Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 về việc phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau 3 năm triển khai, đã từng bước phát huy hiệu quả định hình chiến lược phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL với chủ trương “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120, ngành nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những cải thiện tích cực. Lần đầu tiên ĐBSCL có một quy hoạch tích hợp đa ngành cho toàn vùchung và đạt được nhiều kết quả khả quan. GDP trong năm 2018 và năm 2019 đều đạt ở mức cao khoảng 7,3%. Chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, coi lũ, nước mặn và nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế. Trong đợt hạn mặn 2019 – 2020, giảm được hơn 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng.
Trong 3 năm qua, Nghị quyết 120 đang từng bước mang lại những kết quả khả quan cho ĐBSCL. Ảnh minh họa: Internet
Từ ưu tiên sản xuất lúa gạo, hiện nay đã chuyển sang ưu tiên thủy sản, trái cây. Đồng bằng sông Cửu Long trong 3 năm qua cũng được đầu tư nhiều dự án hạ tầng lớn, tăng kết nối nội vùng và liên vùng. Khoảng 220.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước được đầu tư hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến năm 2025 dự kiến bổ sung thêm khoảng 388.000 tỷ đồng để sớm hoàn thành các chương trình trọng điểm. Hết năm 2021, sẽ thảm nhựa và đưa vào khai thác tuyến cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận. Cầu Mỹ Thuận 2 được bố trí 5000 tỷ, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Riêng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ hoàn thành vào năm 2022. Tuyến cao tốc nối thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Cần Thơ – Trung tâm động lực của vùng sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ này.
Tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, xuất hiện các mô hình lúa thơm, tôm sạch trên cánh đồng chuyển đổi tôm, lúa. Tại Đồng Tháp, hơn 100 mô hình hội quán ra đời, giúp bà con tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng.
Nghị quyết 120 đã định hình được không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng. Ngoài ra cũng đã khơi thông, thúc đẩy thu hút nguồn lực đầu tư. Đơn cử trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Ngân hàng thế giới đã huy động khoảng 2,2 tỷ USD cho các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với Nghị quyết 120. Đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế người dân được đảm bảo, hướng đến phát triển an toàn và thịnh vượng.
Nghị quyết 120 với tinh thần "giảm lúa, xem mặn là cơ hội" ưu tiên phát triển thủy sản, trái cây rồi tới lúa gạo. Ảnh minh họa: Internet
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, cần phải có những giải pháp hóa giải những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt. Cần cơ chế đặc thù để bổ sung nguồn vốn tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt. Đầu tư cơ sở hạ tầng phải là đầu tư quan trọng nhất, có tính chất khai phá những khó khăn hiện nay, đồng thời tạo ra sự kết nối giữa các địa phương cho đồng bằng và quan trọng là kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo để hướng đến năng lượng xanh, giảm phát thải cacbon cũng được các địa phương liệt kê phát triển nhiều hơn nữa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn giảm các ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù Nghị quyết 120 với phương châm là “Thuận thiên” và “Thích ứng” nhưng không được giao phó cho trời đất, mà cần chủ động trong quan điểm chiến lược tiếp cận mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng chính phủ đưa ra 8 chữ G, bao gồm:
Giao: Giao thông, thủy lợi
Giáo: Giáo dục
Giang(sông): Phát triển kinh tế sông
Gắn: Gắn kết giữa trung ương và địa phương, liên kết vùng
Giàu: Tiếp tục thu hút người giàu, doanh nghiệp có tiềm lực
Giỏi: Thu hút nhân tài đóng góp cho địa phương
Già: Già hóa dân số và chính sách an sinh xã hội
Giới: Thúc đẩy bình đẳng giới tiếp cận cơ hội việc làm, phát huy vai trò người phụ nữ
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cần đưa ra ngân sách chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu thành một chi chính của ngân sách địa phương trong tổng thu ngân sách hàng năm. Trong thời gian tới, Thủ tướng cũng đề xuất chương trình “Đối thoại 2045” cho Đồng bằng sông Cửu Long để tìm giải pháp đưa đồng bằng phát triển thịnh vượng.