô giá, là chất keo tự nhiên hữu cơ và xung lực mạnh mẽ để chúng ta đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn cho 50 năm tới trên 3 phương diện căn bản sau đây:
Một là, về chính trị - ngoại giao: Tiếp tục tăng cường xây dựng quan hệ giữa Lãnh đạo hai nước, qua các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; phát huy mạnh mẽ vai trò của kênh Nghị viện hai nước, các chính đảng. Chúng tôi đánh giá cao việc Hạ viện Ác-hen-ti-na và Quốc hội Việt Nam đã thành lập nhóm nghị sỹ hữu nghị; hai bên tăng cường hợp tác nâng cao năng lực. Đồng thời, chúng ta cần phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại, trong đó có tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, vai trò của các cơ quan đại diện tại mỗi nước; tăng cường ủng hộ, phối hợp tại các diễn đàn đa phương.
Đặc biệt, năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 nhân dịp Đại hội đồng IPU-146 (dự kiến vào khoảng trung tuần tháng 9-2023). Chúng tôi mong được chào đón các nghị sĩ trẻ Ác-hen-ti-na tại Việt Nam, để giới trẻ cùng nhau suy nghĩ, cam kết cùng hành động vì sự phát triển của IPU; tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực và mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm.
Hai là, về kinh tế, thương mại: Phát huy tối đa vai trò của Ủy ban Liên Chính phủ, hoàn thiện khung pháp lý, nhất là các hiệp định tránh đánh thuế trùng, kiểm dịch động thực vật, dịch vụ hàng không..., mở cửa thị trường thuận lợi nhất cho hàng hóa của nhau; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật nông nghiệp, chế biến nông sản; hợp tác khai thác lithium, công nghệ sản xuất khí hydro xanh; kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước và khuyến khích đầu tư sang nhau; xem xét, xúc tiến tích cực việc mở đường bay thẳng; đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác, kết nối giữa các địa phương và giao lưu nhân dân hai nước.
Chúng ta cần tận dụng các khuôn khổ và hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là Mercosur, CPTPP…, đồng thời hướng tới Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Mercosur. Nắm bắt cơ hội phát triển xanh, sạch, bền vững, đổi mới và sáng tạo mà Việt Nam và Ác-hen-ti-na có thế mạnh có thể bổ sung cho nhau.
Ba là, về văn hóa, giáo dục, du lịch: Tăng cường hợp tác về giáo dục, đào tạo giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu; đề nghị Ác-hen-ti-na cấp học bổng học tiếng Tây Ban Nha cho sinh viên Việt Nam; thúc đẩy trao đổi đoàn và hợp tác về thể thao, đặc biệt là hợp tác giữa liên đoàn bóng đá hai nước và một số hợp tác cụ thể như mở trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, đấu giao hữu; tăng cường mở và lan tỏa các trang tiếng Tây Ban Nha trên các định chế truyền thông lớn của Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác xúc tiến du lịch, trao đổi kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch.
Thưa quý vị và các bạn!
Để kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh rằng, cách tốt nhất để dự đoán tương lai là chúng ta kiến tạo ra nó! Muốn hình dung 50 năm sau quan hệ Việt Nam - Ác-hen-ti-na như thế nào thì chúng ta phải cùng nhau thúc đẩy và kiến tạo tương lai của mối quan hệ này. Khi chúng ta đoàn kết thì chỉ riêng ý chí của chúng ta cũng nhất định san bằng mọi lực cản, để vươn tới tương lai. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng, hai nước, hai khu vực chúng ta sẽ hợp tác toàn diện, mạnh mẽ và thực chất, chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa như tinh thần đoàn kết, đồng đội của bóng đá và tinh thần phối hợp nhịp nhàng của điệu nhảy tango huyền thoại; trên nền móng lịch sử vô giá, cùng nhau viết tiếp những trang sử mới ngày càng tươi đẹp của hai nước Việt Nam - Ác-hen-ti-na trong cuốn sách về thế giới trong 10 năm và 50 năm tiếp theo.
Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, chúng tôi chân thành cảm ơn Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo và cá nhân ngài Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ác-hen-ti-na Eduardo Valdes và Đại sứ Eduardo Lionel Demayo... đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hai nước, cũng như phối hợp tổ chức và thu xếp chương trình làm việc rất ý nghĩa, hiệu quả cho Đoàn chúng tôi.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe và xin chúc quý vị cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công!”.