16/01/2025 lúc 01:39 (GMT+7)
Breaking News

5 địa danh du lịch nổi tiếng Trung Quốc xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung

VNHNO - Hoa Sơn, Núi Nga Mi, Thành cổ Đại Lý, Thái Sơn hay Nhạn Môn Quan... đều là những điểm đến từng xuất hiện trong các tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng được dựng thành phim của cố nhà văn Kim Dung.

VNHNO - Hoa Sơn, Núi Nga Mi, Thành cổ Đại Lý, Thái Sơn hay Nhạn Môn Quan... đều là những điểm đến từng xuất hiện trong các tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng được dựng thành phim của cố nhà văn Kim Dung.

Cố nhà văn Kim Dung và một số tác phẩm tiêu biểu được dựng thành phim với những địa danh nổi tiếng

Hoa Sơn

Hoa Sơn là một trong 5 ngọn núi danh tiếng nhất của Trung Quốc, nằm ở dãy Tần Lĩnh phía nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An khoảng 100km về phía Đông, mang trong mình ý nghĩa lịch sử to lớn về tín ngưỡng. Năm 1990, Hoa Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Núi Hoa Sơn có tên gọi như vậy là do được cấu tạo từ đá hoa cương, có hình dáng dựng đứng, xòe rộng như bông hoa. Có 5 đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất lên tới 2154m gọi là Nam Phong hay Lạc Nhạn.

Núi Hoa Sơn được coi là đại bản doanh của phái Hoa Sơn, môn phái nổi danh với Hoa Sơn kiếm pháp và Tử hà thần công. Phái Hoa Sơn xuất hiện trong 3 tiểu thuyết của Kim Dung là Tiếu ngạo giang hồ, Bích huyết kiếm và Ỷ thiên Đồ long ký. 

Tới thăm Hoa Sơn, du khách sẽ có cảm giác lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh, như bước vào thế giới kiếm hiệp và có thể tận mắt ngắm dòng chữ "Hoa Sơn luận kiếm" do chính tay Kim Dung tiên sinh chấp bút. 

Bên cạnh đó, Hoa Sơn cũng là một trong những địa điểm đặt khóa tình yêu nổi tiếng của giới trẻ.

Núi Nga Mi

Núi Nga Mi hay còn gọi là "Đại quang Minh sơn", nằm ở Trung Nam, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây là một trong 4 ngọn núi danh thắng, được gọi là "Tứ đại Phật giáo danh sơn", cao 3099m, đỉnh cao nhất của núi là Vạn Phật, nằm trên ngọn núi chính Kim Đính.

Trên núi Nga Mi có chùa Vạn Niên. Đây là ngôi chùa mang kiến trúc đậm dấu ấn Đạo giáo. Trong chùa có bức tượng Phổ Hiền Bồ Tát nặng 62 tấn, được đúc bằng đồng mạ 20kg vàng bên ngoài, sớm trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới ngọn núi danh tiếng này.

Núi Nga Mi gắn liền với những nhân vật như Chu Chỉ Nhược, Diệt Tuyệt sư thái... trong Ỷ thiên Đồ long ký của cố nhà văn Kim Dung.

Thành cổ Đại Lý

Thành cổ Đại Lý nằm ở Vân Nam, Trung Quốc. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử, nhiều tòa nhà và đền miếu cổ. Trước đây, Đại Lý là một vương quốc của người Bạch, tồn tại từ năm 937 - 1253, khi quốc gia này bị đế quốc Mông Cổ xâm chiếm. 

Đây là nơi khá bình yên, không có xe cộ nên du khách có thể thoải mái tản bộ tham quan. Chính phủ nước này cũng không cho xây dựng các công trình hiện đại trong khu thành cổ nên kiến trúc nơi đây vẫn mang đậm nét truyền thống. 

Các điểm tham quan chính của thành cổ Đại Lý là cổng thành phía nam và phía bắc, Sùng Thánh Tự, phố Tây và nhà truyền thống của người Bạch.

Thái Sơn

Thái Sơn là một ngọn núi rất linh thiêng của Trung Quốc với tổng diện tích hơn 420 km2, nằm ở tỉnh Sơn Đông phía Bắc thành Thái An, Trung Quốc. Đây là thánh địa của Đạo gia và cũng là nơi tế lễ của triều đình. 

Thái Sơn có đỉnh Ngọc Hoàng cao 1.545 m so với mặt nước biển với thế núi hiểm trở, có nhiều đền chùa, miếu mạo linh thiêng. Trong truyện Kim Dung, vì vậy, người xưa gọi ngọn núi này là "cột chống trời". 

Đây cũng là đại bản doanh của kiếm phái Thái Sơn nổi tiếng cùng hàng vạn cây cổ thụ trên 100 năm tuổi, đặc biệt là cây ngân hạnh trong đền có niên đại khoảng 2.000 năm tuổi và được mệnh danh là "hóa thạch sống". 

Ngoài ra, cây cầu bằng đá được hình thành sau vụ sạt lở núi, có tên gọi là "cây cầu bất tử" cũng là một trong những địa danh rất hút khách tại ngọn núi này.

Nhạn Môn Quan

Nhạn Môn Quan là địa danh nằm trên núi Nhạn Môn thuộc dãy Hằng Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc và cách thành phố Hân Châu chừng 20km về phía Bắc. Đây là một trong những cửa ải của Vạn Lý Trường Thành với hai bên là vách núi dựng đứng hùng vỹ. Sở dĩ địa danh mang tên Nhạn Môn Quan bởi ở đây có nhiều chim nhạn và chỉ chúng mới bay qua được.

Cửa ải được xây dựng bằng gạch, các con đường được lát đá. Bức tường bao quanh trải dài từ đông sang tây dài khoảng 5 km, được bố trí nhiều tháp canh. 

Trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, địa danh Nhạn Môn Quan từng xuất hiện gắn liền với nhân vật Kiều Phong, một đại anh hùng đã dùng chính sinh mạng của mình đổi lấy sự bình yên của dân hai nước Tống - Liêu.

Hiện tại, 3 cửa ải của Nhạn Môn Quan vẫn được bảo vệ tốt. Địa danh này đã trở thành một phần quan trọng của Di sản Văn hóa Thế giới./.