23/01/2025 lúc 02:28 (GMT+7)
Breaking News

5 cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với trẻ em năm 2021

Tại một số nơi nguy hiểm và phức tạp nhất trên thế giới, Covid-19 đã làm đảo ngược tiến bộ đạt được qua hàng thập niên khó khăn, với những dư chấn có nguy cơ đe dọa mạng sống của nhiều trẻ em hơn chính virus gây đại dịch.

Tại một số nơi nguy hiểm và phức tạp nhất trên thế giới, Covid-19 đã làm đảo ngược tiến bộ đạt được qua hàng thập niên khó khăn, với những dư chấn có nguy cơ đe dọa mạng sống của nhiều trẻ em hơn chính virus gây đại dịch.

Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng hơn những tác động của nghèo đói, cùng với xung đột, bất ổn chính trị, mất an ninh lương thực và bạo lực khiến trẻ em và gia đình ngày càng dễ bị tổn thương.

Dưới đây là 5 cuộc khủng hoảng tồi tệ đối với trẻ em trong năm 2021 mà theo World Vision, thế giới không nên lờ đi.

World Vision là tổ chức cứu trợ, phát triển và bảo trợ trẻ em, các gia đình cũng như cộng đồng để giúp họ vượt qua sự nghèo khó, bất công.

Trong năm 2021, nhiều cuộc khủng hoảng trên toàn cầu có tác động mạnh tới trẻ em, cần sự chung tay để bảo vệ thế hệ tương lai. (Nguồn: European Social Network)

Mất an ninh lương thực

Dù cái đói có thể không khiến trẻ em tử vong, song, suy dinh dưỡng cấp tính trầm trọng ngay từ khi còn nhỏ có thể gây ra những tổn thương cả đời về thể chất và tinh thần của các em.

Thế giới đang không đạt được mục tiêu đề ra là cải thiện dinh dưỡng vào năm 2030. Hiện nay, có khoảng 50,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, tập trung ở một số nơi nguy hiểm nhất trên thế giới, với xung đột và chiến tranh góp phần lớn gây ra nạn đói.

Vào năm 2021, ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, xung đột và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực đối với các gia đình và trẻ em.

Tị nạn

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, dòng người di cư quốc tế trong năm 2020 vẫn tăng, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, trong đó có các biện pháp hạn chế đi lại.

Theo đó, số lượng người di cư quốc tế đã lên tới 281 triệu người trong năm 2020 (tương đương 3,6% dân số toàn cầu). Con số này trong năm 2019 là 272 triệu và năm 1970 là 84 triệu người (chiếm 2,3% dân số toàn cầu).

Số liệu của IOM cũng chỉ ra rằng, số người di cư nội địa bởi các nguyên nhân như thảm họa, xung đột và bạo lực đã tăng trong năm 2020, lên khoảng 40,5 triệu người, so với 31,5 triệu người năm 2019.

Bất chấp mạo hiểm, các gia đình thực hiện những chuyến đi dài và khó khăn với hy vọng tìm thấy sự an toàn và ổn định.

Cho đến nay, nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất do cuộc khủng hoảng di cư là trẻ em, đối tượng vốn thường bị tách khỏi cha mẹ, không được tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và trở thành nạn nhân của tảo hôn, lao động trẻ em.

Dù chưa có số liệu chính thức, song, theo World Vision, vào năm 2021, số trẻ em sẽ di cư sẽ lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử.

Biến đổi khí hậu

Khí hậu trên Trái đất đang ngày càng khắc nghiệt hơn với những hình thái thời tiết cực đoan, có tác động trực tiếp đến những trẻ em nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất cũng như tương lai của các em.

Hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến mùa màng bị phá hủy. Với hàng triệu gia đình sống dựa vào nông nghiệp, không có thu nhập có nghĩa là không có tiền học phí, y tế, thuê nhà...

Việc này đẩy các gia đình nông thôn di cư đến các thị trấn, thành phố và quốc gia mới, nguy cơ gây ra căng thẳng và xung đột với các cộng đồng chủ nhà.

Tảo hôn

Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng trên toàn cầu đối với trẻ em gái. Khi các gia đình dễ tổn thương bị mất thu nhập, trẻ em gái trở thành nạn nhân của tảo hôn.

World Vision cho rằng, sẽ có thêm 13 triệu cuộc tảo hôn sẽ xảy ra trong những năm ngay sau đại dịch, với ít nhất 4 triệu trẻ em gái kết hôn trong 2 năm tới.

Đại dịch toàn cầu cũng tạo ra một thảm họa giáo dục đối với trẻ em gái, nhóm đối tượng vốn dễ bị tổn thương. Các đợt đóng cửa trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đã khiến tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tăng đột biến.

Ở châu Phi cận Sahara, có tới 1 triệu trẻ em gái có nguy cơ không thể quay lại trường do mang thai trong thời gian tạm nghỉ học. Tình trạng tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên càng làm trầm trọng thêm chu kỳ nghèo đói của các gia đình.

Lao động trẻ em và nạn buôn người

Dự báo, số lượng trẻ em bị bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục, cả hiện tại và trong những năm tới sẽ tăng lên.

Lý giải về dự báo này, World Vision cho rằng, Covid-19 gây căng thẳng lên nguồn thu của các gia đình dễ bị tổn thương, khiến trẻ em bị buộc phải đi ăn xin, hay làm thuê thay vì được đi học.

Chỉ riêng ở châu Á, có tới 8 triệu trẻ em bị buộc phải đi ăn xin hoặc tham gia vào các lĩnh vực lao động do gia đình không đủ tiền mua lương thực.